Mùi nhiệt đới
Ta đâu hay nhiệt đới len lỏi vào ta từ buổi bào thai, định dạng rồi thành... thứ 'con người nhiệt đới'.
Thế nhân trao đời mình cho miền nhiệt đới, như ta, như em, là cư dân ở Nam bán cầu ven bờ Thái Bình Dương. Là bầu trời, là muôn loài, là mặt đất, là sông, là rừng, là những dải phù sa châu thổ, là thượng nguồn điệp trùng xa kia; là những TP, là làng mạc, phồn hoa hoặc heo hút. Trong thế giới nhiệt đới mà nhiều bận chẳng cần hoài tâm đến nó, hoặc quen quá hóa thường, hoặc quên để ý đến dẫu nó có là cái gen của không gian tồn sinh. Có lúc ta chợt bừng tỉnh. Rằng, thì ra mùa màng, cây trái không đơn giản là mưu sinh, kinh tế, nông nghiệp, xã hội, hay GDP, mà ta nghe ra đất trời trong đó...
Thế giới nhiệt đới, quê hương nhiệt đới của tôi. Vỡ ra một trời luôn quen luôn lạ. Vỡ ra tâm hồn chốn xứ. Khí trời, mây và gió, nắng và mưa, khô và ẩm, nóng và lạnh, mát và nực, hoang và ấm. Mưa thênh thang và nắng bao la. Mưa hào phóng và nắng nghĩa khí. Mùa nối mùa. Nhiệt đới trùm xuống đất đai. Trùm tất cả. Ta phanh ngực ra trước quê cõi nhiệt đới, ôm vào mọi thứ nơi nó. Nam bán cầu này, vật thể nào cũng “tắm” trong nhiệt đới mà. Linh hồn nào cũng “ướt sũng” nhiệt đới. Ta đâu hay nhiệt đới len lỏi vào ta từ buổi bào thai, định dạng rồi thành... thứ “con người nhiệt đới”. Mà nói chuyện xa xôi ấy làm quái gì chứ. Cận cảnh đơn sơ chỉ có thể là vườn tược, cây trái của ta, của người, của cái “không gian xã hội” gọi là đất nước ấy, bản quán đấy. Ta nghe hơi thở tự nhiên lặng thinh âm thầm liên thông thượng nguồn dòng Dà Đờng (sông Đồng Nai) cùng nữa là dòng Sêrêpôk - Mekong kia với hạ nguồn ở cửa Cần Giờ hay Cửu Long giang bên bờ đại dương dưới xa xanh đó. Những xê dịch rất lặng lẽ, như hơi thở người tình.
'Chất'!
Em biết không, trái chuối laba trồng ở Dà Guri, La Dày (Bình Thuận) trước lúc chín sắc diện nó có màu xanh bóng mởn. Ấy vậy mà cách nhau một con đèo ngắn, đèo Dà Mi, vượt qua tiểu địa khí hậu nhỏ nhoi đó để vào địa phận Lộc Nam, Lộc Thành (Lâm Đồng) thì màu trái chuối cùng chủng giống kia lại mang màu xanh sẫm có phủ thêm tí phấn trắng. Và phẩm chất trái chuối chín cũng khác khi ăn vào, rằng trái nghiêng về phía miền đất thấp thì thịt xốp, thơm lừng và ngọt bén, còn trái nghiêng về phía núi thịt dẻo dai, thơm đằm và ngọt dịu lại. Trái măng cụt cũng thế, mà trái bơ, vú sữa, sầu riêng... cũng vậy, theo sự xê dịch của tiết khí mà chúng hấp thụ “liều lượng” nhiệt đới theo cách khác nhau để hình thành hình thái, cấu tượng, vi lượng, sắc tố, tổng hợp chất cùng định dạng mùi vị, hương sắc. Nhiệt đới là nhảy múa, sinh động. Nhiệt đới từng tế bào đến nhiệt đới từng nấc, từng bậc đất đai, từng mặt phẳng băng đến từng đường đồng mức, từng cao trình tiết khí, gió qua, nắng lên, nắng tắt, mưa về, đêm sang.
Miền đất thấp, nơi phù sa châu thổ thì nhiệt đới keo quánh lại, còn dịch lên vùng bán sơn địa, rồi cao nguyên trên nữa thì nó nới ra theo độ loãng dần của không khí. Như vườn sầu riêng kia trong chu kỳ năm ta thấy nó bắt đầu rộ chín từ vùng nóng ẩm cao độ miền Tây Nam Bộ vào độ tháng 3, tháng 4. Rồi thì mới đến lượt những vườn sầu riêng trên Đồng Nai chín vào tháng 5. Sau thêm nữa mới tịnh tiến, dịch “mùa chín” lên nơi cao hơn là Dà Hoai (Lâm Đồng) rồi Đắk Lắk và sau chút nữa mới lần lượt đến Bảo Lộc, Đắk Nông và “hạ màn mùa” bằng rộ chín ở cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) và Pleiku (Gia Lai) vào tháng 9, tháng 10. Nên nó khiến người ta có cảm giác sao mà mùa sầu riêng kéo dài đến thế, dân gian nói quá “cứ như hoài không hết mùa!”.
Hiển nhiên trước đó vào độ kỳ bông thì những vườn sầu riêng ở miền Tây bao giờ cũng trổ trước trong sự thích ứng với từng tiểu địa khí hậu ấy. Cách trổ bông của cây ở từng nơi cũng khác, dưới kia thì vỡ òa, còn miền cao thì dần dần, rê ra, theo đợt, chậm rãi, thong dong. Càng đa dạng địa hình, đa dạng sinh thái... thì xứ sở càng bày ra trên “cái mâm nhiệt đới” này rằng muôn dáng, muôn vẻ, muôn thì, muôn lứa, muôn vụ. Những khúc quanh nhiệt đới. Nhà nông học hiểu điều này. Nhà khí hậu học hiểu điều này. Nhà sinh thái học hiểu điều này. Nhà nông hiểu điều này. Nhưng thương lái trái cây là người hiểu nhất về sự xê dịch đó (!).
Song, thế mà hiểu đến tuyệt đỉnh thì chỉ có loài ong. Quan sát hành trình thiên di tìm các loài hoa để lấy mật của nó theo sự tính toán bí ẩn và khả năng cảm thụ trời đất thiên bẩm chính xác đến tuyệt đối của nó về mùa màng thì thấy nghiệm của phương trình tự nhiên này mà.
Chẳng sức nào mà thống kê cho hết những giống loài cây trái ở miền nhiệt đới. Chỉ cần hiểu rằng là miền dồi dào trái cây, sản vật xưa là từ tự nhiên và nay là từ canh tác. Nguồn trái cây cứ như không bao giờ đứt đoạn, giống loài này dứt mùa thì được nối bằng mùa của giống loài khác. Dừa thì quanh năm, chuối, đu đủ... thì bốn mùa và như loài chanh dây kia chỉ cần thả đoạn thân giống xuống đất và chăm tưới là sau đấy có trái hái bất cứ lúc nào trong năm. Suốt ba tháng 3, 4, 5 là mùa của bơ 034. Nó đang “quậy tưng” các làng quê phương Nam thì đã trỗi dậy mùa của măng cụt, rồi chôm chôm, sầu riêng kể từ tháng 5 và 6. Sầu riêng là “quậy” nhất, lê thê như đã nói. Nó đang mùa thế, bỗng mùa bơ booth trái dáng tròn vo kia chen vào trong tháng 9. Vào kỳ Tết thấy bao la bưởi, xoài, mãng cầu, đu đủ, cam, dưa hấu cùng bao loại trái cây khác, thế mà ra Giêng đã “náo động” ê hề bởi mới... chính thức vào mùa dưa hấu, thanh long… Mùa trái cây này như nối vào mùa trái cây kia, chủng loại này nối vào chủng loại kia; vườn tược, ruộng rẫy, trang trại chỗ này nối vào vườn tược, trang trại nơi kia. Khả năng tự học hỏi, mày mò, sáng tạo, tìm “đường sinh tồn” của dân cày nhiệt đới là bất ngờ và vô hạn. Nên trái cây thuận theo tự nhiên bỗng một ngày hợp đàn cùng trái cây trái vụ. Trái cây trái vụ là nông dân đang “làm xiếc” trên đất đai đó em. Trời đất nhiệt đới thường xanh luôn làm việc sao cứ như nó “sợ” mất ngôi đa dạng sinh học vào tay miền ôn đới xa xôi nào đó zdậy hè, dù biết rằng điều đó không bao giờ diễn ra! Đời sống sinh học không bao giờ dừng lại, thì khí hậu, thời tiết, mùa màng đâu có giải lao, nghỉ ngơi. Cái thế giới không cần “ngủ đông”, không vướng vào băng giá. Cái không gian miệt mài lao lực.
'Hương'!
Em cắn vào trái xoài Cam Ranh, đầu lưỡi em bỗng dừng lại khoảnh khắc, là nó đang muốn cảm thụ cái vị ngọt chua tha thiết của đó. Và mùi hương kia thì “đánh” thức mũi em, bắt phải “làm việc”. Nó như trái dừa Bến Tre kia từ trời xanh rớt cái bịch và ngay đấy từ miệng đến bụng em lịm đi một làn nước thơm mát lành lúc uống. Nó như trái sầu riêng mới tách ra, nhìn vào những múi vàng om của nó đang đợi đấy làm các giác quan của em không cho em “bình tĩnh” được thêm nữa, dù biết đa phần con người ta khứu giác trỗi dậy với sầu riêng ngay từ khi thoáng nắm được dư hương phất phơ của nó. Mà có riêng gì sầu riêng đâu em, khi con dao tách giáp một vòng tròn, màu trắng bên trong của trái măng cụt nó hơ hớ như thế kia. Em tắm mùi bưởi Năm Roi (miền Tây) như em say mùi quýt Đắk Nia (Đắk Nông). Em cười thầm bẽn lẽn với trái bơ béo ngậy 034 (của xứ B’lao) mang hình dáng cực kỳ sinh thực khí nhưng em dễ thương vô vàn khi nhăn mặt lại từ vị chua của trái mác mác (chanh dây) trồng bên bờ sông Krông Nô.
Cho dù em có là thị dân 10 năm, 45 năm, 350 năm, hay những ngàn năm rồi thì cuộc đời em vẫn không thể thiếu “nợ nần” với hương vị nhiệt đới, trái cây. Nó luôn mời mọc môi lưỡi, bụng dạ và tâm trí em từ nơi chợ cóc, chợ to, siêu thị xa xỉ, xó hẻm, lề đường hay đến những quang gánh, chiếc xe cọc cạch người ta đẩy nó đi trên hàng phố. Em mượt mà như thế, chân dài như thế, da dẻ hồng hào như thế và thông minh như thế đố tính sổ được bao phần là nhờ vào (ăn) trái cây, còn lại bao phần thuộc về công của thịt cá, gạo cơm, rau cỏ.
Và những em gái ở đồng nội, rẫy cao kia ơi, các em thì chắc chắn in hình hài cây trái rồi, trong vị chua, ngọt, mặn, mát, nóng, đắng, cay và hương thơm mưa nắng kết tinh vào. Chốn phàm trần này chỉ có vị thì cụ thể ra, mô tả được, chứ còn “hương” thì bất khả, không cho đi đến cùng. Chỉ có thể là “thơm như...”, chứ không thể “thơm là...”. Hương là cao xa, thuộc về vời vợi, không hình dạng, không vật lý, như hương từ trái của cây kia. Vượt trên sinh lý học thực vật hay khoa học phân tích hóa sinh thì trái cây chính là sự kết tinh kỳ diệu của mưa nắng, ánh sáng và bóng đêm. Là trường ca chốt lại của đất đai, sức người và tình yêu cuộc sống qua chân tay cần mẫn và tâm hồn của dân cày. Tuyệt vời và cao cả là em thấy chưa, dân cày bao giờ cũng lặng lẽ, khiêm nhường, không cần “sân khấu đời”, lùi lại để những doanh nhân, thương lái, thương hiệu, nhà buôn lộ diện, chồm ra phía trước nhận lấy hào quang. Vượt lên trên tính áo cơm, của cải và hưởng thụ vật chất cho thân xác thì nó là hương của “tình người”, lao động.
Có dịp du lịch Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Canada, Paris, London, Siberia... bước vào những siêu thị trái cây ở nơi ấy là em nhớ Đông Nam Á thôi, nhớ về những mảnh lục địa bên Thái Bình Dương khi em trông thấy tín hiệu nhiệt đới trên những kệ hàng. Có thể tự dưng em ấm áp và có thể em thấp thoáng tự hào. Hương xa đó em. Hương kề môi đó em. Hương vị sâu thẳm là hương vị quê quán…
Ta đơn sơ thì cứ dõi theo “miền” cây trái gắn bó nhiều đời.
Nguồn PLO: https://plo.vn/mui-nhiet-doi-post775437.html