Mỹ đánh thuế đồng minh nhưng lại đòi miễn thuế

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Pháp không đánh thuế với sản phẩm công nghệ Mỹ giữa lúc cạnh tranh với Trung Quốc nóng lên.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Washington hôm 4/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian không đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Pháp định đánh thuế những gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo cùng ngày cho biết: "Bộ trưởng Pompeo đã kêu gọi Pháp không chấp thuận một khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty công nghệ lớn của Mỹ và cả các công dân Pháp sử dụng những sản phẩm này".

Đây là loại thuế được đề xuất sẽ nhắm vào những gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Đề xuất thuế được đưa ra sau khi có nhiều phản đối rằng, thuế doanh nghiệp tối thiểu của các công ty Mỹ phải trả ở châu Âu là quá thấp.

Paris đã đưa ra dự thảo đề xuất thuế này hồi tháng trước sẽ đánh thuế 3% cho các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số, bán dữ liệu cá nhân hay doanh thu khác từ bất kỳ công ty công nghệ nào kiếm được hơn 750 triệu euro/năm (khoảng 841 triệu USD/năm).

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Pháp về vấn đề này đã lập tức gây chú ý tới truyền thông Nga.

RT bình luận, những hành động của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đang cho thấy quan điểm bao bọc quá mức các công ty công nghệ lớn của mình, đặc biệt là khi Washington đang trong một cuộc đối đầu về công nghệ với đối thủ Trung Quốc.

Sự bảo vệ mạnh mẽ các công ty công nghệ Mỹ cho thấy ý chí của Washington trong việc tìm mọi cách đề giành ưu thế vượt trội so với các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Đó là biểu hiện rõ nhất của sự cạnh tranh không lành mạnh của Washington.

Không chỉ nhắc nhở Pháp về dự tính đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ, ông Pompeo cũng cảnh báo rằng, thế giới nên "mở rộng tầm nhìn" về những rủi ro khi sử dụng công nghệ Trung Quốc. Cơ quan tình báo Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng, việc sử dụng công nghệ Trung QUốc sẽ tạo điều kiện cho gián điệp Nhà nước Trung Quốc có cơ hội tiếp cận vào hệ thống an ninh mạng quốc gia.

Lời nhắc nhở Pháp của ông Pompeo đưa ra sau khi Paris đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi Pháp cân nhắc cho phép công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào việc triển khai mạng 5G.

Paris tất nhiên cũng không bỏ qua lo ngại về Huawei. Quốc hội nước này hôm 3/4 đã thảo luận về một dự luật yêu cầu các nhà cung cấp giao thiết bị tới trước để thử nghiệm xem có đủ điều kiện thực hiện hợp đồng 5G hay không. Dự luật không nêu rõ tên nhà cung cấp Huawei nhưng rõ ràng là Pháp đã để một cánh cửa cho Trung Quốc và muốn giữ lại một cánh cửa để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Châu Âu không hoàn toàn tẩy chay Huawei như Mỹ kỳ vọng. Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Đức đã từ chối ban lệnh cấm Huawei được tham gia xây dựng hạ tầng 5G ở Đức.

Vì "Nước Mỹ trên hết" mà Washington bất chấp đồng minh. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ của Mỹ và Đức đã xấu đi từ thời Tổng thống Trump. Chi tiêu quốc phòng không đạt mục tiêu của NATO, mối quan hệ thân Nga qua dự án Nord Stream-2 và thâm hụt thương mại lớn, giờ đây vấn đề Huawei đã càng khiến Đức trở thành "cái gai trong mắt" của Mỹ.

Bất chấp vai trò đồng minh của Berlin, cũng không còn "cây gậy và củ cà rốt", Washington đã không ngần ngại yêu cầu Đức từ bỏ Huawei nhưng đồng thời vẫn gây sức ép thuế quan lên ngành sản xuất ô tô, nguồn thu hàng đầu của Đức.

Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đối với những người châu Âu hiện nay có thể thấy rõ nhất và hiểu ra một điều: "Nước Mỹ trên hết!"

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-danh-thue-dong-minh-nhung-lai-doi-mien-thue-3377636/