Mưu sinh cùng… rác

Trên 'núi' rác ngập ngụa, chất chồng rác cũ, rác mới, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cho những ai lần đầu đặt chân đến phải chóng mặt, nhức đầu… Ấy vậy mà, vẫn có hàng chục lao động đang miệt mài mưu sinh hàng ngày. Với họ, rác là 'nguồn sống' nhưng với môi trường, sức khỏe và xã hội, rác là 'nguồn bệnh' cần phải sớm xử lý dứt điểm.

Rác… nuôi người

Với ý định tìm hiểu về những lao động nơi bãi rác, chúng tôi đã dong xe đến bãi rác Bình Tú (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết). Giữa cái nắng hầm hập của những ngày đầu tháng 5, đập vào mắt chúng tôi là một bãi rác khổng lồ, xen lẫn đâu đó là vài chục người trong những bộ quần áo sờn cũ, khẩu trang che kín mặt và một túi lớn bên mình đang lùng sục tìm kiếm những vật dụng còn sót lại có thể đổi ra tiền.

Làn khói bay lên của những đống rác đang đốt khiến cho không khí trời trở nên u uất, mùi nồng nặc của rác thải càng thêm nặng nề. Rác, xung quanh chúng tôi là rác. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi đến đây, chúng tôi không tránh khỏi sự khó chịu, nghẹt thở. Kéo khẩu trang lên thật kín, người bạn đồng nghiệp của tôi lên tiếng: “Ôi! Khó chịu quá. Không hiểu sao họ có thể chịu giỏi được như vậy!”.

“Mưu sinh cả thôi cô à. Do các cô lần đầu vào nên thấy dơ dáy, khó chịu. Chứ tụi tui ở đây thấy bình thường và đã quen với nơi này rồi” - bỗng có tiếng nói của người phụ nữ cất lên. Quay lại, tìm hiểu được biết chị là Nguyễn Thị Nhung (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết). 30 tuổi nhưng chị đã có thâm niên trong nghề hơn 10 năm nơi bãi rác này. Nói vừa xong chị kéo lê chiếc bao tải đến bên cạnh đống rác thải, nồng nặc mùi hôi để tiếp tục công việc của mình. Nào là bao ni-lon, chai nhựa, vỏ lon, giấy vụn, thùng giấy… được chị “thâu tóm” vào chiếc bao đen của mình. “Những thứ này, lát nữa tui sẽ phân loại ra từng thứ một để bán cho các chủ vựa, mỗi một thứ có giá khác nhau nhưng nếu chịu khó mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng. Nếu ngày nào “vô mánh” thì được 400.000 – 500.000 đồng nhưng hiếm lắm”, chị Nhung chia sẻ.

Chị Nhung khoe: “Hôm rồi, mới mua được chiếc xe máy từ tiền đào bới rác này đó. Nhờ đó có phương tiện đi lại”. Đang nói chuyện bỗng những chiếc xe chuyên dụng thu gom rác tiến dần về phía bãi rác, chị Nhung cũng như nhiều lao động khác liền chạy nhanh đến xe, để giành vị trí, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn theo.

10 giờ sáng. Sức nóng của mùa hè khiến những đứa “đứng không” như chúng tôi cũng đổ mồ hôi, thở hổn hển. Thế nhưng bên cạnh những “núi” rác vài chục con người vẫn đang cắm cúi bươi, móc. Đứng trên bãi rác được một lúc, tôi phải vào bóng râm nghỉ vì thật sự không chịu nổi mùi hôi quá nồng nặc. Bà Trần Thị Bình (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) cũng mệt mỏi lê bước chân về bóng cây để nghỉ mệt. Bà lột khẩu trang, bao tay rồi thò tay múc ca nước trong xô đá ra uống. Kế đến bà lấy hộp bánh ướt mang theo ra ăn một cách ngon lành, khi bên cạnh mình là ruồi nhặng đang vi vu. Thấy chúng tôi nhìn, bà vô tư giải thích: “Cũng muốn vệ sinh trước khi ăn uống lắm chứ nhưng mà các cô thấy đó, có nước đâu mà rửa. Mệt thì nghỉ, đói, khát thì ăn, uống thôi chứ biết sao”.

Bà Bình kể, nhiều năm trước có đi làm thuê thanh long cho các vựa. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cả thanh long xuống thấp nên công việc cũng không ổn định. Tiền sinh hoạt, tiền cho con đi học không có. Vì vậy, bà cùng chồng lên bãi rác này để kiếm sống. “Ở bãi rác này cũng có phân chia theo tổ. Đó là tổ ngày và tổ đêm. Tôi đến sau nên làm tự do nhưng vì thế mà cũng gặp nhiều bất lợi”, bà nói.

“Sao lại bất lợi ạ?” – chúng tôi hỏi. Bà giải thích: Những chiếc xe rác vừa chở đến thì những người trong tổ sẽ được “hoạt động” ở đấy; sẽ có nhiều “đồ hời” hơn. Còn những người như tôi chỉ được làm ở những nơi mà những người trong tổ đã bỏ, vì vậy đồ mình lượm lặt được cũng ít đi. “Giờ tất cả đều quy ra tiền, nếu mình không làm thì lấy tiền đâu để chi tiêu. Mà tôi nói thật, cái nghề này có vất vả nhưng thu nhập mỗi ngày cũng cả mấy trăm ngàn đồng. Mỗi tháng kiếm được từ 7 - 9 triệu đồng, số tiền này cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học.. ”, bà phân trần.

Bà Bình nói thêm: “Nhiều người kêu sao không kiếm cái nghề gì sạch sẽ hơn chút để kiếm tiền, thiếu gì chỗ làm mà phải lên chỗ dơ dáy, bẩn thỉu này. Nhưng mà tui thấy mình lên đây lượm rác rồi bán lại, đồ họ bỏ đi mình lấy công bới lại để kiếm tiền thì có gì là xấu đâu. Miễn gia đình mình có tiền tiêu là được”.

Ô nhiễm và hiểm nguy

Hỏi nhiều phận đời nơi bãi rác, chúng tôi được biết có khoảng gần 100 người lao động ở đây. Đa phần họ là dân địa phương thuộc xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết hoặc những người ở nơi khác về thuê trọ để làm. Hoàn cảnh đa phần là con đông, không có công ăn việc làm, đất đai không có… nên phải “bám” rác để kiếm sống. Sống dựa vào rác nhưng họ cũng gặp rất nhiều nguy hiểm, rủi ro.

Thấy một đứa trẻ đang oằn lưng cõng bao rác trên vai, tôi liền hỏi về chuyện học hành thì được nó trả lời gọn lỏn: "Nghỉ học lâu rồi". Rồi vừa làm nó vừa kể cho chúng tôi nghe, nó là Hoàng Cao Sơn, 17 tuổi (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam), nó đến với nghề nhặt rác ở bãi rác Bình Tú này đã được 5 năm. "Nhìn các bạn hàng ngày cắp sách đến trường em cũng muốn và thích lắm chứ. Nhưng nhà nghèo, em đành nghỉ học, đến đây lượm rác cùng mấy đứa bạn thấy cũng kiếm được tiền” Sơn nói.

Sơn cũng cho biết, những ngày đầu đi nhặt rác, mùi hôi thối khiến em buồn nôn, về nhà không ăn nổi cơm. Rồi đủ mọi thứ cứ ám ảnh trong đầu, nào là rác bẩn, động vật chết… Sau dần cũng quen với mùi rác thải ở đây. Tuy nhiên, Sơn cũng cho biết: Nghề này vất vả, đổ mồ hôi, thậm chí có lúc không cẩn thận phải đổ cả máu dẫn đến nhiễm trùng nếu chẳng may đụng vào rác thải là mảnh vỡ thủy tinh, vật thể sắc nhọn cứa.

Thấy Sơn nói vậy, gần đó anh Nguyễn Văn Long đang nhặt rác kế bên bèn quay sang nói: “Cả không khí ô nhiễm nữa chứ. Như tôi này, thường xuyên bị đau mắt, rồi mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là đối mặt với nhiều mối hiểm nguy từ chất thải nguy hại… nữa đó cô”.

“Vậy anh có trang bị gì để bảo vệ cho bản thân mình không”? Tôi hỏi. Nhanh nhảu, anh Long nói: “Cô thấy đấy, chúng tôi chỉ biết trang bị thêm cho mình những chiếc bao tay, khẩu trang, mũ, chiếc ủng hoặc mặc nhiều lớp áo quần… thôi”.

Đến bãi rác Bình Tú, mới cảm nhận rõ hơn được sự vất vả, hiểm nguy của những con người đang lao động kiếm tiền nơi đây. Nắng nóng thì bãi rác bốc mùi hôi hám nồng nặc, ruồi nhặng vô số kể, còn mưa xuống thì nước ngập ngụa trộn với rác thải dơ bẩn không thể tả. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn cần mẫn nhặt rác. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với họ, vẫn cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời và nỗ lực lao động. Bởi với họ, đây cũng là nghề chân chính, giúp họ có cơm ăn áo mặc, lo cho con cái học hành.

Bãi rác Bình Tú rộng 26 ha nằm trên địa bàn thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Đây là nơi tập kết rác thải sinh hoạt và y tế của toàn thành phố. Mỗi ngày có khoảng 400 tấn rác chưa qua xử lý được đưa về đây. Phế liệu từ bãi rác ở đây là “nguồn sống” của hàng chục con người. Song để tồn tại như thế này cũng chính là “nguồn bệnh” của thành phố.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/muu-sinh-cung-rac-108845.html