Mỹ phóng tàu đổ bộ Mặt trăng sau nửa thế kỷ kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng

Hôm thứ Năm (15/2), một tàu đổ bộ lên Mặt trăng do công ty hàng không vũ trụ Intuitive Machines chế tạo đã được phóng từ Florida trong sứ mệnh tiến hành chuyến đổ bộ lên Mặt trăng đầu tiên của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.

Tàu đổ bộ Nova-C của công ty, được đặt tên là Odysseus, đã phóng ngay sau 1 giờ sáng thứ Năm giờ EST (06:00 GMT) trên đỉnh tên lửa Falcon 9 hai tầng của SpaceX từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Mũi Canaveral.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cất cánh trong sứ mệnh IM-1 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, mang theo tàu đổ bộ Mặt trăng Nova-C của Intuitive Machine, ngày 15 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Reuters

Theo nguồn cấp dữ liệu video trực tuyến của NASA và SpaceX, tên lửa hai tầng sau khi rời khỏi bệ phóng đã lao vào bầu trời tối trên bờ biển Đại Tây Dương của Florida, kéo theo một luồng khí thải màu vàng rực lửa.

Khoảng 48 phút sau khi phóng, tàu đổ bộ Odysseus bắt đầu được thả ra khỏi tầng trên của Falcon 9, cách Trái đất khoảng 385 km và tự trôi đi trong hành trình tới Mặt trăng.

Một lúc sau, trụ sở công ty ở thành phố Houston nhận được tín hiệu vô tuyến đầu tiên từ Odysseus khi con tàu đổ bộ bắt đầu quá trình tự động cấp nguồn cho hệ thống và tự định hướng trong không gian.

Chuyến bay mang tên IM-1 đang mang theo 6 trọng tải thiết bị của NASA được thiết kế để thu thập dữ liệu về môi trường Mặt trăng, phục vụ cho kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng theo kế hoạch của NASA vào cuối thập kỷ này, sau hơn 50 năm gián đoạn.

Theo kế hoạch, một tuần sau khi phóng, tàu Odysseus sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Malapert A gần cực nam Mặt trăng vào ngày 22 tháng 2. Nếu thành công, đây sẽ là chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng của Mỹ kể từ sứ mệnh Mặt trăng cuối cùng của phi hành đoàn Apollo vào năm 1972, và là chuyến bay đầu tiên của một phương tiện thuộc sở hữu tư nhân.

Vụ phóng hôm thứ Năm diễn ra một tháng sau khi tàu đổ bộ Mặt trăng Peregrine của một công ty tư nhân khác, Astrobotic Technology, bị rò rỉ hệ thống động cơ trên đường tới Mặt trăng ngay sau khi được tên lửa Vulcan của United Launch Alliance (ULA) đưa vào quỹ đạo ngày 8 tháng 1.

Sự thất bại của tàu đổ bộ Peregrine, cũng chở thiết bị của NASA lên Mặt trăng, đánh dấu lần thứ ba một công ty tư nhân không thể đạt được thành tích "hạ cánh nhẹ nhàng" trên bề mặt Mặt trăng, sau những nỗ lực tương tự của các công ty từ Israel và Nhật Bản.

Tàu đổ bộ Mặt trăng Nova-C do công ty hàng không vũ trụ Intuitive Machines thiết kế được trưng bày tại trụ sở công ty ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, ngày 3 tháng 10 năm 2023. Ảnh: Reuters

IM-1 là thử nghiệm mới nhất của NASA về chiến lược trả tiền để sử dụng tàu vũ trụ do các công ty tư nhân chế tạo và sở hữu nhằm cắt giảm chi phí cho các sứ mệnh Artemis, được coi là tiền thân cho hành trình khám phá sao Hỏa của con người.

Tháng trước, NASA cho biết chuyến hạ cánh lên Mặt trăng của phi hành đoàn trong sứ mệnh Artemis sẽ bị trì hoãn từ năm 2025 sang cuối năm 2026, trong khi Trung Quốc tuyên bố đặt mục tiêu này vào năm 2030.

Trước khi sứ mệnh Artemis được thực hiện, các tàu đổ bộ nhỏ như Nova-C sẽ mang theo các thiết bị để khảo sát chặt chẽ cảnh quan, tài nguyên và các mối nguy hiểm tiềm ẩn trên Mặt trăng. Tàu đổ bộ Odysseus dự kiến tập trung vào các tương tác thời tiết không gian với bề mặt Mặt trăng, thiên văn vô tuyến, công nghệ hạ cánh chính xác và điều hướng.

Sau chuyến bay IM-1, Intuitive Machine dự kiến thực hiện sứ mệnh IM-2 hạ cánh xuống cực nam Mặt trăng vào năm 2024, tiếp theo là sứ mệnh IM-3 vào cuối năm với một số máy thám hiểm nhỏ.

Tháng trước, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng sau khi tàu thăm dò SLIM đạt thành tích hạ cánh chính xác lên bề mặt. Năm ngoái, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 đặt chân lên Mặt trăng sau khi Nga thất bại trong nỗ lực cùng tháng.

Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc là những quốc gia duy nhất thực hiện thành công các cuộc hạ cánh mềm trên Mặt trăng. Năm 2019, Trung Quốc đã ghi điểm đầu tiên trên thế giới khi đạt được lần hạ cánh đầu tiên ở phía xa của Mặt trăng.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-phong-tau-do-bo-mat-trang-sau-nua-the-ky-ke-tu-su-menh-apollo-cuoi-cung-post284655.html