Mùa săn 'lộc trời'
Hè về cũng là lúc mùa lấy mật ong rừng 'vào vụ'. 3 tháng nay, trên khắp các cung đường rừng thuộc miền núi xứ Quảng, những lượt thợ len lỏi vào rừng tìm mật dần dày hơn. Dẫu biết rằng nghề đi lấy mật ong rừng lắm gian truân và đầy hiểm nguy rình rập, nhưng chính công việc này đã và đang đem đến cho người dân nguồn thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Hè về cũng là lúc mùa lấy mật ong rừng “vào vụ”. 3 tháng nay, trên khắp các cung đường rừng thuộc miền núi xứ Quảng, những lượt thợ len lỏi vào rừng tìm mật dần dày hơn. Dẫu biết rằng nghề đi lấy mật ong rừng lắm gian truân và đầy hiểm nguy rình rập, nhưng chính công việc này đã và đang đem đến cho người dân nguồn thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Sớm tinh mơ, khi mặt trời vừa ló rạng, nhóm thợ chuyên đi lấy mật ong rừng của anh Nguyễn Khắc Vui (1969, trú H. Đông Giang, Quảng Nam) đã bắt đầu chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Những thành viên trong nhóm hối hả gói ghém đồ nghề, chuẩn bị lương thực, nước uống để bắt đầu cho một ngày săn “lộc trời”.
Hôm nay, nhóm của anh Vui nói là sẽ lấy tổ ong mật gần bìa rừng nhưng thực tế phải đi bộ hơn 3km đường dốc mới đến được điểm lấy mật, lúc này cũng đã 7 giờ sáng. Anh Vui cho biết: Thường thì các tổ mật ong rừng mà nhóm anh đến lấy đã được nhóm đi “dặm rừng” phát hiện từ vài tháng trước. Ở thời điểm đó, bầy ong mới tụ tập thành đàn và bắt đầu làm tổ. Sau khi nắm được vị trí làm tổ của bầy ong, những người thợ ong sẽ âm thầm theo dõi cho đến khi “mật chín” sẽ tiến hành thu mật về.
“Để phát hiện được tổ ong mật, người thợ lấy mật phải am hiểu tập tính của loài ong. Thường thì sau khi lấy mật, ong thường tìm nguồn nước để uống trước khi bay về tổ. Thời điểm ong tập trung uống nước đông nhất là vào buổi trưa nắng hay trời đã xế tà. Lúc đó, ong sẽ bay theo từng đàn nên chúng ta dễ phát hiện ra tổ của chúng”, anh Vui cho biết thêm.
Tổ ong hôm nay cả nhóm sẽ lấy là loại ong dều hung dữ, có nọc độc và tập tính làm tổ trên những cây cao đến vài chục mét. Để lấy được những bánh mật này, người thợ lấy mật phải trải qua nhiều công đoạn như đóng thang, thắt dây, làm đuốc tạo khói xua ong và phải cực kỳ thận trọng, khéo léo mới lấy được trọn vẹn các mảng mật thành công mà không bị ong đốt.
Để bắt đầu công việc, nhóm của anh Vui chia đều nhiệm vụ. Anh Mạc Văn Nhất (trú H. Đông Giang) đảm nhiệm phần việc đóng thang, bện dây thừng Các thanh ngang để đóng thang được lựa chọn từ những loại cây chắc, có độ dai trong rừng. Còn những đoạn dây thừng được đan sẵn trước đó và được nối lại nhằm cố định an toàn các thanh thang. Anh Đinh Văn Hiếu (1993, trú H. Đông Giang) đảm nhiệm việc đi kiếm những cành củi khô, mảnh dẻ, loại dễ bắt lửa cùng hàng chục lá cọ rừng để làm đuốc tạo khói xua ong. Mỗi người một việc, ngót nghét cũng đã đến 8 giờ sáng. Anh Nhất chia sẻ: Đa phần thợ đốt ong rừng thường lấy mật vào buổi sáng, lúc trời lặng gió và vẫn còn hơi sương trong không khí. Bởi lúc này độ ẩm cao khi đốt đuốc sẽ tạo ra nhiều khói sẽ nhanh chóng xua đàn ong bay đi.
Mọi công đoạn đã xong, nhóm thợ lấy mật ong rừng bắt đầu châm đuốc xua ong. Đàn ong như bị “tập kích” bỗng ùa kéo nhau bay lên trời để lại những bánh mật vàng treo lơ lửng trên cây. Đứng trên nhành cây cao chừng 20 mét, tiếng anh Nhất vọng xuống: “Giữ lấy thùng mật cẩn thận, đừng để mật rơi ra ngoài”. Không bao lâu sau, những mảng mật vàng ươm đã nằm gọn trong chiếc thùng sơn. Mọi nhọc nhằn dường như tan biến, nụ cười bắt đầu nở trên môi những người thợ lấy mật.
Sau bữa cơm trưa vội vàng, cả nhóm thợ tranh thủ vắt mật. Từng giọt mật vàng ươm cứ thế chảy qua lớp vải màn mang hương thơm dịu của hoa cỏ núi rừng. Sau khi đã vắt mật xong, cả nhóm tranh thủ đổ vào những chai nhựa chừng 1,5 lít đã được chuẩn bị trước đó. Chỉ vào những chai mật đã được đổ đầy, anh Hiếu chia sẻ: “Chỉ riêng tổ ong này đã được chừng 10 lít mật. Xung quanh đây còn 2 tổ ong mật nữa, nhưng tổ còn khá nhỏ, nên cả nhóm quyết định để ong tích mật thêm hai tuần nữa mới quay lại lấy”.
Cả nhóm ra đến bìa rừng thì trời cũng đã đầu giờ chiều. Như đã hẹn trước, chị Nguyễn Thị Trinh (trú H. Đông Giang) là thương lái chuyên thu mua mật của các thợ lấy mật đón nhóm ở con đường mòn cạnh bìa rừng. Tại đây, mật được thu mua với mức giá 350 ngàn đồng/1 lít. Cầm trên tay số tiền 3,5 triệu đồng, anh Vui vui vẻ nói: “Thành quả của cả nhóm ngày hôm nay mỗi người cũng được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này tôi có thể trang trải cuộc sống gia đình và sắm cho con thêm ít sách vở, bộ quần áo mới”.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_226124_mua-san-loc-troi-.aspx