Mỹ thu dầu trên tàu Iran để tài trợ đối lập Venezuela?

Trong quá khứ Mỹ từng thu giữ dầu từ các đối thủ để tài trợ cho nhóm đối lập ở quốc gia đó có quan điểm thân phương Tây.

Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức xác nhận về vụ bắt 4 tàu được cho là chở dầu Iran đến Venezuela, tịch thu số dầu và thả những con tàu.

Hơn 1,1 triệu thùng nhiên liệu của Iran đã bị thu giữ từ tàu chở dầu Bering thuộc sở hữu của Hy Lạp và ba tàu khác. Ảnh: Gettty

Đây là vụ bắt giữ một con tàu thương mại trên vùng biển quốc tế và bị phía Iran lên án mạnh mẽ.

Hôm 17/8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chính thức đáp trả vụ Mỹ bắt giữ các tàu dầu, khẳng định "những con tàu mà Mỹ bắt giữ và cáo buộc là của Iran không phải là của Iran và chúng không treo cờ Iran".

Hãng thông tấn Mehr dẫn tuyên bố của ông Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc họp Ủy ban Quốc gia về phòng chống COVID-19: "Lời nói dối trắng trợn trên nhằm khỏa lấp sự xấu hổ của Mỹ tại Hội đồng Bảo an LHQ sau khi vị bác bỏ đề xuất gia hạn lệnh cấm vũ khí áp đặt lên Iran".

Trước đó, Đại sứ Iran tại Venezuela Hojat Soltani đã bác bỏ thông tin trên báo chí Mỹ.

Đại sứ Hojat Soltani gọi thông tin Mỹ bắt giữ các tàu chở xăng dầu của Iran đến Venezuela là "chiến tranh tâm lý" của hệ thống truyền thông Mỹ.

Nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh, các tàu bị Mỹ bắt giữ thực sự không liên quan gì đến Iran và sự giúp đỡ của nước này đối với Venezuela dưới hình thức vận chuyển nhiên liệu.

"Các tàu chở dầu không có người Iran, cũng không có chủ sở hữu hay treo cờ Iran" - Đại sứ Hojat Soltani chỉ ra.

Nhưng thực tế, ngay cả trong bối cảnh các con tàu bị Mỹ bắt giữ quả thật là tàu Iran, đây là hành động không quá bất ngờ khi Mỹ đã từng bắt giữ các con tàu khác trên tuyến đường hàng hải quốc tế, viện dẫn các lý do về lệnh trừng phạt của nước Mỹ.

Theo tạp chí quân sự Military Watch, Mỹ trong nhiều trường hợp đã tìm cách quốc tế hóa các luật trong nước và áp dụng chúng một cách phổ biến, dù chưa rõ chúng có hợp pháp hay không.

Trong quá khứ, Mỹ đã thu giữ dầu từ các đối thủ dưới những điều kiện pháp lý đáng ngờ để tài trợ cho các nhóm đối lập thân phương Tây ở những nước đó.

Trước đây, Hải quân Mỹ cũng đã bắt giữ các tàu chở hàng của Triều Tiên trong vùng biển quốc tế. Những tàu này sau đó đã được bán đấu giá và tiền thì chính phủ Mỹ chiếm đoạt. Sự hiện diện toàn cầu của Hải quân Mỹ đã cho phép chính phủ Mỹ có điều kiện sử dụng một cách hiệu quả như một công cụ chống lại lợi ích thương mại của các quốc gia mục tiêu theo cách như vậy.

Đơn cử như Mỹ hiện đang duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở miền bắc Syria, nơi dầu mỏ được khai thác và sử dụng để tài trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria - các dân quân chống chính phủ do Mỹ bảo trợ.

Sự hiện diện quân sự này cũng bị coi là bất hợp pháp vì nó được áp đặt mà không có sự cho phép của Damascus và không có nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Trong trường hợp của vụ bắt giữ 1,1 triệu thùng dầu trên 4 tàu được cho là tàu Iran, chưa rõ số dầu này sẽ được xử lý như thế nào, liệu có được bán hay không, hay để cung cấp tiền cho phe đối lập Venezuela liên kết với phương Tây hay không.

Trong trường hợp các tàu chở dầu bị bắt giữ vừa rồi, Mỹ coi lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố và tuyên bố rằng lô hàng dầu có liên kết với lực lượng này là lý do dẫn đến vụ bắt giữ - mặc dù các tàu chở dầu này ở rất xa vùng biển của Mỹ.

Vì Vệ binh Cách mạng Iran không bị Liên hợp quốc hoặc đại đa số các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc coi là nhóm khủng bố, cơ sở pháp lý cho các hành động như vậy của Mỹ vẫn còn yếu.

Đáng chú ý là Mỹ có thể tiếp tục thực hiện các vụ bắt giữ tương tự và Trung Quốc có thể là mục tiêu tiếp theo nếu quan hệ của hai nước tiếp tục trở nên xấu đi. Hồi tháng 4, một bài báo của Học viện Hải quân Mỹ đã ủng hộ các hành động tương tự nhắm vào hàng hải thương mại của Trung Quốc - lưu ý rằng các tàu trong vùng biển quốc tế có thể bị bắt giữ trong trường hợp quan hệ giữa Bắc Kinh xấu đi.

Khoảng 1,1 triệu thùng nhiên liệu đã bị tịch thu từ các tàu gắn cờ nước ngoài gồm M/T Bella, M/T Bering, M/T Pandi và M/T Luna, tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, đồng thời nói thêm rằng vụ bắt giữ đã diễn ra "với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài".

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hôm 15/8 rằng Mỹ đã thu giữ xăng dầu của Iran được chuyển cho Venezuela trên 4 tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, thi hành lệnh trừng phạt nhằm vào lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và chính phủ Caracas.

Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố các tàu chở dầu đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một tuyên bố từ Bộ Tư pháp xác nhận rằng dầu hiện đang được Mỹ quản lý và đưa đến Texas.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-thu-dau-tren-tau-iran-de-tai-tro-doi-lap-venezuela-3416456/