Mùa thu hoạch trái cây và nỗi niềm của nông dân, HTX

Gần đây, nhiều người tiêu dùng vui mừng vì được thỏa sức mua sắm, tận hưởng trái cây tươi ngon giá rẻ. Thế nhưng, đằng sau sự 'rẻ bất ngờ' ấy là sự lo lắng của hàng triệu nông dân, HTX vì tình cảnh được mùa, rớt giá vẫn lặp lại.

Trên thị trường những ngày này, nhiều người dễ dàng mua vải thiều 8.000-10.000 đồng/kg, mít Thái chưa tới 5.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc cũng xuống giá, đến sầu riêng – mặt hàng từng được săn đón nay nhiều nơi cũng bán đại trà dưới 50.000 đồng/kg.

Lỗ hổng kho lạnh và bảo quản

Điều này cũng được chứng minh bởi số liệu của Bộ NN&MT, xuất khẩu rau quả tháng 6 ước đạt 750 triệu USD, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 2,24 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2024.

Năm 2024-2025, sản lượng nhiều loại trái cây tăng mạnh nhờ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân, HTX áp dụng kỹ thuật mới, và mở rộng diện tích trồng. Đây tưởng chừng là tin vui, nhưng lại trở nỗi buồn với nhiều người sản xuất khi thị trường trong nước không thể tiêu thụ kịp.

Người dân Việt Nam dù rất thích ăn hoa quả, nhưng một ngày chỉ có thể tiêu thụ một lượng nhất định. Khi cả vùng, thậm chí cả nước cùng lúc chín rộ một loại trái cây, nguồn cung vượt quá xa cầu, dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa. Áp lực giải phóng sản lượng khổng lồ trong thời gian ngắn khiến giá giảm sâu.

Trung Quốc từ lâu vẫn là thị trường tiêu thụ hoa quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi theo hướng siết chặt về kiểm dịch, yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đạt chuẩn…

Những quy định mới này, dù hợp lý về mặt chất lượng, nhưng lại tạo ra rào cản lớn cho nông sản Việt Nam, tạo ra sức ép lên thị trường nội địa vốn đã dư thừa.

Vải thiều đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng số lượng vẫn còn nhỏ.

Vải thiều đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng số lượng vẫn còn nhỏ.

Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai) Nguyễn Thế Bảo, cho biết khi đến vụ thu hoạch, áp lực thời gian trở thành kẻ thù lớn nhất của nông dân, HTX. Nếu không bán kịp, hoa quả sẽ hỏng rất nhanh, đặc biệt là những loại chín nhanh như xoài, mít... chỉ có thể bảo quản trong vòng 48-72 giờ sau khi hái. Điều này đặt nông dân, HTX vào thế bị động hoàn toàn.

Trong khi thương lái nắm rõ điểm yếu này đã tận dụng để mặc cả, ép giá tận đáy. Họ biết rằng nông dân, HTX không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán càng nhanh càng tốt, dù giá có thấp đến đâu đi chăng nữa.

Một trong những thực tế đau lòng và là lỗ hổng lớn nhất trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng về kho lạnh và hệ thống bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay, rất ít nông dân hoặc HTX có khả năng đầu tư vào kho lạnh hay áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến. Hầu hết hoa quả sau khi hái đều phải tiêu thụ ngay.

PGS TS Trần Lan Hương, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc áp dụng công nghệ bảo quản, kho lạnh đã có ở HTX, doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa nhiều.

Điều này là trái ngược hoàn toàn với các nước xuất khẩu nông sản mạnh trên thế giới như Thái Lan, Úc, Chile. Tại đó, hệ thống kho lạnh hiện đại cho phép trái cây được giữ tươi trong 2-3 tháng trước khi xuất khẩu, giúp nông dân và doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về giá và thời điểm bán ra thị trường.

Tại Việt Nam, khi không thể bảo quản lâu, không có chỗ trữ, nông dân-HTX buộc phải bán nhanh, bán rẻ. Đây là một trong những lý do cốt lõi khiến họ luôn bị động trước biến động thị trường và dễ dàng bị ép giá.

Còn thị trường các nước, nhất là các nước nhập khẩu lại luôn có xu hướng tiêu dùng nông sản, trái cây phải tươi. Như quả chuối xuất sang Mỹ không thể chín và có chấm đen, quả bưởi da xanh cũng phải tươi, vỏ không được héo. Trong khi xuất khẩu trái cây bằng đường biển từ Việt Nam sang một số thị trường hiện có thời gian lên đến 30-45 ngày. Nếu không bảo quản tốt sẽ làm giảm chất lượng và thương hiệu nông sản Việt.

Phát huy vai trò trọng yếu của HTX

Hiện mùa vải thiều đang đi vào những ngày cuối nhưng tiếp đó là mùa mít, mùa nhãn vào cuối tháng 7 đến hết tháng 8 và nhiều loại nông sản khác. Nếu không có giải pháp thì vấn đề khó khăn trong tiêu thụ vẫn xảy ra.

Việt Nam đang nỗ lực mở rộng tiêu thụ nông sản, trái cây sang các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, EU... Tuy nhiên, các thị trường này đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đầy đủ, và đạt các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, HACCP... Đây là điều mà không nhiều nông dân có thể đáp ứng được, khiến phần lớn sản lượng vẫn chỉ quanh quẩn thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa, làm tăng rủi ro khi thị trường truyền thống gặp biến động.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng phát triển HTX, liên kết chuỗi vẫn là một trong những giải pháp then chốt để giải quyết vòng xoáy giá rẻ – bán tháo – lỗ vốn. Ông Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc HTX nông sản sạch Mộc Châu (Sơn La), nhận định HTX có vai trò quan trọng trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc đầu tư hạ tầng quan trọng như kho lạnh. Chi phí xây dựng và vận hành kho lạnh là rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của nhiều HTX quy mô nhỏ.

PGS TS Trần Lan Hương, cho biết một kho lạnh hoạt động hiệu quả, bài bản, chi phí vận hành kho lạnh rất cao. Trong đó, thường tập trung vào chi phí điện năng. Hệ thống làm lạnh tiêu thụ lượng điện rất lớn để duy trì nhiệt độ ổn định, đặc biệt với các kho lớn hoặc cần nhiệt độ rất thấp. Giá điện tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí này. Ngoài ra là các chi phí bảo trì chuyên nghiệp, chi phí nhân công vận hành kho lạnh có chuyên môn, chi phí khấu hao thiết bị, chi phí quản lý và giám sát chất lượng. Bên cạnh đó còn phải tính đến chi phí rủi ro và tổn thất. Mặc dù không phải là chi phí trực tiếp hàng ngày, nhưng rủi ro về sự cố điện, hỏng hóc thiết bị có thể dẫn đến tổn thất lớn về hàng hóa nếu không được kiểm soát tốt.

Trong khi theo khảo sát về các HTX thuộc dự án Youcool, cho thấy số lượng HTX có quy mô vốn lớn còn hạn chế, chỉ có 4,5% có vốn từ 5-10 tỷ đồng và 2,3% có vốn từ 11-50 tỷ đồng. Điều này phản ánh sự thiếu hụt các HTX có tiềm lực tài chính mạnh mẽ để đầu tư vào công nghệ, kho lạnh, mở rộng sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc thiếu kho lạnh khiến vai trò "cứu cánh" của HTX chưa thể phát huy tối đa. Khi không có chỗ trữ hàng, HTX cũng gặp khó trong việc đàm phán giá với đối tác. Để giải quyết vấn đề này, cần có các chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, và phát triển hạ tầng đồng bộ cho các HTX.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn cho các HTX đầu tư vào hạ tầng này. Những chương trình hỗ trợ hoặc ưu đãi cho các HTX, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc bảo quản sau thu hoạch có thể giúp giảm bớt gánh nặng tiêu thụ nông sản.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết hệ thống kho lạnh của HTX dù đã được đầu tư nhưng công suất còn nhỏ so với thực tế năng lực sản xuất nông sản và nhu cầu xuất khẩu. Do đó, HTX và các HTX khác đều mong muốn được hỗ trợ đầu tư các khu sơ chế, bảo quản công nghệ cao vì nông sản Việt Nam hiện vẫn chủ yếu theo mùa vụ.

Giám đốc HTX này cũng cho rằng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho lạnh sau đó cho HTX thuê lại cũng là một giải pháp giúp các HTX giảm chi phí đầu tư và chi phí vận hành.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/mua-thu-hoach-trai-cay-va-no-i-nie-m-cua-nong-dan-htx-1107978.html