Mỹ bất lực trước vũ khí được Nga sử dụng nhiều nhất tại Ukraine

Vũ khí được Nga sử dụng nhiều nhất tại Ukraine theo nhận xét đang khiến Mỹ bất lực trong việc tìm cách đối phó.

Mỹ không có khả năng tự vệ trước tên lửa hành trình - vũ khí được Nga sử dụng nhiều nhất tại Ukraine, nhà báo Markus Weisgerber đưa ra nhận xét trên tờ Defense One.

Mỹ không có khả năng tự vệ trước tên lửa hành trình - vũ khí được Nga sử dụng nhiều nhất tại Ukraine, nhà báo Markus Weisgerber đưa ra nhận xét trên tờ Defense One.

Nhóm nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC đã đưa ra một báo cáo về tình trạng phòng thủ tên lửa của Mỹ và gửi tín hiệu đáng lo ngại tới Lầu Năm Góc.

Hóa ra, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bất lực trước tên lửa hành trình Nga, vũ khí vẫn được sử dụng một cách phổ biến như một phần của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo báo cáo, giới lãnh đạo Mỹ đã phớt lờ vấn đề bảo vệ phần lục địa của đất nước khỏi những loại vũ khí cơ động và bay thấp của Liên bang Nga.

Thay vào đó, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào việc phát triển các hệ thống chống tên lửa dựa trên silo, chỉ có hiệu quả đánh chặn mục tiêu bay cao, và các hệ thống di động được triển khai ở những khu vực khác trên thế giới.

Báo cáo nêu rõ: “Việc gần như không có hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền và các hình thức phòng không liên quan trên diện rộng đã tạo ra một vấn đề nghiêm trọng".

Theo các chuyên gia, tình hình ở Ukraine cho thấy việc ngừng hoạt động và bắn hạ các phần tử cũ của hệ thống phòng thủ tên lửa là một sai lầm. Thay vào đó, các chuyên gia của CSIS khuyến nghị cách thức mới.

Cần phải liên kết các trạm radar, máy bay giám sát, UAV bay cao và hệ thống chống tên lửa thành một mạng duy nhất để việc tích hợp các kênh và nền tảng truyền dữ liệu thành một kiến trúc chung, giúp củng cố quốc phòng của đất nước.

Mối đe dọa về một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình đã trở thành vấn đề thực sự đau đầu đối với giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ trong những năm gần đây. Không giống như ICBM, bay trên quỹ đạo cao và có thể đoán trước được, tên lửa hành trình lại bay ở tầm thấp.

Chuyên gia Weisgerber lưu ý rằng radar không thể phát hiện ra chúng. Những vũ khí như vậy có thể được phóng lặng lẽ từ tàu ngầm ẩn nấp sát bờ biển, không thể dự báo từ xa.

“Trong một loạt các mối đe dọa liên quan đến tên lửa và phương tiện tấn công đường không ngày càng rộng và đa dạng, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, mặt biển giữ vị trí trung tâm".

"Các mối đe dọa tên lửa siêu thanh đang nổi lên thu hút sự chú ý đáng kể, nhưng tên lửa hành trình là một trong những nguy cơ bị đánh giá thấp nhất, đây là một sai lầm nghiêm trọng đối với nước Mỹ".

Mối đe dọa như vậy từ Liên bang Nga đã buộc các quan chức Lầu Năm Góc phải gióng lên hồi chuông báo động từ hơn 10 năm trước. Nhưng trong thời gian này, có rất ít thay đổi trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ.

Ví dụ gần Baltimore, một khinh khí cầu đã được sử dụng để theo dõi máy bay dọc theo bờ biển phía Đông. Nhưng vào năm 2015, thiết bị này đã gặp sự cố và bị rơi, làm hỏng đường dây điện. Kết quả là dự án đã bị đóng cửa.

Vào năm 2019, các chuyên gia thuộc Dự án Đánh giá Phòng thủ Tên lửa của chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ ra mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa hành trình, nhưng Lầu Năm Góc vẫn chưa chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống phòng thủ tương ứng.

Mặc dù một chỉ thị thúc giục đã được Quốc hội Mỹ đưa ra vào 2017, tuy nhiên không có gì tiến triển từ đó. Do vậy, Mỹ đang phải dựa vào "sự chắp vá của các radar, tên lửa chống tên lửa và máy bay chiến đấu".

Hiện tại, Mỹ chỉ có một hệ thống có khả năng chống lại tên lửa hành trình. Chúng ta đang nói về hệ thống tên lửa đất đối không di động NASAMS của Na Uy đặt xung quanh Washington.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng có một số máy bay chiến đấu tại Căn cứ Andrews của Hàng không Hải quân Mỹ cũng có thể bắn hạ các mục tiêu như vậy bằng tên lửa không đối không.

Ngoài ra, Quân đội Mỹ đang gặp khó khăn ngay cả khi phát hiện ra một mối đe dọa như vậy. Tất nhiên, Mỹ có nhiều radar có khả năng phát hiện tên lửa hành trình, nhưng chúng lại được điều hành bởi nhiều cơ quan chính phủ khác nhau.

Danh sách đó bao gồm Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa, Cục Hàng không Liên bang và Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Các bộ phận này có thể “tạo ra một mạng lưới phòng thủ hữu ích,” nhưng họ lại không chia sẻ thông tin với nhau.

Theo các nhà phân tích của CSIS, hy vọng duy nhất cho Mỹ trong vấn đề này là đảo Guam, nơi một cuộc thử nghiệm đang được tiến hành để tạo ra "pháo đài phòng thủ tên lửa". Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tài trợ cho dự án này với số tiền là 273 triệu USD.

Năm cấp độ phòng thủ được lên kế hoạch thiết lập tại một căn cứ chung ở Thái Bình Dương của Không quân và Hải quân Mỹ, bao gồm các radar trên đường chân trời, "cảm biến tháp", khinh khí cầu, trung tâm chỉ huy và kiểm soát...

Giới truyền thông ước tính rằng việc thực hiện dự án này trong 20 năm tới sẽ tiêu tốn của ngân sách Mỹ khoản tiền lên tới 32,7 tỷ USD.

“Trong khi việc bảo vệ lục địa Mỹ là một thách thức, nỗ lực bảo vệ đảo Guam sẽ mang tính hướng dẫn cho việc lựa chọn yếu tố, tích hợp hệ thống, chỉ huy và kiểm soát... Theo ý nghĩa đó, con đường dẫn đến việc phòng thủ tên lửa cho Bắc Mỹ sẽ đi qua Đảo Guam”, trang Defense One kết luận.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-bat-luc-truoc-vu-khi-duoc-nga-su-dung-nhieu-nhat-tai-ukraine-post510763.antd