Mùa mưa bão đến gần, nơm nớp lo sạt lở

Sau trận lũ lịch sử cuối tháng 9/2023, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, hạ tầng giao thông, đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Sự chậm trễ này đang ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Đập tràn Hội Ba, xã Châu Hội nguy cơ bị sạt lở. Ảnh: Điền Bắc.

Đập tràn Hội Ba, xã Châu Hội nguy cơ bị sạt lở. Ảnh: Điền Bắc.

Xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu là một trong những xã ảnh hưởng nặng nề nhất do trận lũ lịch sử cách đây gần 1 năm. Ông Lim Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau trận lũ vào tháng 9 năm ngoái, toàn xã thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm cả thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa màu của người dân và các công trình giao thông, thủy lợi. Đến nay, xã vẫn đang gặp khó khăn với việc khắc phục hoàn toàn hậu quả do mưa lũ để lại, ảnh hưởng tới đời sống người dân, đặc biệt là công trình giao thông.

Từ sau trận lũ tới nay, cây cầu tràn đường liên xã Hội Ba bị sạt lở nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa. Việc cầu tràn hư hỏng nặng khiến giao thông đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây lại là tuyến đường chính để người dân địa phương vận chuyển các nguyên liệu trồng trọt đi các nơi khác tiêu thụ. Cầu dài khoảng 150m, rộng khoảng 8m, sau gần 1 năm bị lũ quét, hiện trạng phần mố cầu một nửa đã bị lũ cuốn, để lại một phần bê tông chênh vênh, hở hoác không còn đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây.

Ông Lang Văn Thắng, người dân ở xã Châu Hội cho biết: “Do cầu hư hỏng nên việc lưu thông gặp khó khăn, nhất là mỗi lúc trời mưa, cầu tràn bị ngập nước, học sinh và người điều khiển phương tiện đi qua tràn rất lo lắng. Chúng tôi có ý kiến lên các cơ quan cấp trên có phương án sửa chữa, nhưng gần 1 năm, cây cầu vẫn chưa được khắc phục”.

Các ụ bê tông nhằm cảnh báo phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm. Ảnh: Điền Bắc.

Các ụ bê tông nhằm cảnh báo phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm. Ảnh: Điền Bắc.

Để tạm khắc phục cho người dân qua lại, chính quyền địa phương vừa lắp biển, vừa đổ những hố bê tông (giảm tốc) nhỏ nhằm cảnh báo cho các phương tiện khi lưu thông qua cầu. Ông Lim Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết thêm: “Cũng bởi thế, cây cầu chỉ còn lại một làn đường hẹp, chủ yếu phục vụ người đi xe máy, xe đạp còn các phương tiện vận tải khác bị hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, đây cũng là cách xử lý tạm thời, về lâu dài cần phải được sửa chữa cố định để không chỉ người mà các phương tiện chở nguyên liệu, nông sản có thể đi qua”.

Cũng tại xã Châu Hội, mỗi lần mưa lũ, tuyến đường liên xã Châu Hội - Châu Hạnh có nhiều điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, vùi lấp, gây ách tắc giao thông thì tại xã này có 40 hộ gia đình sống cạnh suối Tằn, bản Tằn cứ vào mùa mưa lũ lại bị cô lập vì nước suối dâng lên cao, chưa có cầu bắc qua suối để đi lại. Ông Vi Minh Trang - cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Đến nay, nhiều tuyến đường liên xã như tuyến xã Châu Hạnh đi xã Châu Hội; xã Châu Bình đi xã Châu Hạnh; từ QL48D đi vào bản Chớm, xã Diễn Lãm... bị hư hỏng nhưng chưa bố trí được nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục.

Được biết, đợt mưa lũ tháng 9/2023, huyện Quỳ Châu bị thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có gần 1.400 ngôi nhà bị ngập, hoa màu, vật nuôi, công trình giao thông... cũng thiệt hại lớn. Ước tính sơ bộ, sau đợt mưa lũ này, huyện Quỳ Châu thiệt hại hơn 177 tỷ đồng.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mua-mua-bao-den-gan-nom-nop-lo-sat-lo-10283651.html