Mùa cấy

BHG - “...Hạt gạo làng ta, có bão tháng Bảy, có mưa tháng Ba, giọt mồ hôi sa... Nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy...”.

Dừng xe ven đường, tôi săng sái bước xuống bờ ruộng trên cánh đồng Kè Nhạn, xã Đồng Yên (Bắc Quang). Trời cao, xanh ngắt. Dưới ruộng, những người nông dân đầu nón lá, khăn quấn kín mặt, mình đẫm mồ hôi cần mẫn cấy lúa. Những cây mạ non dưới bàn tay thoăn thoắt cứ bám bùn lan dần, rộng ra mãi trên những thửa ruộng tít tắp. Ở phía xa, bóng người cấy lúa cứ dần lóa đi trong chiều nắng gắt. Mới có 3 giờ chiều mà đồng trên, ruộng dưới không khí làm mùa sôi động khắp nơi. Kể câu chuyện làm mùa năm nay, nhiều nhà nông cho biết: Vất vả lắm, nhưng đấy mới là nhà nông. Nhà nông mà, đến vụ dù nắng hay mua vẫn cứ phải ra đồng. Lúa vụ Mùa, cấy sớm ngày nào, hay ngày nấy. Chỉ tay sang đám ruộng bên, một bác nông dân nói: Lúa Mùa, cấy xuống ruộng chỉ qua 3 ngày đã xanh đồng rồi. Trên cánh đồng hăng nồng, những cây mạ non cứ bám bùn thẳng hàng, đều lối lan rộng mãi.

Bà con nông dân Bắc Quang cấy lúa Mùa.

Dưới nắng gắt, một chiếc máy bừa gầm gừ nhả khói. Ruộng muốn cấy được phải bừa đi bừa lại ít nhất 3 lần, rồi san phẳng mới cấy được. Bây giờ làm ruộng đỡ hơn trước vì có máy móc thay con trâu cày. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi sào ruộng làm bằng máy cũng chẳng rẻ chút nào vì dầu, mỡ liên tục tăng giá. Có điều, làm bằng máy nhanh hơn, tiện hơn và kịp thời vụ. Làm nông ngày nay còn nhiều khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn nhất đối với nhà nông hiện nay là nước. Những cánh rừng trước đây nhiều vô kể, kèm theo đó là nước cũng tràn trề bốn mùa. Qua thăng trầm, thời gian con người đã khai thác rừng đi thật nhiều. Chuyển đổi việc sử dụng đất rừng làm kinh tế trước mắt cũng mang lại nhiều thứ cho cuộc sống. Song, chuyển đổi quá nhanh cũng mang lại nhiều điều đáng tiếc. Một bác nông dân tâm sự, việc khai thác đất rừng làm đất sản xuất đã vô hình chung làm mất cân bằng sinh thái. Chục năm về trước, cả vùng này là những cánh rừng vầu, nứa, chuối... Đến nay bị chuyển đổi thành rừng sản xuất trồng keo, mỡ, quế... Rừng ngày xưa giữ được nước, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên. Còn rừng bây giờ thì không có tác dụng giữ nước, chỉ mang lại giá trị từ khai thác gỗ. Và đến khi khai thác hàng loạt thì chỉ còn lại đất trống, đồi trọc. Cánh đồng thôn Kem, Kè Nhạn, Đông Thành... bây giờ đã dần trở thành những cánh đồng “khát”.

Vụ Mùa năm nay là vụ “khát kép” vì En ni nô và những cánh rừng trồng keo, mỡ, quế không giữ được nước. Huyện Bắc Quang xưa nay vốn là rốn mưa của cả nước, vậy mà bây giờ cứ hễ mưa là lũ, mà hết mưa là cũng hết nước ngay tức thì. Mấy ngày trước đây vào mùa cấy, cả làng trên, làng dưới cứ phải thức cả đêm “săn nước”, không tranh thủ thì không có nước để làm mùa. Phải chăng, thiếu nước cấy, cày, nước sinh hoạt ngày hôm nay thì phải tự hỏi lại chính mình, tự trách mình. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang, vụ Mùa năm nay toàn huyện cấy trên 4.700 ha lúa. Bà con khắp nơi trong huyện đang khắc phục mọi khó khăn về nước tưới. Do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, nhiều nơi đã xảy ra hạn cục bộ, làm chậm tiến độ sản xuất. Trước thực tế đó, UBND các cấp đã vận động toàn dân nạo vét kênh mương, gia cố lại đập đầu mối và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống.

Chào người thợ bừa máy, tôi đến bên bác nông dân nhổ mạ. Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt, những bó mạ non cứ xếp thành hàng dài. Hạt thóc, hạt gạo làm ra bây giờ người nông dân vẫn phải đổi lấy từ một nắng, hai sương. Trên những cánh đồng làng đâu cũng thấy nhà nông cày, cấy; người be bờ, người phát cỏ... Quanh đó, có nhiều đám lúa Mùa mới cấy cũng đã lên xanh vẫy chào ngọn gió lành. Chợt nhớ câu ca dao cổ thủa còn đi học vỡ lòng:.. “Ai ơi bưng bát cơm đầy- Dẻo thơm một hạt..!

Trước khi dừng bút, từ trong đáy lòng, tôi mong cho những người nông dân được mưa thuận, gió hòa để cho từng hạt gạo làm ra nuôi sống cả xã hội dẻo, thơm muôn phần...

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202308/mua-cay-16d165d/