Nâng cao vai trò, hiệu quả công tác của BĐBP trong tình hình mới

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam được triển khai lấy ý kiến từ tháng 4-2019 đến nay, gồm 7 chương, 32 điều. Tại Hội nghị tọa đàm về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức sáng 7-7, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cần sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, từ đó sẽ nâng cao vai trò của BĐBP trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đăng Bảy

Tại buổi tọa đàm, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng , Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng, hơn 60 năm qua, BĐBP đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tham gia có hiệu quả xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần làm rõ, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời những chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng về bảo vệ biên giới quốc gia, phải luật hóa vị trí, chức năng, nhiệm vụ biên phòng; các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, biện pháp công tác biên phòng.

Theo Đại tá, Phó giáo sư Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân: "Những năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác Biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề này vẫn chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp Lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật liên quan. Từ đó dẫn đến việc chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và nhất là BĐBP tổ chức thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ. Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó BĐBP nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Như vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết, kể cả về phương diện lý luận và thực tiễn".

Cũng theo nhiều ý kiến tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện một số ngành, địa phương đều nhất trí sự cần thiết của việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Các nội dung, nhiệm vụ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bám sát nội dung, tiến độ thực hiện Kế hoạch soạn thảo của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tên gọi, phạm vi điều chỉnh và khái niệm “Biên phòng”, nguyên tắc hoạt động, vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng BĐBP.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận tiện trong thực thi và nâng cao hiệu quả công tác Biên phòng trong thời gian tới. Trên cơ sở đó đảm bảo cho việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới đáp ứng với yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ quốc gia trong tình hình mới.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-vai-tro-hieu-qua-cong-tac-cua-bdbp-trong-tinh-hinh-moi-post430578.html