Mỹ cần nâng cao vị thế trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13/9 cho hay Mỹ nên đảm nhận một vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu vì lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước các sinh viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Purdue, nơi đặt một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào chính sách ngoại giao công nghệ bán dẫn và đảm bảo rằng Mỹ luôn có mặt khi ngành này đưa ra các quyết định quan trọng.

Ông Blinken đồng thời lưu ý rằng công nghệ này ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Các chất bán dẫn là thành phần rất cần thiết cho nhiều lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, bao gồm cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Khoa học và Chip để cấp khoảng 52 tỷ USD cho việc thúc đẩy sản xuất vi mạch trong nước. Ông Biden gần đây cũng đã gọi sản xuất chất bán dẫn là vấn đề an ninh quốc gia.

Mặc dù cách xa Thung lũng Silicon, trung tâm của đổi mới công nghệ tại Mỹ, Purdue có một trường kỹ thuật danh tiếng và có một số phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu chất bán dẫn.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng đi cùng Ngoại trưởng Blinken trong chuyến tham quan một số cơ sở nghiên cứu tại Purdue. Bà cũng nhấn mạnh Đạo luật Khoa học và Chip là một khoản đầu tư vào nước Mỹ, rằng các nhà sản xuất Mỹ cần phải có mặt từ “phòng nghiên cứu tới nhà máy sản xuất”.

Hai quan chức cấp cao vừa trở về sau chuyến thăm hôm thứ Hai tới Mexico (Mê-hi-cô). Trong cuộc công du, hai quan chức Mỹ đã mời quốc gia láng giềng cùng tham gia nỗ lực trị giá hàng tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Những trục trặc trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 đã làm gián đoạn sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ tiên tiến, đồng thời cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ và các nước khác vào Trung Quốc đối với các thành phần công nghệ.

Giữa bối cảnh đó, Mỹ đang dẫn đầu một nỗ lực chưa từng có để tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhằm giảm bớt các vấn đề của chuỗi cung ứng hậu đại dịch cũng như không phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc./.

H.Thủy (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-can-nang-cao-vi-the-trong-linh-vuc-san-xuat-chat-ban-dan/258233.html