Myanmar: Hai người biểu tình thiệt mạng, quân đội kiểm soát bệnh viện

Cuối tuần qua, quân đội Myanmar bắt đầu chiếm đóng các bệnh viện và trường đại học ở hai thành phố lớn Yangon, Mandalay, theo Myanmar Now.

Các nhà hoạt động lo ngại sự hiện diện của quân đội có thể cản trở việc điều trị cho những người biểu tình bị thương.

Hôm thứ Hai, nhóm Bác sĩ Nhân quyền quốc tế đã lên án “cuộc chiếm đóng các bệnh viện công và dùng vũ lực dã man nhằm vào dân thường”. Các bác sĩ cho biết việc quân đội kiểm soát bệnh viện là “vi phạm luật pháp quốc tế”, làm suy yếu thêm hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã chịu gánh nặng bởi đại dịch COVID-19.

Một tuyên bố từ Sandra Mon, thuộc Trung tâm Y tế Công cộng và Nhân quyền tại trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg nhấn mạnh: "Đó cũng là một mối đe dọa đối với các bác sĩ, là lời cảnh báo họ rằng không nên điều trị thêm cho những người biểu tình bị thương.”

Kể từ sau cuộc đảo chính, lực lượng an ninh đã liên tục nhắm vào các nhân viên y tế, nhiều người trong số họ là những người đầu tiên lãnh đạo phong trào bất tuân dân sự. Có một số trường hợp nhân viên y tế bỏ trốn sau khi quân đội yêu cầu những người biểu tình bị thương được chuyển đến bệnh viện quân y.

Cuộc biểu tình ở Naypyitaw ngày 8/3. Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình ở Naypyitaw ngày 8/3. Ảnh: Reuters

Nhân chứng cho biết quân đội hôm nay, 8/3, đã nã súng lên không trung và đang kiểm soát ô tô ra vào khu vực trung tâm Yangon để ngăn người biểu tình tụ tập.

Tại thị trấn Myitkyina, ít nhất 2 người đã tử vong vì trúng đạn "từ các tòa nhà gần đó" khi đang tham gia biểu tình. Một nhân chứng cho biết 2 người này trúng đạn vào đầu và tử vong tại chỗ. Ba người khác đã bị thương.

Hiện chưa rõ ai đã nổ súng dù cả cảnh sát và quân đội đều có mặt tại cuộc biểu tình, các nhân chứng cho biết.

Cùng ngày, những người biểu tình vẫy cờ làm từ htamain (xà rông của phụ nữ) ở một số nơi hoặc treo chúng lên dây chăng ngang phố vừa để kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, vừa để làm chậm bước tiến của quân đội. Việc đi qua xà rông của phụ nữ theo truyền thống được coi là xui xẻo đối với nam giới.

Trước đó, các tổ chức công đoàn lớn ở Myanmar đã kêu gọi thành viên đóng cửa doanh nghiệp từ thứ Hai, 8/3, để ủng hộ chiến dịch chống đảo chính, gây áp lực lên chính quyền.

Động thái phô trương lực lượng nói trên diễn ra sau khi liên minh 9 tổ chức công đoàn cho biết đã lên kế hoạch “đóng băng nền kinh tế trong thời gian dài”.

“Việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế và kinh doanh như bình thường sẽ chỉ mang lại lợi ích cho quân đội khi họ tiếp tục kìm hãm người dân Myanmar”, liên minh các công đoàn nói trong một tuyên bố chung. “Đã đến lúc phải hành động, để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta.”

Quân đội và cảnh sát Myanmar chưa bình luận về các thông tin trên. Cùng lúc đó, phía quân đội khẳng định “đang đối phó với các cuộc biểu tình một cách hợp pháp”.

Người Myanmar cầm nhành cây biểu tình hôm 7/3. Ảnh: ShutterStock

Người Myanmar cầm nhành cây biểu tình hôm 7/3. Ảnh: ShutterStock

Theo Liên Hợp Quốc và Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị, ít nhất 1.700 người đã bị bắt và hơn 50 người biểu tình đã tử vong kể từ sau vụ đảo chính ngày 1/2.

Trung Quốc – nước láng giếng của Myanmar – hôm Chủ nhật cho biết Bắc Kinh không đứng về phe nào, và sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên để xoa dịu cuộc khủng hoảng .

Cùng ngày, Australia thông báo đã đình chỉ chương trình hợp tác quốc phòng song phương với quân đội để phản đối cuộc đảo chính.

Minh Hạnh

Theo Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/myanmar-hai-nguoi-bieu-tinh-thiet-mang-quan-doi-kiem-soat-benh-vien-1803544.tpo