Mỹ cân nhắc phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ

Những chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo khả năng hỗ trợ chiến đấu hiệu quả.

Mỹ đang cân nhắc phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ nhằm giải quyết những thách thức trong chiến lược phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Tháng này, The War Zone đưa tin Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ, David Allvin đã công bố kế hoạch máy bay chiến đấu hạng nhẹ tại Hội nghị các chỉ huy hàng không và vũ trụ toàn cầu ở London. Ngay lập tức, các cuộc thảo luận về tương lai của máy bay chiến đấu Mỹ bùng phát nếu ý tưởng này được triển khai.

Các chuyên gia nhận định việc khái niệm này được đưa ra cho thấy ngành hàng không Mỹ đang dần chuyển sang phát triển phần mềm cho các chiếc máy bay thay vì phần cứng như trước đây.

Những máy bay chiến đầu hạng nhẹ có thể là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh không quân Mỹ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Asia Times

Những máy bay chiến đầu hạng nhẹ có thể là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh không quân Mỹ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Asia Times

Động thái này nhằm đáp ứng Chiến dịch Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân Mỹ, vốn đang phải đối mặt với những thách thức từ chi phí sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu, ước tính gần 250 triệu USD cho mỗi đơn vị.

Theo các quan chức Mỹ, ý tưởng của ông Allvin - tập trung vào việc nhanh chóng cập nhật phần mềm để duy trì lợi thế trước đối thủ - có thể dẫn đến những máy bay chiến đấu dùng một lần.

Trong khi đó, tờ War Zone cho rằng ý tưởng máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho thấy không quân Mỹ đang dần chuyển sang hạm đội đa chức năng, vừa đảm bảo chuyên cơ chiến đấu cao cấp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nhằm ứng phó với những thách thức ngày càng tăng.

Trong bối cảnh không quân Mỹ gặp nhiều thách thức, ý tưởng về máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể là chìa khóa để ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa tiềm tàng cũng như đảm bảo ngân sách.

Trong bài viết đăng trên War on the Rocks vào tháng 2/2022, chuyên gia Alex Biegalski cho biết máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể thu hẹp khoảng cách giữa máy bay chiến đấu có người lái và không người lái.

Ông Biegalski lưu ý ý tưởng này liên quan đến việc kết hợp giữa phi công với máy bay không người lái tự động nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu đồng thời giảm thiểu rủi ro cho phi công.

Ông cũng cho biết việc Không quân Mỹ theo đuổi một máy bay chiến đấu hạng nhẹ có khả năng phối hợp tác chiến có thể vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa sẵn sàng cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Theo chuyên gia này, dù máy bay chiến đấu hạng nhẹ khó có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không tiên tiến, tuy nhiên khả năng kiểm soát các đợt tấn công và cung cấp hỏa lực hỗ trợ quan trọng mang lại cho chúng những ưu thế riêng biệt trên chiến trường.

Chuyên gia David Pappalardo cho biết những người ủng hộ máy bay chiến đấu hạng nhẹ cho rằng những máy bay này có thể cung cấp hỏa lực hỗ trợ cũng như thực hiện chức năng giám sát trong khi các máy bay tiên tiến tấn công đối phương. Điều này sẽ giúp bảo vệ các máy bay chiến đấu cấp cao.

Ngoài ra, ông Pappalardo cho biết những người ủng hộ nhìn thấy tiềm năng của máy bay chiến đấu hạng nhẹ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế với các đồng minh thiếu máy bay chiến đấu hiện đại.

Trong khi đó, theo ông, những người phản đối lo ngại việc phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ có thể làm suy yếu lực lượng không quân Mỹ, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ hàng đầu như: Trung Quốc. Họ cho rằng trọng tâm vẫn nên là duy trì một phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến sẵn sàng chiến đấu cường độ cao để đảm bảo ưu thế chiến lược. Những người phản đối cảnh báo về việc hạ cấp chiến lược do chuyển hướng nguồn lực sang máy bay chiến đấu hạng nhẹ.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-can-nhac-phat-trien-may-bay-chien-dau-hang-nhe.html