Mỹ rút bớt quân khỏi Đức: Khó cho ai?

Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu tiếp tục gặp thử thách, Đức tìm kiếm sự giảm phụ thuộc vào Mỹ chưa từng thấy.

The Guardian đưa tin ngày 5/6 cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ rút gần 9.500 binh sĩ đang đồn trú tại Đức.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chuyện với các quân nhân Mỹ tại Grafenwoehr, Đức ngày 7/11/2019. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chuyện với các quân nhân Mỹ tại Grafenwoehr, Đức ngày 7/11/2019. Ảnh: AP

Động thái này sẽ giảm số binh sĩ Mỹ ở Đức từ 35.500 người hiện nay xuống còn 25.000, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ.

Một quan chức cấp cao thứ 2 của Mỹ cho hay, 9.500 binh sĩ Mỹ rút khỏi Đức sẽ được điều động đi các khu vực khác, một số tới Ba Lan, một vài nước đồng minh của Mỹ khác và phần còn lại sẽ trở về Mỹ.

Nguồn tin thứ 2 tiết lộ, sự thay đổi này đã được nêu trong một văn bản có chữ ký của cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump - ông Robert O'Brien. Mỹ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này từ tháng 9 năm ngoái và hiện tại đang tiếp tục triển khai.

Nguồn tin của The Guardian nhấn mạnh, động thái này là kết quả của nhiều tháng làm việc của các tướng lĩnh quân đội hàng đầu Mỹ như Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ông này khẳng định việc rút quân không liên quan gì đến căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Đức đang thực sự "cơm không lành, canh không ngọt".

Ông Trump đã thúc ép Đức tăng chi tiêu quốc phòng cũng như bày tỏ sự lo ngại về sự phụ thuộc của Đức về năng lượng với Nga. Tổng thống Mỹ cũng có các hành xử cá nhân gây "bão" như không bắt tay Thủ tướng Đức ngay ngày đầu gặp mặt và thậm chí còn "đòi nợ" bà Merkel vì cho rằng Đức đang "nợ" NATO rất nhiều, đặc biệt là khoản phí đóng góp 2% GDP cho quốc phòng.

Ở phía ngược lại, bà Merkel mới đây từ chối lời mời của Tổng thống Trump tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, ban đầu dự kiến diễn ra vào cuối tháng này nhưng đã bị hoãn cho tới tháng 9. Sự kiện sẽ được tổ chức ở Mỹ.

Dẫu phía Đức khẳng định việc không có mặt tại cuộc họp trực tiếp là lo ngại về tình hình dịch COVID-19 song đây cũng có thể chỉ là bình luận có tính ngoại giao thể hiện giảm tránh trong quan hệ vốn đã căng thẳng của hai nước và hai nguyên thủ quốc gia.

Việc Mỹ chỉ rút 9500 quân tại Đức diễn ra không lâu sau khi xuất hiện những cuộc họp ở Quốc hội nước này cho thấy, Berlin dường như đang có ý định loại bỏ vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi Đức. Hiện 20 đơn vụ vũ khí hạt nhân của Mỹ được đặt tại Đức.

Trong một cuộc thảo luận về việc mua chiến đấu cơ F-18 của Mỹ, lãnh đạo nghị viện Đức SPD, ông Rolf Muetzenich đề xuất loại bỏ vũ khí hạt nhân của Washington ra khỏi Berlin. Nhưng một số ý kiến quan ngại về ý tưởng này, coi rằng đó sẽ là sự phản bội các cam kết của NATO.

Mỹ chưa thực sự tin tưởng Ba Lan: Kịch bản gánh cả "cục nợ"

Trong bối cảnh Đức dường như muốn hạn chế vai trò dẫn đầu của mình trong chiến lược của NATO hướng vào mối đe dọa xâm lược đến từ Nga, Trung Quốc thì Ba Lan đang nổi lên như một đối tác năng động. Nước này đã nhiều lần bày tỏ muốn Mỹ đặt các căn cứ quân sự tại đây nhằm tránh các mối đe dọa đến từ Nga. Phía Ba Lan đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về khả năng Nga xâm lược ở biên giới.

Bom hạt nhân, các hệ thống Aegis Ashore với các giếng phòng Mk-41 không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà có thể mang cả tên lửa hành trình tấn công Tomahawk của Mỹ đang được triển khai ở Ba Lan.

Warsaw đã hứa hẹn xây dựng một “Pháo đài Trump” đồng thời tích cực triển khai các hoạt động tập trận quy mô với Mỹ.

Chuyên gia địa chính trị Konstantin Sivkov đánh giá, khoảng cách từ Ba Lan tới biên giới Nga gần hơn nhiều so với Đức.

Mới đây, phía Mỹ gửi đi thông tin họ có thể tái triển khai các đơn vị bom hạt nhân B61 nâng cấp từ Đức sang Ba Lan. Ông Sivkov cho rằng, trong tương lai có thể là các tên lửa hành trình tầm xa với vỏ bọc lá chắn tên lửa Aegis Ashore. Việc này buộc Nga phải có động thái đáp trả với hành động rõ ràng nhất là tăng cường vũ trang tại vùng Kaliningrad. Căng thẳng giữa hai bên đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của cả châu Âu.

Tuy nhiên, sự tin tưởng của Lầu Năm Góc với Ba Lan dường như là chưa đủ.

Trong số 9500 lính rút khỏi Đức nói trên, ông Trump đã không chuyển toàn bộ số quân về Ba Lab mà chỉ chuyển một phần.

Mỹ cũng không hoàn toàn hài lòng với những đề xuất mua vũ khí để tăng tiềm lực quân sự của Ba Lan. Warsaw đã nhiều lần kêu gọi Washington bán tên lửa hành trình Tomahawk góp phần làm tăng tiềm năng tấn công của Ba Lan, nhưng không được sự đồng ý của Mỹ.

Ba Lan và Ukraine đều là những quốc gia gần biên giới Nga mà Mỹ hoàn toàn có thể tích cực gia tăng sự hiện diện quân sự tại đó. Tuy nhiên, sau hàng chục năm qua, khi các quốc gia này tìm kiếm sự đầu tư của Mỹ trong lĩnh vực quân sự thì số nhận lại cũng chỉ là các thiết bị quân sự đã cải biên.

Lý do là các nước vốn có nền kinh tế yếu hơn tại châu Âu hoàn toàn không đủ tiềm năng tài chính để mua các thiết bị quân sự của Mỹ để bảo vệ biên giới trước nỗ lực "xâm lược" mơ hồ từ phía Nga. Điều đó khiến Washington ở vào thế... "bán chịu".

Để tránh các kịch bản như vậy, Lầu Năm Góc có lẽ cần nhiều động thái hàn gắn hơn với châu Âu thay vì hướng mọi chỉ trích và đổ lỗi cho giới lãnh đạo EU, buộc họ phải tìm đến một "an ninh châu Âu" trong lòng lợi ích Mỹ.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-rut-bot-quan-khoi-duc-kho-cho-ai-3404338/