Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề (kỳ 1)
Dù tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhưng công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề trên địa bàn còn nhiều bất cập. Về tổng thể, hầu hết các làng nghề đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số làng nghề đã xảy ra ô nhiễm môi trường, thậm chí ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Dù tỉnh đã quan tâm chỉ đạo nhưng công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề trên địa bàn còn nhiều bất cập. Về tổng thể, hầu hết các làng nghề đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số làng nghề đã xảy ra ô nhiễm môi trường, thậm chí ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực trạng này buộc các ngành chức năng, các địa phương phải chủ động nhận diện nguyên nhân và xác định các giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT làng nghề.
I. Thực trạng môi trường làng nghề
Tìm hiểu thực tế tại xã Hải Minh (Hải Hậu) có làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời với sản phẩm gỗ mỹ nghệ giả cổ, cho thấy các cơ sở sản xuất tại đây sử dụng nhiều nguyên vật liệu và hóa chất như keo (cồn), bột đắp, giấy ráp, sơn PU, dung môi, véc-ni. Trong quá trình sản xuất, phát sinh nhiều loại chất thải rắn như: gỗ vụn, mùn cưa, giấy ráp thải và lượng dung môi hữu cơ dư thừa. Đáng bàn, hầu hết các khu sản xuất được bố trí lộ thiên, dọc đường lưu thông của người dân và xen kẽ cùng khu vực trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các cơ sở chưa tổ chức sản xuất các công đoạn cắt xẻ, pha nguyên liệu, đánh bóng gia công bề mặt đồ gỗ trong các khu vực khép kín, riêng biệt, có áp dụng các quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, cán bộ địa chính, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hải Minh: Các công đoạn sản xuất phát sinh bụi gỗ, sơn PU dư thừa là nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh; khiến các hộ dân xung quanh bức xúc, nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cấp chính quyền, ngành chức năng có biện pháp xử lý bất cập. Theo ông Đoàn Văn Cao, đại diện HTX Nông nghiệp Nam Giang, thị trấn Nam Giang (Nam Trực): Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi trong thị trấn phát triển mạnh nhưng do chưa triệt để xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn trước khi xả ra ngoài môi trường nên diện tích canh tác xung quanh khu vực này chịu nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng đất, nước tưới tiêu. Nông dân đi làm ở các vùng cánh đồng có chất thải công nghiệp đều phản ánh bị mẩn ngứa. Vì thế bà con nông dân bỏ hoang, không canh tác tại các khu ruộng giáp ranh các làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi.
Bất cập trong công tác BVMT như trên là thực trạng chung của các làng nghề trên toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 142 làng nghề trong các lĩnh vực như: cơ khí; tái chế phế liệu; đúc; dệt may; thủ công mỹ nghệ; mộc; chế biến lương thực, thực phẩm; giết mổ; trồng cây cảnh. Tuy góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT. Hoạt động sản xuất của một số làng nghề đã gây ô nhiễm môi trường, phải tập trung xử lý. Chỉ riêng huyện Nam Trực đã có một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp nằm trong danh sách làng nghề ô nhiễm hoặc ô nhiễm nghiêm trọng gồm: làng nghề cơ khí Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, xã Nam Mỹ; làng nghề cơ khí tái chế nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh. Hầu hết các làng nghề chưa đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung; nước thải của các cơ sở sản xuất được lắng lọc qua hố ga, sau đó thải trực tiếp ra kênh, mương, ao hoặc ruộng lúa xung quanh làng nghề. Nhiều hộ sản xuất tại làng nghề có phát sinh bụi, khí thải đã áp dụng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi, khí thải cục bộ như thiết kế nhà xưởng thông thoáng, lắp đặt, nâng cao hệ thống ống khói... nhưng chưa triệt để, chưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra ngoài môi trường. Hiện nay tất cả các làng nghề chưa có điểm tập trung chất thải rắn công nghiệp; chất thải rắn của làng nghề đều được thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã.
Theo Sở TN và MT: nhìn chung, hoạt động sản xuất tại hầu hết các làng nghề đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Năm 2020, Sở TN và MT đã thực hiện quan trắc môi trường 22 làng nghề (trong nhóm ngành nghề thuộc loại hình sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh); cộng với kết quả quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ hàng năm cho thấy: Nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của các hộ dân cùng xả ra kênh, mương thoát nước của địa phương sau đó thải ra ngoài môi trường nên gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Về nước mặt khu vực làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm ở từng thời điểm, một số thông số kỹ thuật vượt quy chuẩn cho phép như COD, BOD, photphat nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài ra, môi trường nước mặt tại một số làng nghề cơ khí còn bị ô nhiễm bởi kim loại như: Cr (VI) (làng nghề Bình Yên, Đồng Côi), Fe (làng nghề Tống Xá)... Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn. Tại một số làng nghề, ô nhiễm mùi vẫn xảy ra và rất khác nhau về chủng loại, mức độ, phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất của làng nghề. Các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng nghề làm bún phở Phong Lộc (Nam Phong), làng nghề nước mắm Sa Châu (Giao Châu)... ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và phát tán mùi trên diện rộng. Tuy nhiên, chỉ xảy ra theo thời điểm, không liên tục. Nồng độ bụi tại các làng nghề chưa có dấu hiệu vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó, hàm lượng bụi tại vị trí làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cao hơn các vị trí khác. Tiếng ồn tại các làng nghề cũng tương đối cao, nhất là tại các làng nghề cơ khí, tái chế kim loại tiếng ồn đã vượt quy chuẩn cho phép như làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh; làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; làng nghề Giáp Nhất, xã Quang Trung; làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá.
Thực trạng môi trường làng nghề kể trên đặt các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải nhận diện nguyên nhân và tập trung thực hiện các giải pháp thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT làng nghề./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy