Mỹ nói gì khi tàu do thám Nga áp sát RIMPAC-2016?

Theo USNI ngày 6/7, Hải quân Mỹ đã phát hiện một chiếc tàu do thám Nga gần nơi diễn ra tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC-2016) do Mỹ dẫn đầu.

Phản ứng của Mỹ

Theo phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đại úy Clint Ramsden, chiếc tàu do thám của Nga được xác nhận thuộc lớp Balzam - loại tàu có chức năng chuyên thu thập thông tin tình báo. Chiếc tàu này bị Mỹ phát hiện tại vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Hawaii, nơi đang diễn ra cuộc tập trận RIMPAC 2016 do Hải quân Mỹ dẫn đầu.

"Sự hiện diện của con tàu không ảnh hưởng đến cuộc tập trận. Chúng tôi đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các thông tin tình báo quan trọng", ông Ramsden cho biết.

Được biết, cuộc tập trận RIMPAC 2016 do Mỹ tổ chức có 26 quốc gia tham dự, với gần 50 tàu chiến, hơn 200 máy bay và gần 25.000 quân nhân. Lần cuối cùng Nga tham dự cuộc tập trận thường niên này là vào năm 2012.

Tàu do thám của Nga.

Nga đã từ chối tham gia cuộc tập trận vào năm 2014, trước khi xảy ra sự kiện Nga tái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Tại RIMPAC 2016, Nga đã không nhận được lời mời.

Nói về sự xuất hiện của tàu do thám Nga, ông James Brown - chuyên gia Đại học Temple của Nhật Bản cho biết: "Có vẻ người Nga muốn thể hiện rằng đằng nào họ cũng sẽ quan sát cuộc tập trận năm nay".

"Nga đang tăng cường đầu tư cho Hạm đội Thái Bình Dương của mình. Có khả năng đây là một trong các tàu được nâng cấp của Nga". Ông Brown nhận xét, với động thái này, Nga đang muốn gửi thông điệp chứng tỏ sức mạnh đáp lại những hoạt động của Mỹ trong khu vực lân cận Nga.

Được biết, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, việc tàu do thám Nga lai vãng ngoài bờ biển Mỹ để thu thập thông tin tình báo và giám sát các cuộc tập trận hải quân như RIMPAC không phải là điều xa lạ, tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Moscow không còn đẩy mạnh các hoạt động giám sát như vậy nữa.

Trang USNI cho rằng, cho tới sau vụ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014, Hải quân Nga mới bắt đầu tích cực triển khai tàu do thám trở lại.

Nga có thể do thám bất cứ đâu

Không chỉ điều tàu áp sát cuộc tập trận của Mỹ, theo Tạp chí Hải quân Pháp Le Marin, việc những tàu ngầm chiến lược của Nga hiện diện ngày càng nhiều gần những địa điểm trọng yếu đang khiến phương Tây lo lắng.

Lo lắng của phương Tây hoàn toàn có cơ sở khi một chiếc tàu ngầm hạt nhân Podmoskovye của Nga vừa bất ngờ do thám căn cứ tên lửa đạn đạo của Pháp. Tạp chí Hải quân Pháp Le Marin cho biết rằng, con tàu này có thể là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nhưng đã được chuyển đổi thành tàu ngầm cho nhiệm vụ đặc biệt là thu thập tin tức tình báo.

Tàu ngầm hạt nhân Losharik.

Tàu ngầm hạt nhân Podmoskovye (BS-64) được biến đổi từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo thuộc Project 667BDRM Delfin. Nó đã được tái xuất hồi tháng 8/2015 sau khi trải qua sửa chữa và hiện đại hóa tại nhà máy đóng tàu ở Zverdochka thuộc miền Bắc Nga.

Tình báo phương Tây cho rằng, BS-64 được nâng cấp để trở thành tàu đảm nhận "nhiệm vụ đặc biệt" là tàu ngầm do thám, chuyên hoạt động với các trạm nghiên cứu hạt nhân ngầm và thu thập dữ liệu thăm dò, đảm nhiệm chức năng cơ sở cho các tàu và thiết bị không người lái dưới nước.

Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân bí ẩn AS-12 của Nga có tên tiếng Anh là Losharik, được tái chế tạo trong khuôn khổ kế hoạch 210 (Project 210) tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Nga đang khiến Mỹ đặc biệt lo ngại khi chúng xuất hiện trong các vùng biển có cáp truyền thông đảm bảo điện thoại và kết nối Internet của Hoa Kỳ. Losharik thường được Nga gọi là “tàu lặn”, trên thực tế là tàu ngầm hạt nhân được NATO định danh là NORSUB-5.

Hồi cuối tháng 9/2012, tàu lặn Losharik cũng đã tham gia chuyến thăm dò đáy Bắc Cực và thu thập mẫu vật địa chất. Nhờ chế tạo bằng vật liệu Titanium và thiết kế các khoang thân hình cầu độc đáo khả năng lặn sâu tới hơn 6000m - một con số kỷ lục với các loại tàu ngầm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-noi-gi-khi-tau-do-tham-nga-ap-sat-rimpac-2016-3313321/