Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 4]

Đến cuối thời Minh Trị, đặc biệt trong thập kỷ 1905-1915, nhiều nhà văn lớn xuất hiện. Số nhà văn ưu tú của thập kỷ đặc biệt này vượt xa số nhà văn lớn từ những năm 20 đến hết Thế chiến II.

Văn học thời Minh Trị

Đến cuối thời Minh Trị, đặc biệt trong thập kỷ 1905-1915, nhiều nhà văn lớn xuất hiện như: Tanizaki Jun'ichirō, Akutagawa Ryūnosuke, Shiga Naoya, Yokomitsu Riichi, Kawabata Yasunari. Một số nhà văn theo “trào lưu văn học vô sản” hoạt động chính trị như: Tokunaga Sunao, Hayama Yoshiki, Kobayashi Takiji.

Số nhà văn ưu tú của thập kỷ đặc biệt này vượt xa số nhà văn lớn từ những năm 20 đến hết Thế chiến II. Thời kỳ này có nhiều trào lưu: hiện thực mới, duy cảm chủ nghĩa, chủ nghĩa tự nhiên, tượng trưng, siêu thực... Mỗi trào lưu lại chia ra nhiều khuynh hướng, trường phái nhỏ.

* * *

Nhà văn Tanizaki Jun'ichirō.

Tanizaki Jun'ichirō (1886-1965) viết về những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây. Ông đi tìm cái đẹp chứ không bận tâm đến cái đạo lý như trước nữa. Ông miêu tả tế nhị sự năng động của cuộc sống gia đình trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng trong xã hội Nhật Bản thế kỷ XX, là một trong sáu tác giả trong danh sách cuối cùng cho Giải Nobel Văn học năm 1964, năm trước khi ông qua đời.

Tiểu thuyết của ông được đánh dấu bởi tình dục bệnh hoạn và chủ nghĩa duy mỹ rất Tây hóa. Ông đi ngược lại khuynh hướng sáng tác tự truyện đề cao cái Tôi và trở về những nguyên tắc thẩm mỹ truyền thống.

Mối tình một anh ngốc (Chijin no Ai, 1925) miêu tả một anh chồng kỹ sư đứng đắn, mê và lấy một cô gái rất trẻ Tây hóa, tính đỏng đảnh, thích làm tình làm tội anh. Anh biến thành nô lệ của cô, rồi tìm thấy thú vui được hành hạ.

Chiếc chìa khóa (Kagi, 1956) kể về một giáo sư đại học 56 tuổi và vợ 55 tuổi. Hai bên giấu nhau viết nhật ký tuy biết rằng vẫn ngấm ngầm đọc của nhau. Chồng cảm thấy bất lực về tình dục, tìm cách tự kích thích bằng cách gây ra ghen tuông. Vợ cũng lẳng lặng chơi trò ấy một cách có ý thức, khiến cho chồng tìm lại được thú vui; ông quá đam mê mà chết.

Một số tác phẩm chính khác của Tanizaki: Kỳ lân (Kirin, 1910), Những đứa trẻ (Shōnen, 1911), Ác ma (Akuma, 1912), Chữ Vạn (Manji, 1930), Yêu trong bóng tối (Mōmoku Monogatari, 1931), Cầu mộng (Yume no Ukihashi, 1959)…

* * *

Akutagawa Ryūnosuke (1892-1927) là nhà văn cận đại, nổi tiếng cả ở nước ngoài, nhất là từ khi bộ phim Rashōmon dựa vào truyện của ông (Rashōmon - Lã sinh môn, 1915) được giải thưởng quốc tế. Ông học văn học Anh, dạy tiếng Anh và sáng tác. Ông cố gắng kết hợp văn hóa châu Âu và văn hóa Nhật.

Tuy thấm nhuần văn hóa phương Tây, ông thường lấy đề tài rất đa dạng trong văn học cổ Nhật và Trung Quốc. Ông để lại trên 140 tác phẩm (nhiều nhất là truyện ngắn), các bài tiểu luận và thơ. Ông đi một con đường khác với văn học cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Nhật Bản, không chạy theo đề tài phương Tây và những khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa, vô sản và cá nhân lãng mạn (văn học cái Tôi).

Tác phẩm của ông trở về gốc truyện truyền thống nhưng phân tích tâm lý hiện đại, miêu tả khách quan, pha trộn hiện thực và huyền ảo, văn chương hoa mỹ nhưng súc tích, bố cục chặt chẽ. Ông đả kích sự ngu ngốc, giả dối, tham lam của giai cấp tư sản trong Mori tiên sinh (Mori Sensei, 1919), Mảnh đất (Tochi no Ichibu, 1924)...

Những năm cuối đời, tác phẩm của ông phản ánh sự sợ hãi điều bất trắc, do ông bị ám ảnh bởi bệnh điên của bà mẹ; ông sợ mất khả năng sáng tác. Lại thêm có cuộc khủng hoảng của trí thức tư sản trước thế đi lên của chủ nghĩa quân phiệt phát xít. Ông uống thuốc tự tử năm 35 tuổi, để lại vợ và ba con.

Một số tác phẩm chính khác của ông gồm: Tuổi già (Ronen, 1914), Cái mũi (Hana, 1916), Bức bình phong địa ngục (Jigokuhen, 1918), Tập truyện Sợi tơ nhện (Kumo no Ito, 1918), Phong cảnh núi thu (Shuzanzu, 1921), Trong rừng trúc (Yabu no Naka, 1922), Biệt thự Genkaku (Genkaku Sanbo, 1927)...

Năm 1935, một người bạn của Akutagawa Ryūnosuke, nhà văn kiêm chủ xuất bản tạp chí Shinshichō tên là Kikuchi Kan (1888-1948), sáng lập ra giải thưởng văn học thường niên mang tên Akutagawa Ryūnosuke trao cho các nhà văn trẻ tuổi. Gần 90 năm nay, giải vẫn là một danh dự tối cao đối với người cầm bút Nhật Bản.

* * *

Shiga Naoya (1883-1971) là nhà văn có ảnh hưởng lớn đến văn học Nhật hiện đại, được công nhận là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực. Văn phong của ông kết hợp cái đẹp với những rung cảm và phân tích tâm lý rất tinh tế. Tác phẩm của ông chủ yếu thuộc loại tiểu thuyết tự thuật (cái Tôi), lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật bình thường hàng ngày với những chi tiết tỉ mỉ, rất thịnh hành trong văn học Nhật Bản hiện đại.

Thí dụ, trong truyện ngắn Ở Kinosaki (Kinosaki de, 1917), một bệnh nhân trẻ mới thoát nạn xe lửa, điều trị ở một viện điều dưỡng miền núi, suy nghĩ về cái chết và số phận con người khi nhìn thấy con ong chết, con chuột bị ném khi bơi ở dưới nước, một con thằn lằn vô tình bị ném chết.

Năm 1895, mẹ ông qua đời, mùa Thu cùng năm đó, cha ông tái hôn là những sự kiện và bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết tự truyện Cái chết của mẹ và người mẹ mới (Haha no Shi to Atarashī Haha, 1912).

Ông cũng chịu ảnh hưởng của Truyện cổ Andersen và viết Cải dầu và tiểu thư (Nanohana to Komusume, 1913), tùy bút Giọt nước trên sông Nile (Nairu no Mizu no Hitoshizuku, 1969) đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp viết văn của ông.

Một số tác phẩm tiêu biểu khác của ông gồm: Nơi mũi đất pháo đài (Ki no Saki Nite, 1920), Hòa giải (Wakai, 1917), Thần của cậu học việc (Kozou no Kami-Sama, 1920), Đường lộ đêm đen (Anyakouro, 1921 và 1937), Ánh trăng màu xám (Hai’iro no Tsuki, 1946)...

(còn tiếp)

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muoi-hai-the-ky-van-hoc-nhat-ban-ky-4-237902.html