Mức lương tối thiểu hay mức chịu đựng tối đa?

Đã qua nhiều phiên họp với nhiều tranh cãi về tăng lương tối thiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Tăng thì rõ rồi, nhưng tăng bao nhiêu cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho cả hai phía mới là chuyện đau óc.

Công nhân trên dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Và điều mà công nhân lao động đang đau đầu, đó là các cơ quan, tổ chức bàn chuyện đâu đâu không biết, nhưng cái mà người ta gọi là tối thiểu vẫn chưa được định nghĩa chính xác. Tối thiểu phải được hiểu chí ít là đủ sống, không giật gấu vá vai, không “vay nợ lắm khi tràn nước mắt”, không phải nhịn thuốc thang khi lâm bệnh tật.

Trước thực tế cuộc sống của đa số người lao động, có thể định nghĩa, mức lương tối thiểu mà công nhân nhận hiện nay chính là mức chịu đựng nghèo khổ tối đa. Họ đang chịu đựng để sống hơn là sống ở mức bình thường của một con người.

Cho nên, dù đứng ở góc nhìn nào của hai bên tranh cãi, thì cũng có điểm chung là giải thoát người lao động ra khỏi cái mức chịu đựng sống này càng sớm càng tốt. Hãy trả cho họ cái mức lương để họ được trở về với đời sống bình thường của một con người với đầy đủ ý nghĩa của hai chữ con người, cho dù ở mức tối thiểu trong mặt bằng thu nhập của xã hội.

Tất nhiên khi tăng lương, doanh nghiệp phải chịu áp lực về tài chính, ảnh hưởng đến nguồn vốn tích lũy để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng con người không phải cái máy, có thể ép giá để trả với giá rẻ nhất có thể, vì vậy phải tính đúng, tính đủ chi phí lao động, chưa nói đến những khoản chi phí hỗ trợ khác. Tái đầu tư sản xuất không thể loại trừ tái đầu tư sức khỏe của người lao động.

Một mâu thuẫn kiểu như con gà và quả trứng, đó là tăng năng suất lao động rồi mới tăng lương, hay tăng lương để tăng năng suất lao động? Nhưng thực tế cho thấy, tăng năng suất lao động không hoàn toàn phụ thuộc vào người lao động, mà trên nền tảng của sự thay đổi công nghệ năng lực quản trị, tổ chức quy trình lao động hiệu quả hay không? Các vấn đề này hoàn toàn thuộc về sự chủ động của doanh nghiệp.

Nhưng để doanh nghiệp có thể tăng lương cho người lao động ở mức lý tưởng, còn có một điều kiện khác rất quan trọng, đó là làm sao giảm bớt chi phí bôi trơn. Tiền để chung chi cho các cửa công tiêu cực mà doanh nghiệp phải bỏ ra mỗi năm không nhỏ, nếu không đút lót thì có thể bù đắp vào thu nhập cho người lao động.

Tham nhũng, tiêu cực có vẻ như là ăn vào túi tiền của doanh nghiệp, nhưng thực ra là ăn bớt đi chén cơm ít ỏi của người lao động nghèo khổ.

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/muc-luong-toi-thieu-hay-muc-chiu-dung-toi-da-689966.bld