Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác công an quý III và 9 tháng của năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, qua 25 ngày thực hiện, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bàn giao cho công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định.
Trong đó, bước đầu xác định 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu và nhà báo…
Dẫn số liệu trên để thấy, thực tế vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, gây bất bình trong nhân dân... Không chỉ vi phạm pháp luật về giao thông, thời gian qua còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức “tham nhũng” thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định; sợ sai, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý công việc thuộc thẩm quyền.
Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16-10-2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Để đạo đức công vụ được thực thi hiệu quả, trước hết cần chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong đó, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm người làm chưa tốt. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ trong bộ máy công quyền là một đòi hỏi tất yếu nhằm đề cao giá trị đạo đức và ngăn ngừa sự suy thoái đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc là rất cấp thiết; qua đó chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nang-cao-trach-nhiem-thuc-thi-cong-vu-645923.html