Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy- Kỳ cuối: Nỗi lo từ các khu công nghiệp

Thời gian qua, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (CNCH) ở KKT Dung Quất và các KCN, cụm công nghiệp (CCN). Song, nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Khoảng 20 giờ 30 phút tối ngày 9.4.2020, tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) một ngọn lửa lớn bùng phát bao trùm khu nhà xưởng rộng 1.000m2 thuộc cơ sở sản xuất sắt, nhựa, gỗ Thiện Tín. Dù người dân địa phương và lực lượng cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa và ngăn ngọn lửa cháy lan sang các DN khác, nhưng do hàng hóa bên trong nhà xưởng là những vật liệu dễ cháy, nên sau 2 giờ ngọn lửa mới được dập tắt, toàn bộ tài sản của DN bị hư hỏng hoàn toàn.

Công nhân Công ty CP Cảng quốc tế Gemadept diễn tập công tác PCCC tại công ty.

Cũng trong năm 2020, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (KKT Dung Quất) xảy ra vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn cho DN. Đó là, trong quá trình ra gang thì tại vị trí tiếp xúc giữa mắt gió và thành lò cao có hiện tượng bị hở, gang lỏng theo khe hở tràn ra ngoài, gây cháy trạm cấp dầu thủy lực và các vách tole lấy sáng xung quanh.

Điều đang nói là việc dập lửa và CNCH khi xảy ra cháy tại các nhà máy gặp nhiều khó khăn. Có vụ hỏa hoạn xảy ra mà lực lượng cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia mất đến 3 ngày mới xử lý được đám cháy. Đơn cử như vụ cháy xảy ra tại Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ của Công ty TNHH MTV Hào Hưng vào ngày 5.11.2020. Tuy đã vây không cho ngọn lửa cháy lan, song để khống chế, dập tắt hoàn toàn thì lực lượng cảnh sát phải huy động cả trăm lượt chiến sĩ tham gia và đến ngày 8.11 mới dập tắt hoàn toàn được ngọn lửa. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến việc chữa cháy khó khăn là do bồn Silo chứa viên nén gỗ bắn lửa, sau đó cháy lan, vị trí cháy ở độ cao 36m và lửa than liên tục chảy thành dòng từ bồn chứa xuống khu vực nhà xưởng, nên việc tiếp cận đám cháy rất khó.

Vẫn còn tình trạng chủ quan

Thiệt hại do hỏa hoạn gây ra đối với DN là rất lớn, song tại các nhà máy, xí nghiệp ở các CCN, KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, công tác PCCC và CNCH vẫn chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức. Thậm chí, nhiều đơn vị rất chủ quan, lơ là trong công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Không những thế, còn có hiện tượng các DN khi xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng còn vi phạm quy định về PCCC.

Theo Báo cáo 1555, ngày 27.4.2021 của Công an tỉnh do Đại tá Lê Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh ký về kết quả kiểm tra công tác PCCC và CNCH đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa tại 4 KCN và 6 CCN cho thấy: Ngoài hai KCN Tịnh Phong và Quảng Phú cấp phép xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực, nên chưa được thẩm định, phê duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC, còn có 6 CCN, KCN cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chỉ có KCN VSIP Quảng Ngãi và CCN Bình Nguyên là được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.

Qua công tác kiểm tra PCCC và CNCH tại các KCN, CCN, Công an tỉnh đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 121 trường hợp, với số tiền 252 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 1 trường hợp.

Theo quy định về công tác PCCC đối với KCN, CCN, trên địa bàn tỉnh có 4 KCN gồm Tịnh Phong, Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi và Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất phải thành lập đội PCCC, được trang bị phương tiện, trang phục và huấn luyện nghiệp vụ. Thế nhưng, chỉ có KCN VSIP Quảng Ngãi thực hiện đúng quy định, 3 đơn vị còn lại vẫn trong tình trạng chờ thành lập.

Đối với việc trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy và một số hạ tầng khác có liên quan đến công tác PCCC có 5 KCN, CCN chưa thực hiện. Số còn lại gồm: KCN Tịnh Phong, Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi và 2 CCN Bình Nguyên, CCN La Hà đã trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy đầy đủ.

Theo Đại tá Lê Xuân Hưng, bên cạnh trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hạ tầng cũng như cơ quan quản lý trong việc chậm trễ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường ống dẫn nước chữa cháy trong KCN, CCN, các chủ DN cũng ít quan tâm đến việc bảo vệ tài sản của mình. Điều này thể hiện qua việc kiểm tra 175 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa tại các KCN, CCN thì có đến 45 cơ sở chưa được thẩm định duyệt thiết kế và nghiệm thu PCCC. Ngoài ra, có 148 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Tình trạng cơ quan quản lý và chủ DN thờ ơ trong công tác PCCC thể hiện rõ qua việc các đơn vị này tồn tại 198 thiếu sót như: Chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước PCCC hoạt động không đảm bảo, chưa trang bị hoặc trang bị chưa đầy đủ phương tiện PCCC và CNCH, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, không có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan... Các sai sót trên chủ yếu rơi vào các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực hóa chất, công nghiệp nhẹ, sản xuất phân bón, sản xuất bột giấy và giấy... Đối với việc trang bị và duy trì hệ thống PCCC, hệ thống cảnh báo cháy thì các DN vi phạm thường là đơn vị sản xuất chế biến thực phẩm, kho chứa khí hóa lỏng, cơ sở sản xuất phân bón, cơ sở chế biến thủy hải sản...

Cần chuyên nghiệp hơn

Thực tế, một số DN có xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, nhưng qua các vụ hỏa hoạn, công tác chữa cháy hoạt động kém hiệu quả. Đa phần nhân lực trong đội chữa cháy là lực lượng bảo vệ, hoặc kiêm nhiệm, nên yếu về kỹ năng PCCC. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn đến hỏa hoạn và thiệt hại lớn là do DN thiếu kiểm tra định kỳ, thay mới hệ thống điện. Quá trình phát hiện và báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả. Đồng thời, vật liệu, hàng hóa bên trong dễ bén lửa...

Lực lượng Cảnh sát PCCC triển khai dập lửa tại vụ cháy xảy ra ở Công ty TNHH MTV Hào Hưng vào năm 2020.

Theo Đại tá Lê Xuân Hưng, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong công tác PCCC, CNCH ở các KCN, CCN thì có nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, chưa thể trang bị phương tiện thiết bị cho đội PCCC và CNCH chuyên ngành tại các KCN như mua xe chữa cháy, bố trí đất trong KCN để xây dựng nhà thường trực, chỗ ăn nghỉ cho lực lượng PCCC, nhà để xe, sân tập luyện cùng kinh phí duy trì hoạt động... Bên cạnh đó, đối với các CCN đa phần thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, trong khi nguồn thu ít, ngân sách của địa phương hạn chế, nên chưa đảm bảo để bố trí cho việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công tác PCCC.

Cũng theo Đại tá Lê Xuân Hưng, để đảm bảo công tác PCCC và CNCH tại các KCN, CCN, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC đối với các đơn vị đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực, nhưng chưa nghiệm thu về PCCC. Đồng thời, tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, phúc tra an toàn PCCC và CNCH, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC.

“Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC đối với người đứng đầu và cán bộ, công nhân viên tại các DN. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, thực tập phương án chữa cháy và CNCH. Để công tác PCCC hiệu quả, trước hết các đơn vị quản lý, kinh doanh hạ tầng, DN phải nêu cao tinh thần trong PCCC, không được lơ là, chủ quan, nhất là các DN. Bởi việc đảm bảo an toàn trong công tác PCCC không chỉ là trách nhiệm, mà còn là bảo vệ chính tài sản của DN”, Đại tá Lê Xuân Hưng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202106/nang-cao-y-thuc-phong-chay-chua-chay-ky-cuoi-noi-lo-tu-cac-khu-cong-nghiep-3063147/