Mục sở thị cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên ở nhà thờ kiến trúc Gothich nhưng mang tên một loài hoa Việt

Cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam được in vào năm 1651 tại Roma (Italia) còn nguyên vẹn đã tồn tại 372 năm. Cuốn sách mang trong mình đầy bí ẩn thú vị này đang được lưu giữ tại nhà thờ cổ mang tên một loài hoa Việt - Mằng Lăng - thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, như một chứng nhân lịch sử, một công trình kiến trúc đặc sắc nằm trên mảnh đất 'Hoa vàng trên cỏ xanh' nổi tiếng của Phú Yên.

Linh mục Phero Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng tiếp chúng tôi trong căn phòng dành để tiếp khách quý của nhà thờ Mằng Lăng có bài trí nhiều cổ vật. Đáng chú ý nhất là chiếc bàn trà kê ở giữa phòng được làm bằng gỗ mằng lăng rất cũ kỹ và đang được sử dụng. Đây là chiếc bàn tồn tại đã 132 năm, được cưa từ một thân gỗ mằng lăng lớn tại chính vị trí xây ngôi nhà thờ này.

Xung quanh vị linh mục, vô số hiện vật quý mang tính lịch sử, lý giải và minh chứng tiến trình hình thành phát triển của tôn giáo, đời sống con người khu vực Nam Trung bộ do chính ông sưu tầm, gìn giữ. Duy chỉ có cuốn sách cổ có tựa đề Phép giảng 8 ngày in tại Roma, ông được kế nhiệm lưu giữ bảo quản, vì đó là tài sản của nhà thờ Mằng Lăng

Linh mục Trương Minh Thái mở từng trang sách ra ngoài ánh sáng, chỉ cho tôi dấu in chìm trong cuốn sách của nhà in Vatican vào thời điểm năm 1651. Đây là dấu tích khẳng định bản in gốc được chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang về Roma in những tài liệu đã biên soạn của mình thành cuốn sách này và in tại nhà in Vatican rồi lại mang sang Việt Nam, sử dụng nó trong các buổi giảng đạo của mình.

Vào thời điểm đó, kỹ thuật in chìm trong giấy mà chữ hoặc dấu chìm chỉ hiện lên khi đưa trang giấy trước nguồn sáng là một trong những kỹ thuật in tiên tiến chỉ có vài nhà in hiện đại trên thế giới có được. Cho đến bây giờ, chính vì sở hữu đặc điểm đặc biệt đó, cuốn sách càng trở nên có giá trị và trở thành vật tích muốn nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ và sử học trên thế giới.

Cuốn sách hiện nay đã nhuốm màu thời gian, nhưng mực in vẫn rõ ràng, được bọc ngoài bằng vải và trông không khác gì so với hàng vạn bản in tái bản sau này của cuốn sách.

Linh mục Trương Minh Thái cho biết trước đây, đã có thời gian cuốn sách được trưng bày trong khu tưởng niệm linh mục Alexandre de Rhodes để mọi du khách và giáo dân đều được thưởng lãm. Alexandre de Rhodes là giáo sĩ truyền giáo kiêm nhà ngôn ngữ học châu Âu sống ở giữa thế kỷ XVII đã có công quy chuẩn hóa chữ quốc ngữ từ việc phát minh dùng chữ quốc ngữ trong giảng đạo và biên soạn giáo lý của nhóm các nhà truyền giáo và giáo dân ưu tú ở vùng Nam Trung bộ lúc bấy giờ. Sau đó, lo sợ cuốn sách bị mục nát và hỏng vì thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, Linh mục Trương Minh Thái lưu giữ bản gốc cuốn sách trong hộp kín và chỉ trưng bày cuốn phiên bản.

Linh mục Trương Minh Thái chỉ cho chúng tôi xem dòng chữ ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ). Cuốn sách được in tại Roma năm 1651, được tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Đây là cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên với 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột. Dưới đó, dòng chữ tiếng Việt vào thời kỳ sơ khai: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rứa tọi, ma beào đạo thánh Đức Chúa Blời", có nghĩa là: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà theo đạo thánh Đức Chúa Trời".

Sở dĩ nhà thờ có tên là Mằng Lăng bởi vì khi xưa nơi đây có rất nhiều cây rừng mọc xung quanh, có một loại cây mọc nhiều nhất đó là cây Mằng Lăng nên người dân đã lấy tên của loài cây này để đặt tên cho nhà thờ.

Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư người pháp, nhà thờ Mằng Lăng mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc Gothic – phong cách kiến trúc tại châu Âu cách đây 1.200 năm. Giới kiến trúc trong nước đánh giá rất cao lối kiến trúc độc đáo của nhà thờ Mằng Lăng vì đó là sự hòa quyện giữa lối kiến trúc văn hóa châu Âu và những chi tiết trang trí mang đậm văn hóa Việt. Tuy đã hơn 120 năm tuổi, những chi tiết đến nhỏ nhất đến nay vẫn còn hầu như nguyên vẹn.

Tiềm năng du lịch bí ẩn của nhà thờ Mằng Lăng được thể hiện ở những thiết kế độc lạ và bắt mắt. Sự xuất hiện của đường nét nghệ thuật châu Âu hài hòa với phong cách truyền thống thể hiện ở những nét đẹp đặc trưng không thể che giấu.

Kiểu thiết kế lãng mạn mang phong cách châu Âu là những gì mà người ta nhìn thấy bên trong nhà thờ Mằng Lăng, hệt như những công trình đặc sắc khác mà vốn dĩ trước đây bạn chỉ thấy trên tivi, báo đài. Những công trình lấy cảm hứng theo kiểu xây dựng Gothic này đã có từ trước đó rất nhiều và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Có thể bạn chưa biết kiến trúc Gothic chính là kiểu thiết kế đặc sắc đã có từ cách đây khoảng 1200 năm TCN.

Lạc bước giữa châu Âu là điều mà người ta thường nói nhiều khi tham quan và du lịch nhà thờ Mằng Lăng. Chính giữa nhà thờ có một cây thập tự giá và hai bên nhà thờ là hai lầu chuông khác nhau. Thập tự là biểu tượng của nhà thờ trong thánh đường. Những thiết kế mở giữa 2 không gian thuộc gian chính của thánh đường cũng theo đó mà trở thành điểm nhấn ấn tượng.

Ngoài nét đẹp cổ kính, nhà thờ Mằng Lăng còn là nơi đang lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Ðến thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính, tận mắt chứng kiến cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của nước ta chắc chắn mang lại nhiều điều thú vị và ý nghĩa cho du khách khi về đây tham quan.

Hồng Vĩnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/muc-so-thi-cuon-sach-in-chu-quoc-ngu-dau-tien-o-nha-tho-kien-truc-gothich-nhung-mang-ten-mot-loai-hoa-viet-post1595987.tpo