Mỹ thay đổi chính sách thương mại

Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức với hai nỗi ám ảnh: tình trạng nhập siêu ngày càng tăng do nước Mỹ sản xuất và xuất khẩu ngày càng ít trong khi tiêu dùng và nhập khẩu lại tăng, cùng với nó là tình trạng thất nghiệp ở các ngành công nghiệp chế tạo, khai khoáng, sản xuất hàng tiêu dùng. Ông nhìn thấy nguyên nhân của tình trạng này ở hai điểm: các hiệp định thương mại tự do mà Mỹ ký với các đối tác thương mại và cung cách cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh của một số quốc gia.

Từ khi lên làm tổng thống, nhiều quan điểm kinh tế của ông Trump đã thay đổi. Ảnh: internet

Theo số liệu của US Census, năm 2016 vừa qua Mỹ thâm hụt 734 tỉ đô la về thương mại hàng hóa; nếu tính cả dịch vụ thì số thâm hụt của Mỹ là 502 tỉ đô la. Năm nền kinh tế có số thặng dư lớn nhất trong quan hệ thương mại với Mỹ lần lượt là Trung Quốc (Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc 347 tỉ đô la, gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang nước này là 115 tỉ đô la); Nhật Bản (Mỹ nhập siêu 69 tỉ đô la, lớn hơn kim ngạch xuất khẩu sang Nhật 63 tỉ đô la); Đức (Mỹ nhập siêu 65 tỉ đô la và chỉ xuất sang Đức được 49 tỉ đô la); Mexico (Mỹ nhập siêu 63 tỉ đô la và xuất sang Mexico được 231 tỉ đô la) và Ireland (Mỹ nhập siêu 36 tỉ đô la và chỉ xuất được 9,5 tỉ đô la).

Ngay khi còn tranh cử, ông Trump đã đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại bằng cách đàm phán lại, thậm chí hủy bỏ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết mà ông cho rằng phần thiệt thòi cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Ông đã hủy bỏ ngay lập tức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, dọa sẽ hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, bao gồm Canada, Mỹ và Mexico) đã thực thi từ năm 1994. Ông cũng nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt với mức 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, áp thuế điều chỉnh ở biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu bất chấp sự phản đối của các tập đoàn kinh doanh như Walmart và các hiệp hội người tiêu dùng...

Từ khi lên làm tổng thống, nhiều quan điểm kinh tế của ông Trump đã thay đổi, có thể do ông dần dần hiểu được tính chất phức tạp và tế nhị của thương mại toàn cầu. Ông không còn nhắc tới ý định lên án Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ, cũng không áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này vì ông cần Trung Quốc hợp tác tích cực hơn trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ngay hiệp định NAFTA mà ông Trump coi là nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ nhập siêu từ Mexico và Canada cũng sẽ không bị bãi bỏ mà sẽ được cập nhật và nâng cấp; nội dung và lộ trình cụ thể của việc nâng cấp sẽ được bàn đến khi ông Trump gặp Tổng thống Mexico Enrique Penã Nieto bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức trong tuần này.

Tuy nhiên, ý tưởng “đòi lại công bằng” cho người Mỹ trong thương mại quốc tế chưa bao giờ phai nhạt trong tư tưởng của ông Trump và sau một số xao động ban đầu nay ông lại trở về với những cam kết khi tranh cử. Ông dành một phần chuyến công du đầu tiên sang châu Âu để phê phán chuyện nước Đức liên tục xuất siêu vào Mỹ; mới đây, trong cuộc tiếp tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng ông Trump công khai than phiền tình trạng xuất siêu của nước này và yêu cầu phải chấn chỉnh lại. Theo số liệu của Nhà Trắng, năm 2016 Hàn Quốc xuất siêu sang Mỹ 27,6 tỉ đô la, gấp đôi mức xuất siêu 13,2 tỉ đô la năm 2011 là thời điểm ngay trước khi hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn chính thức được thực thi. “Chúng tôi không thể cho phép điều đó tiếp tục. Chúng tôi muốn một điều gì đó thật sự tốt đẹp cho người lao động Mỹ”, ông Trump nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Sáu tuần trước. Và theo phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để “bắt đầu tiến trình thương thảo lại và sửa chữa hiệp định” vì ông Trump muốn “có một thỏa thuận tốt nhất”. Còn Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross than phiền các sản phẩm sắt thép, xe hơi và nhiều công ty Mỹ vẫn bị rào cản khi xuất sang thị trường Hàn Quốc. Tưởng cần chú ý rằng, Việt Nam cũng là nước xuất siêu vào Mỹ với “thành tích” còn cao hơn Hàn Quốc; năm 2016 Việt Nam xuất siêu vào Mỹ gần 32 tỉ đô la; cho nên không loại trừ khả năng một ngày nào đó Mỹ sẽ siết thương mại với Việt Nam như đang làm với Hàn Quốc.

Với Trung Quốc, thái độ của ông Trump cũng thay đổi: nhượng bộ của Bắc Kinh cho nhập khẩu thịt bò Mỹ trở lại dường như không đủ khi mới đây ông Trump chỉ đạo Bộ Thương mại nước này nghiên cứu áp đặt mức thuế 20% lên mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc bất chấp ý kiến bất đồng của các bộ trưởng trong chính phủ cũng như các nhà sản xuất xe hơi, máy bay, tàu biển của Mỹ. Chưa rõ rồi đây ông Trump sẽ có thêm “sáng kiến” nào nữa để cân bằng cán cân thương mại đã bị lệch suốt hai thập niên qua.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/162208/my-thay-doi-chinh-sach-thuong-mai.html/