Mỹ và Trung Quốc định hình 2 tam giác chiến lược ở Đông Bắc Á
Với lịch sử và chính trị phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực, việc thực hiện chủ nghĩa đa phương truyền thống gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, chủ nghĩa đa phương hẹp, một hình thức hợp tác linh hoạt và không chính thức giữa các quốc gia có cùng chí hướng, đang dần hình thành.
Theo nhận định của các chuyên gia trên trang web của Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây, Đông Bắc Á, một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới về chiến lược và kinh tế, đang trở thành sân khấu cho cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Với lịch sử và chính trị phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực, việc thực hiện chủ nghĩa đa phương truyền thống gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, chủ nghĩa đa phương hẹp, một hình thức hợp tác linh hoạt và không chính thức giữa các quốc gia có cùng chí hướng, đang dần hình thành. Các khuôn khổ ba bên như Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc và Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc minh họa cho cách tiếp cận này.
Nếu xem Đông Bắc Á như một bàn cờ vây (weiqi), cả Mỹ và Trung Quốc đang di chuyển để tạo ra mạng lưới liên minh của riêng mình nhằm bao vây các lựa chọn của đối thủ. Mỹ đang tích cực tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng chương trình nghị sự của mình để bao gồm hợp tác kinh tế. Ngược lại, Trung Quốc đang tận dụng lợi thế kinh tế của mình để thu hút Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm giảm thiểu các rủi ro an ninh tiềm tàng từ quan hệ đối tác ba bên do Mỹ lãnh đạo.
Những nỗ lực hợp tác ba bên đã bắt đầu từ những năm 1990. Vào tháng 4/1999, Mỹ khởi xướng Nhóm điều phối và giám sát ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản để phối hợp các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cùng thời điểm, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, khởi xướng hành trình hướng tới cơ chế hợp tác của riêng mình.
Tuy nhiên, cả hai cơ chế này đều bị đình trệ do nhiều yếu tố, bao gồm di sản chưa được giải quyết giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sự xói mòn lòng tin do các hành động cứng rắn của Trung Quốc, cùng sự chuyển hướng sang chủ nghĩa đơn phương của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, một người ủng hộ chủ nghĩa đa phương, cơ chế ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc đã được tái thiết và trở thành trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Trại David vào tháng 8/2023, một “kỷ nguyên mới” hợp tác đã bắt đầu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tích cực khôi phục cơ chế ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, như trong Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul vào tháng 5/2024.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với răn đe trở thành lĩnh vực hợp tác nổi bật. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trại David, Mỹ đã tái khẳng định cam kết mở rộng khả năng răn đe cho Nhật Bản và Hàn Quốc, phù hợp với tư thế phòng thủ đang thay đổi của Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gửi đi những tín hiệu gây hiểu lầm, làm leo thang căng thẳng với Triều Tiên và Trung Quốc.
Mặc dù có lo ngại rằng tam giác Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc có thể dẫn đến trục Trung Quốc-Nga-Triều Tiên, nhưng khả năng này là thấp. Trung Quốc có sự dè dặt về sự xích lại gần nhau của Nga và Triều Tiên và Bắc Kinh cũng tìm cách duy trì hình ảnh quốc tế của mình bằng cách đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, điều này có thể củng cố vị thế của Bắc Kinh trong trật tự quốc tế đương đại.
Ngoài ra, các yếu tố kinh tế có thể đóng vai trò là lực lượng gắn kết hiệu quả hơn cho hợp tác so với các vấn đề an ninh. Chương trình nghị sự Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc nhấn mạnh hợp tác kinh tế để xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi. Để giải quyết vấn đề "cưỡng chế kinh tế", các bên đã nhất trí thúc đẩy đối thoại về an ninh kinh tế. Mặc dù không đề cập đến chủ đề cụ thể nào, nhưng mục tiêu ngụ ý là Trung Quốc, nước đã thực hiện lệnh cấm kinh tế và các biện pháp trả đũa do bất đồng chính trị với Nhật Bản vào năm 2010 và Hàn Quốc vào năm 2016.
Khuôn khổ ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc cũng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là khi Bắc Kinh tìm cách giành được sự ủng hộ từ Nhật Bản và Hàn Quốc chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm đàn áp các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh ba bên vào tháng 5/2024, bộ ba đã nhất trí tăng cường "hợp tác chuỗi cung ứng" và tránh bị "gián đoạn chuỗi cung ứng", được cho là ám chỉ đến các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với các công nghệ liên quan đến chip sang Trung Quốc. Việc không có nội dung về an ninh trong tuyên bố chung cho thấy vai trò ngày càng tăng của hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tương lai của các bên trong hai tam giác chiến lược này vẫn còn chưa chắc chắn. Nếu bà Kamala Harris đắc cử, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể sẽ dựa trên di sản của Tổng thống Biden. Kịch bản có thể sẽ khác nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Khi giải quyết các vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã làm suy yếu nghiêm trọng mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách bỏ qua lợi ích của các đồng minh truyền thống.
Năm 2019, ông Trump đã yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng đóng góp tài chính cho các bảo đảm an ninh của Mỹ - một yêu cầu sẽ là trở ngại đáng kể đối với việc duy trì khả năng răn đe mở rộng của Nhật Bản và Hàn Quốc, như đã cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh năm 2023. Do đó, hợp tác Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc có thể vẫn mang tính ngoại giao và quá trình thể chế hóa có thể chậm lại. Nhưng một số báo cáo cũng cho rằng ông Trump sẽ ủng hộ việc thắt chặt quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đánh giá này có phần hợp lý khi nói đến hợp tác kinh tế, điều mà ông Trump ưu tiên cao.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng có thể tiếp tục thể chế hóa và tăng cường hợp tác Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, tùy thuộc vào việc cải thiện lòng tin và hòa giải các bất đồng lịch sử và tranh chấp chủ quyền. Nhưng Nhật Bản đã nhiều lần gọi các hành động của Trung Quốc là làm suy yếu sự ổn định trong khu vực, gần đây nhất là trong Sách trắng Quốc phòng 2024. Hàn Quốc cũng đã làm rõ sự liên kết của mình với Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á.
Nếu hợp tác song phương được thúc đẩy bởi sự thống nhất lợi ích chung, các cơ chế hợp tác ba bên ở Đông Bắc Á sẽ bị hạn chế bởi các nguyện vọng giữa các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc hòa giải. Các động thái của Mỹ và Trung Quốc có thể đặt Nhật Bản và Hàn Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược, nơi khó có thể hình thành liên minh Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc hoặc phá vỡ hoàn toàn tam giác Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc.