Mừng Đảng thêm tuổi mới
Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức cộng sản ở nước ta thống nhất trở thành một Đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng đã giải quyết triệt để những băn khoăn, bế tắc của nhân dân Việt Nam trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.
“Thanh xuân” vinh quang
Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đó là khi từng “hồi trống trận” của cao trào cách mạng 1930-1931 làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai. Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) kết thúc thắng lợi bằng Cách mạng Tháng Tám 1945.
Thắng lợi này phá tan sự thống trị của thực dân gần 100 năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỷ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Khái quát ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Trong những năm tháng “thanh xuân”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang đến rất nhiều thắng lợi cho dân tộc, cho đất nước: 24 tuổi đánh đuổi thành công thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1954); 45 tuổi đánh thắng giặc Mỹ, xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954-1975).
Không để già cỗi
Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11/5/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc. Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm, như: Không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hóa khá nặng...”.
Vốn là một thực thể sống, Đảng sẽ có đúng, có sai, có ưu, có khuyết, cũng mắc sai lầm. Suốt mấy mươi năm hòa bình, ở độ tuổi “trung niên”, Đảng mạnh dạn thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ năm 1975 đến nay), cầu thị sửa chữa khiếm khuyết của mình. Nhờ vậy, từ một đất nước không được ai công nhận sau Cách mạng Tháng Tám, thì nay Việt Nam đã có quan hệ với 189/193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Từ một đất nước bị lệ thuộc, thì nay Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Tiếng nói của Việt Nam trên nhiều diễn đàn lớn được quốc tế trân trọng lắng nghe. Từ một dân tộc phải gánh chịu nạn đói năm 1945 làm chết hàng triệu người, nhiều năm qua, Việt Nam trở thành đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới…
Năm nay, Đảng bước vào tuổi 93, vẫn còn rất trẻ trung so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Tuy nhiên, không phải cứ “sống lâu” sẽ được lên “lão làng”; không phải thành tích của quá khứ sẽ minh chứng mãi mãi cho vị thế Đảng trong tương lai, nếu Đảng dần mang tư duy già cỗi, đi ngược xu thế.
Trong tác phẩm “Tự chỉ trích” (năm 1939), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ để lại kinh nghiệm hết sức quý báu, giá trị mãi đến hôm nay: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: Xu hướng “tả khuynh” cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng; xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng lãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”. Hai khuynh hướng ấy luôn là nguy cơ thường trực, làm suy yếu Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng.
Trong giai đoạn cách mạng mới, bên cạnh thời cơ, vận hội mới, dân tộc ta đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó. Do vậy, tiếp nối tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), đến khóa XIII, Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong đó, đặt yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở mức độ cao hơn, gắn chặt việc phòng ngừa với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện trên các mặt (chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, tác phong) của cán bộ, đảng viên. Tất cả hướng vào kỳ vọng tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mung-dang-them-tuoi-moi-a354371.html