Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: Đồng minh hay cấp dưới?

Mới đây, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì tội hợp tác với Nga, đặc biệt là trong thương vụ mua sắm S-400 Triumph.

Hôm 07/4, Hoa Kỳ đã chính thức ban hành các biện pháp trừng phạt đối với một cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và bốn quan chức vì có quan hệ với ngành quốc phòng của Nga, thông báo về quyết định này được đăng trên ấn phẩm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ là Cơ quan đăng ký liên bang.

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cục công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), cũng như bốn quan chức làm việc tại đây, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan này là ông Ismail Demir.

Các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo “Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA). Nội dung của thông báo không đề cập cụ thể đến các hệ thống phòng không S-400 Trimuph mà Thổ Nhĩ Kỳ đã mua của Nga, từng bị Mỹ đe dọa trừng phạt.

Đối với SSB, lệnh trừng phạt sẽ đồng nghĩa với việc cấm Mỹ xuất khẩu và cho tổ chức này vay quá 10 triệu USD.

Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt vì mua S-400 Triumph của Nga

Đối với bốn quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, lệnh trừng phạt sẽ tước cơ hội vào Mỹ của những người này, tài sản của họ nếu bị phát hiện thuộc quyền tài phán của Mỹ thì sẽ bị phong tỏa, các tổ chức và công dân Mỹ cũng sẽ bị cấm thực hiện bất kỳ giao dịch nào với họ.

Bình luận về vấn đề này, nhà khoa học chính trị, Phó giám đốc Viện lịch sử và chính trị thuộc Đại học sư phạm quốc gia Moscow là ông Vladimir Shapovalov nói rằng, hành động của Washington là kỳ lạ, nhưng cũng hợp với logic của Hoa Kỳ trong quan hệ với đồng minh.

“Một mặt, đó là một quyết định kỳ lạ trong quan hệ quốc tế, bởi Hoa Kỳ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính đồng minh NATO của mình, quốc gia liên tục duy trì hợp tác với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực” – ông Shapovalov nhận xét.

Tuy nhiên, cũng không có gì lạ trong sự việc này, vì đối với Hoa Kỳ, không có lợi ích của đồng minh, mà chỉ có lợi ích riêng của Mỹ.

Ông Vladimir Shapovalov nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã nhiều lần chứng tỏ rằng vì mục đích bá quyền và lợi ích kinh tế của chính mình, họ sẵn sàng tấn công bất kỳ quốc gia nào, cho dù là Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức. Với chủ nghĩa vị kỷ, những hành động này là hợp lý.

Ông lưu ý rằng, trong một thời gian dài, trên thực tế Hoa Kỳ đã thể hiện quyền uy như một “nhà độc tài” với các “thuộc hạ”. Hoa Kỳ đã cấm các đồng minh của mình mua vũ khí từ các nước khác, bao gồm cả Nga, Trung Quốc, bằng cách thiết lập độc quyền về xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự.

Ông nhấn mạnh, trên thực tế là Hoa Kỳ đang coi tất cả các đồng minh của mình là những “đối tác cấp dưới” và cần phải mua vũ khí của Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng không có sự đoàn kết nào là chuẩn mực đối với Hoa Kỳ. Về bản chất, đây chính là “chế độ độc tài” trong mối quan hệ với các nước khác.

Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, những biện pháp trừng phạt này không làm tăng thêm tình hữu nghị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ và chắc chắn rằng, chúng sẽ được tiếp nhận một cách tiêu cực.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/my-trung-phat-tho-nhi-ky-dong-minh-hay-cap-duoi-3430322/