Mùa quả đỏ rộn ràng trên cao nguyên

Giá cà phê tăng cao khiến người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên vui mừng. Khắp vùng cao nguyên đang vào vụ hái cà phê, niềm phấn khởi mùa thu hoạch rộn ràng trong mong ước mới về một cuộc sống đổi thay.

Cao nguyên vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Bùi Cường

Cao nguyên vào mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Bùi Cường

Niềm vui mùa thu hoạch

Tháng 11, 12 là mùa cà phê chín đỏ. Khi những cơn mưa dầm dần tắt, gió chướng bắt đầu thổi về cao nguyên mang cái hanh khô, se sắt phủ tràn lên những bạt ngàn cà phê chín đỏ, đó là khi đoàn người thiên di từ khắp các ngả quê đổ về Tây Nguyên. Những ngày này, các bến xe ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông nhộn nhịp người từ miền Trung, miền Tây kéo nhau lên. Những chuyến xe nườm nượp chở theo từng đoàn người đi tìm việc, ba lô kĩu kịt trên lưng.

Tại các khu vực như Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê (Gia Lai), các huyện Đăk Hà, Đăk Tô... (Kon Tum), các vùng Cư M’gar, Ea H’leo... (Đắk Lắk), Đắk Min (Đắk Nông)... đều là những vùng chuyên canh cà phê lớn, với sản lượng cao của vùng Tây Nguyên. Hàng trăm ngàn hộ gia đình trồng cà phê cũng đang tất bật cho vụ thu hoạch sau một năm đầu tư, chăm bón. Những tháng gần đây, giá cà phê liên tục tăng cao, hiện đang ở mức 110.000 đến 120.000 đồng/kg. Sự tăng giá này đã mang lại niềm vui lớn cho nhiều nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Khắp các triền đồi, những cây cà phê trĩu quả đỏ rực xen lẫn trong tán lá xanh, vang vọng trong từng vườn cây là những âm thanh tíu tít rộn ràng của người hái quả. Với người trồng cà phê, đây là mùa vất vả nhất nhưng cũng là mùa vui nhất trong năm, bởi họ được thu về thành quả sau một năm vất vả làm lụng. Có người đã ví von rằng, cây cà phê cũng giống như con người, để có trái cà phê đỏ mọng, cây phải thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày; rồi việc chăm sóc cà phê cũng vậy, phải như nâng niu đứa con trong bụng người mẹ, phải nhẹ nhàng, cẩn thận, yêu thương.

Cà phê được mùa, được giá, bà con ai cũng vui mừng. Nhiều người khấp khởi mừng rằng, nếu giá cà phê vẫn cứ duy trì và tăng cao trong mấy năm tới nữa, dân trồng cà phê sẽ giàu lên. Trên vườn cà phê của bà Loan (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đang có gần 10 nhân công tích cực thu hái cà phê. Bà Loan cho biết, với 1,8ha cà phê, vụ năm nay dự kiến thu 30 tấn cà phê tươi, tương đương 6,5 tấn nhân. Với giá hiện ở mức 114.000/kg nhân xô, tiền thu về khoảng 750 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, lãi 400 triệu đồng. “Gia đình rất phấn khởi vì cà phê năm nay được giá. Nếu mấy năm nữa, giá cà phê cứ duy trì và tăng cao, dân trồng cà phê ở Tây Nguyên sẽ giàu lên trông thấy” - bà Loan nói.

Mỗi rẫy cà phê đến mùa thu hái cần rất nhiều nhân công thu hoạch cho kịp vụ mùa. Tại mỗi vườn cà phê, chủ nhà đã làm sẵn một cái lán nhỏ để người làm tự túc việc ăn ở. Thù lao hái cà phê được tính khoán với giá 1.000-1.200 đồng/kg cà phê tươi. Cứ hết ngày thì cân lên, ai hái được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Đôi tay vẫn thoăn thoắt lượm cà phê, chưa từng ngẩng đầu lên nhìn trời, người phụ nữ hái cà phê thuê đến từ Quảng Ngãi nói trong lớp khẩu trang kín rằng, đây là cơ hội cuối trong năm để kiếm tiền, vì mùa cà phê chỉ diễn ra hai tháng là hết. Đây cũng là mùa Tết của những người hái cà phê thuê đến từ khắp nơi. Trời có thể mưa, có thể nắng, có thể lạnh nhưng không ngăn nổi ý chí lao động của đoàn người thiên di đi hái cà phê thuê. Trong cái buốt lạnh và nhọc nhằn trên những triền đồi cà phê, họ cuộn mình vào đó, lặng thầm lao động mà không ngừng khao khát về một cuộc sống no đủ cho ngày rộng tháng dài phía trước. Những người có kinh nghiệm hái cà phê sẽ làm việc tận tâm tận lực, vừa hái, vừa giữ gìn, bảo tồn cây cà phê cho những vụ sau.

Chờ đợi những đổi thay

Tây Nguyên rộng lớn có 5 tỉnh và cả 5 tỉnh đều trồng cà phê với diện tích khoảng 577.000ha cà phê (chiếm hơn 90% diện tích cà phê của cả nước). Cây cà phê là một trong số ít những cây trồng chủ đạo của người dân Tây Nguyên, cùng với hồ tiêu, cao su. Cà phê Tây Nguyên hiện được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (sau Brazil) với sản lượng mỗi năm trên 1 triệu tấn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Việt Nam không chỉ xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới về sản lượng, mà hiện nay, cà phê Việt còn khẳng định vị thế về chất lượng khi đã đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Giá cà phê duy trì và tăng cao sẽ giúp người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên giàu lên. Ảnh: Bùi Cường

Giá cà phê duy trì và tăng cao sẽ giúp người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên giàu lên. Ảnh: Bùi Cường

“Cà phê hái chín 90-99% thì đạt sản lượng cân nặng so với hái non. Giá năm nay cao, gia đình tôi thu hoạch xong, phơi khô, xát nhân bán cho công ty” - ông Rơ Châm Aly (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết. Vườn cà phê của gia đình ông chỉ ở mức trung bình, có nhiều vườn cà phê được đầu tư khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cà phê mới TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12 cho năng suất từ 4 tấn cà phê nhân trở lên/ha. Nhiều vườn cà phê có năng suất cao, chỉ cần hái 2-3 cây là đã đầy một bao 50kg. Cứ thế, hết hàng này đến hàng khác, hết lô này đến lô khác, tay người hái cứ mải miết, tiếng quả cà phê với âm thanh đã trở nên quen thuộc cứ lộp bộp như mưa rơi xuống nền bạt.

Vào mùa thu hoạch cà phê năm nay, với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm” để bảo vệ thành quả lao động của mình. Tùy vào diện tích vườn cà phê rộng hay hẹp mà mỗi rẫy cà phê sẽ có 1-2 người trông vườn hoặc cả gia đình sẽ ở luôn trong rẫy để trông vườn. Những đêm trông vườn, họ thường đốt một đống lửa lớn trước sân nhà trong vườn để xua tan cái lạnh của cao nguyên mùa Đông. Ở đó, sau bữa cơm tối lại có tiếng rì rầm trò chuyện bằng điện thoại, hoặc những bản nhạc phát ra từ những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc radio. Thi thoảng, người trông vườn đi tuần tra một vòng, mang theo chiếc đèn chiếu sáng công suất lớn có thể chiếu sáng xa tới vài trăm mét. Dù có khi phải cả đêm để trông vườn, nhưng người trồng cà phê vẫn vô cùng phấn khởi, bởi những vụ mùa cà phê trĩu quả mang đến cuộc sống ấm no cho gia đình họ và hàng triệu người lao động.

Trong những năm qua, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước và chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cán cân thương mại thế giới. Đến nay, cà phê vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, tạo nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế trên diện rộng. Ngành cà phê Việt Nam từng bước khẳng định vị thế khi lần đầu xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2023.

Minh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-qua-do-ron-rang-tren-cao-nguyen-post484919.html