Mỹ mua gấp Mk-41 sau tuyên bố rút khỏi INF

Bộ Quốc phòng Mỹ và BAE Systems vừa ký bản hợp đồng thương vụ hệ thống Mk-41 - quyết định được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF.

Thông tin về thương vụ này được Lầu Năm Góc cho biết hôm 28/2, bản hợp đồng được đánh số N00024-13-C-5314 có tổng trị giá lên tới 21,8 triệu USD. Khi được tiếp nhận, những hệ thống này sẽ được triển khai cho chiến hạm và hệ thống phòng thủ trên cạn Aegis Ashore được triển khai tại quốc gia đồng minh ở châu Âu và châu Á.

Ông Gary Pannett, lãnh đạo của Cơ quan Quốc phòng về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết, gói mua sắm lần này là một phần trong khuôn khổ dự án ngân sách quốc phòng cho năm 2019. Trong đó, Lầu Năm Góc đã yêu cầu khoản chi 1,8 tỷ USD dành cho các hệ thống Aegis Ashore được xây dựng xung quanh hệ thống phóng đa năng Mk-41.

Hệ thống Mk-41 triển khai trên hạm.

Ông Panett nói trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc rằng, Cơ quan Quốc phòng về hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cung cấp 37 hệ thống hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore SM-3 cho Romania và Ba Lan, cũng như cho một số tàu khu trục và tuần dương hạm được triển khai ở châu Âu.

Được biết, Aegis BMD (Aegis Ballistic Missile Defense System) thực chất là một biến thể phòng không trên mặt đất được phát triển từ hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mà hải quân Mỹ trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga.

Nòng cốt của hệ thống phòng thủ tên lửa này là hệ thống chỉ huy-kiểm soát và điều khiển Aegis và các tên lửa đánh chặn dòng SM-3 và SM-2 Block2A, được phóng từ các hệ thống phóng đa năng Mk-41, sử dụng chung cho cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.

Trong khi mỗi tổ hợp tên lửa đánh chặn THAAD có giá thành khoảng 1,1 tỷ USD thì các hệ thống Aegis Ashore có giá khoảng 700 triệu mỗi tổ hợp, có phạm vi bao phủ rất rộng (ví dụ như chỉ cần 2 hệ thống là có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản).

Hiện nay, các hệ thống Aegis trên tàu mặt nước đã được Mỹ bán cho các nước đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc; còn ở châu Âu, một số nước như Na Uy, Tây Ban Nha cũng đã sở hữu những khu trục hạm phòng không/phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ.

Trước loạt động thái của Mỹ, Nga đã lên tiếng tố cáo rằng, đây là sự dối trá để triển khai các hệ thống tên lửa tấn công mặt đất nhằm vào Nga, bởi hệ thống phóng đa năng Mk-41 có thể phóng cả tên lửa hành trình Tomahawk, có thể được lắp đặt cả các đầu đạn hạt nhân.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-mua-gap-mk-41-sau-tuyen-bo-rut-khoi-inf-3375519/