Mỹ - Trung đấu khẩu tại Đối thoại Shangri-La
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng việc Bắc Kinh từ chối đối thoại làm suy yếu những nỗ lực duy trì hòa bình ở khu vực. Một sĩ quan cấp cao của Trung Quốc đáp trả.
Sau phát biểu của ông Austin, Trung tướng Jing Jianfeng, một sĩ quan cấp cao của Trung Quốc, cho rằng chính Mỹ làm cho hai bên không thể đối thoại, khi gia tăng trừng phạt các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở châu Á bằng hiện diện quân sự của họ.
“Quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung đang gặp khó khăn và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ. Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ quân sự Trung – Mỹ, những tương tác và trao đổi giữa chúng tôi chưa bao giờ dừng lại”, ông Jing nói.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, ông Austin nói đến tình trạng thiếu trao đổi, cho biết ông “quan ngại sâu sắc” việc Trung Quốc “không sẵn sàng trao đổi nghiêm túc hơn về những cơ chế quản lý khủng hoảng”.
“Với những lãnh đạo có trách nhiệm, thời điểm phù hợp cho đối thoại là bất kỳ lúc nào. Thời điểm phù hợp để đối thoại là bây giờ. Đối thoại không phải là phần thưởng. Nó là sự cần thiết”, ông Austin nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã chào và bắt tay nhau trong tiệc chiêu đãi tối 2/6, nhưng kêu gọi Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa.
“Một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế trao đổi nghiêm túc”, ông nói.
Trong suốt bài phát biểu, ông Austin nêu ra những cách Mỹ đang thúc đẩy quan hệ đối tác với khu vực, cho rằng những quan hệ đó đang đưa khu vực xích lại gần nhau hơn và giúp khu vực trở nên “ổn định và có sức chống chịu tốt hơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định, Mỹ sẽ “tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác khi họ bảo vệ các quyền của mình”, và duy trì “sự hiện diện mạnh mẽ, có trách nhiệm trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Ngày 3/6, một tàu chiến Mỹ và một tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan, Hải quân Mỹ thông báo. Hoạt động phô trương sức mạnh quân sự này có thể càng đẩy Mỹ và Trung Quốc ra xa hơn nữa.
Từng có hy vọng mong manh rằng Đối thoại Shangri-La sẽ là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc hàn gắn quan hệ, hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai siêu cường là tương lai của Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Austin liên hệ đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và khẳng định cam kết của Mỹ trong bảo vệ nguyên trạng ở eo biển Đài Loan, phản đối những thay đổi đơn phương từ bất kỳ bên nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, một cuộc chiến ở Đài Loan sẽ “tàn khốc” và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu “theo những cách chúng ta không thể tưởng tượng được”.
“Xung đột không phải sắp xảy ra cũng không phải không tránh khỏi. Năng lực răn đe ngày nay rất mạnh và nhiệm vụ của chúng ta là phải duy trì năng lực đó”, ông Austin nói trong bài phát biểu.
“Cả thế giới có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. An ninh của các tuyến vận tải biển thương mại và các chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào nó, cũng như tự do hàng hải trên khắp thế giới. Đừng phạm sai lầm: Xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ tàn khốc”, ông Austin nói.
Trung tướng Jing đáp trả, cho rằng phát biểu của ông Austin gây hiểu nhầm, cáo buộc Washington làm gia tăng căng thẳng ở khu vực khi thực hiện các trao đổi ngoại giao với Đài Bắc và gia tăng bán vũ khí cho hòn đảo.
“Mỹ dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc và các lực lượng ly khai Đài Loan dựa vào ủng hộ của Mỹ để đòi độc lập”, ông Jing nói với báo chí.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-trung-dau-khau-tai-doi-thoai-shangri-la-post1539869.tpo