Mỹ ráo riết chuẩn bị phương án chiến tranh với Triều Tiên
Dù chủ trương ưu tiên biện pháp ngoại giao, quân đội Mỹ vẫn sốt sắng tiến hành diễn tập ở nhiều binh chủng nhằm sẵn sàng ứng phó mọi tình huống đụng độ quân sự với Triều Tiên.
Tại căn cứ Fort Bragg (bang North Virginia) hồi tháng 12/2017, 48 máy bay vũ trang Apache và trực thăng Chinook cất cánh tham gia tập trận triển khai binh sĩ và vũ khí dưới làn đạn thật, nhằm tiếp cận và tấn công mục tiêu. Hai ngày sau, trên bầu trời bang Nevada, 119 binh sĩ thuộc Không quân Mỹ nhảy dù rời khỏi máy bay vận tải C-17, bắt đầu tập trận mô phỏng xâm nhập tấn công nước ngoài.
Vào tháng 2 tới, một chiến dịch diễn ra trên khắp các căn cứ của lục quân tại Mỹ, huy động hơn 1.000 binh sĩ dự bị học cách thành lập các trung tâm điều động, với nhiệm vụ khẩn trương triển khai binh lực ra nước ngoài.
Tháng 2 cũng là thời điểm Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra ở thị trấn Pyeongchang, Hàn Quốc. Dịp này, Bộ Quốc phòng có kế hoạch chính thức điều động thêm lực lượng đặc nhiệm đến bán đảo Triều Tiên. Đây là bước đi đầu tiên mà giới chức quốc phòng cho là có thể tiến tới thành lập mô hình tương tự như những cuộc chiến ở Iraq và Syria, khác biệt là lần này nó diễn ra tại Hàn Quốc.
Tất cả những động thái trên là điều bình thường trong các kế hoạch huấn luyện và luân chuyển binh sĩ của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, quy mô và thời điểm của các cuộc tập trận cho thấy trọng tâm của chiến dịch hướng đến sự chuẩn bị cho một cuộc chiến với Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph F. Dunford từng cảnh báo việc sử dụng vũ lực, ủng hộ các giải pháp ngoại giao để đối phó với Triều Tiên. "Một cuộc chiến sẽ tạo ra thảm họa", Bộ trưởng Mattis nói hồi tháng 8/2017.
Tuy nhiên, hàng chục quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu ở Bộ Quốc phòng nói các cuộc tập trận chính là phản ánh mệnh lệnh từ bộ trưởng, nhằm sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động quân sự nào từ Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump càng khiến các sĩ quan cấp cao cho rằng họ phải thúc đẩy những kế hoạch tình huống khẩn cấp.
Những điểm khác biệt
Sau 16 năm chiến đấu với phiến quân nổi dậy ở Iraq, Afghanistan và Syria, các tướng lĩnh Mỹ lo ngại quân đội đang đối phó tốt hơn với những nhóm binh sĩ phi nhà nước, so với một quân đội chính quy sở hữu hỏa lực mặt đất cùng hệ thống phòng không đáng gờm.
Cuộc diễn tập ở căn cứ Fort Bragg là một trong các cuộc tập trận tấn công từ trên không quy mô nhất những năm gần đây. Trong khi đó, diễn tập ở căn cứ không quân Nellis tại bang Nevada sử dụng gấp đôi số lượng máy bay chở hàng và lính nhảy dù so với những lần trong quá khứ.
Trong khi đó, cuộc tập trận của lực lượng dự bị vào tháng 2 vốn là nội dung không được chú trọng trong nhiều năm qua, khi chiến sự ở Iraq và Afghanistan giảm nhiệt dần.
Ngoài ra, quân đội cũng từng nhiều lần triển khai lực lượng đặc nhiệm đến các sự kiện lớn toàn cầu, như World Cup 2014 ở Brazil, nhưng số lượng binh sĩ thường không quá 100 người. Con số này được cho là sẽ nhiều hơn trong lần điều động tăng cường đến Thế vận hội ở Hàn Quốc tới đây.
Tại một cuộc họp hồi đầu tháng này, Tướng Tony Thomas, tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tại Tampa (bang Florida), nói lính đặc nhiệm có thể được điều động tăng cường từ Trung Đông đến bán đảo Triều Tiên vào tháng 5 hoặc 6 nếu tình hình khu vực này tiếp tục căng thẳng.
Hồi tháng 10/2017, Tướng Milley khẳng định Triều Tiên chính là "mối đe dọa lớn nhất" đến an ninh quốc gia Mỹ. Ông viện dẫn hai thất bại của quân đội Mỹ trong quá khứ, đó là thua trận ở Chiến trường Kasserine Pass hồi Thế chiến 2 trước lực lượng Đức, và một thất bại trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Qua đó, ông Milley kêu gọi các tướng lĩnh phải tăng cường tổ chức huấn luyện binh sĩ trên mọi phương diện, kết hợp lực lượng phòng không, tăng thiết giáp, bộ binh, hải quân và cả vũ khí công nghệ cao.
"Đừng chỉ chờ lệnh hoặc chỉ in ra những quy định và chỉ dẫn mới. Nói một cách đơn giản, tôi muốn các bạn sẵn sàng cho những tình huống xảy ra, không làm bất cứ việc gì nếu chúng không liên quan đến tăng cường sẵn sàng tác chiến trong đơn vị", Tướng Milley nói.
Tuy nhiên, tình hình lần này sẽ không dồn dập như hồi quân đội Mỹ chuẩn bị xâm lược Iraq, khi Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho cuộc hành quân quy mô lớn từ năm 2002. "Bạn sẽ không thấy những diễn biến quân sự quy mô lớn nào có thể là điềm báo cho một quyết định chiến tranh", Derek Chollet, trợ lý bộ trưởng quốc phòng thời chính quyền Obama, nói.
Washington đến nay cũng chưa phát khuyến cáo hạn chế đi lại nào đến Hàn Quốc hay Nhật Bản đối với công dân Mỹ, cũng không cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở đây. Thông thường, Lầu Năm Góc sẽ phải phát thông báo trước rồi mới phát động tấn công. Trừ phi chính quyền Trump tin rằng quân đội có thể dứt điểm chỉ trong một lần không kích duy nhất, mà Triều Tiên sẽ không còn có thể trả đũa đến nước gần nhất là Hàn Quốc.
Sự cân bằng giữa ngoại giao - quốc phòng
Những hành động chuẩn bị và diễn tập ráo riết hiện tại còn nhằm chứng tỏ Bộ trưởng Mattis và Lầu Năm Góc cùng chung quan điểm với ông Trump về mối đe dọa Triều Tiên, qua đó bảo toàn vị thế của vị bộ trưởng trong mắt tổng thống.
"Nhiệm vụ của quân đội là phải luôn sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Ngay cả khi chưa quyết định nào được ban hành, họ phải sẵn sàng vì đó là vấn đề mà tổng thống quan tâm hàng đầu. Đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông cũng sẽ thúc giục các tướng lĩnh lên kế hoạch tập huấn để đề phòng và chuẩn bị", Michele A. Flournoy, quan chức cấp cao ở Bộ Quốc phòng thời chính quyền Obama, nói.
Ngoài những cuộc tập huấn ít người biết đang diễn ra tại Mỹ, quân đội cũng tiến hành những hoạt động công khai như điều máy bay ném bom B-1 từ Guam bay qua bán đảo Triều Tiên. Máy bay B-52 cũng sẽ được triển khai từ căn cứ ở Lousiana đến Guam vào cuối tháng 1 này, nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực tầm xa từ trên không. Trước đó, ba máy bay ném bom B-2 đã cất cánh từ Missouri đến Guam cách đây 3 tuần.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cũng rất cẩn thận nhằm không để những diễn biến này có thể vô tình trở thành sự khiêu khích, từ đó khiến Triều Tiên trả đũa. Ông Mattis và các quan chức cố gắng cân bằng giữa việc ủng hộ các biện pháp ngoại giao, song song với duy trì sức mạnh quân sự để sẵn sàng đáp trả.
Vào tuần qua, phái đoàn ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp gỡ lần đầu tiên sau hai năm, như dấu hiệu thể hiện sự giải tỏa căng thẳng. Vào ngày 16/1 (giờ địa phương), Canada và Mỹ sẽ cùng tổ chức một hội nghị cấp ngoại trưởng để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
"Nếu các bạn hỏi rằng chúng ta sẵn sàng chiến đấu ngay trong tối nay không, tôi khẳng định là 'Có'. Không quân sẵn sàng làm nhiệm vụ và sẽ duy trì ưu thế trên không ngay khi được ra lệnh. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng hiện chúng tôi ủng hộ Ngoại trưởng Rex Tillerson và chiến dịch ngoại giao đối phó với Triều Tiên của ông", Tướng Mark C. Nowland của Không quân Mỹ nói với phóng viên đầu tháng này.