Mua bán nhà đất 2 giá: Chuyển hồ sơ sang công an
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng người dân mua bán nhà đất là giao dịch dân sự, nếu vi phạm quy định thì xử phạt hành chính, nếu trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì mới khởi tố hình sự.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 489/2022 về thực hiện quy chế chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra.
Trốn thuế trên 100 triệu đồng sẽ đề nghị khởi tố
Quy chế nêu rõ cơ quan thuế chuyển tin báo về tội phạm, đề nghị xác minh, điều tra; chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra khi phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, có dấu hiệu tội phạm như trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn…
Đáng chú ý, một số hành vi chủ yếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật được Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế chú trọng là hàng hóa, dịch vụ bán ra có căn cứ xác định giá bán, giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá thị trường trong các trường hợp có giá trị giao dịch lớn như chuyển nhượng vốn, bất động sản (BĐS), phương tiện giao thông vận tải...
Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan thuế chỉ chuyển những hồ sơ mua bán nhà đất có dấu hiệu trốn thuế cho cơ quan công an. Cơ quan thuế sẽ dựa trên những thông tin thu thập được qua công chứng, ngân hàng để xác định xem hồ sơ mua bán nhà đất đó có trốn thuế hay không. Mức trốn thuế trên 100 triệu đồng thì mới chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ.
“Cơ quan thuế đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc mua bán nhà đất, hướng dẫn cụ thể, không phải trường hợp nào cũng chuyển” - ông Giao chia sẻ.
Việc chuyển thông tin, hồ sơ phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật, chính xác, khách quan, kịp thời, được thực hiện qua các đơn vị đầu mối tại từng cấp theo nguyên tắc ngang cấp.
Quy chế nghiêm cấm việc lợi dụng quy chế này để làm trái quy định pháp luật và ảnh hưởng đến uy tín của ngành thuế, quyền lợi của người nộp thuế.
Phải tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng người dân mua bán nhà đất là giao dịch dân sự, nếu vi phạm quy định thì xử phạt hành chính, nếu trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì mới khởi tố hình sự.
Ví dụ, ông A bán nhà với giá ghi trên hợp đồng công chứng nộp thuế chỉ 3 tỉ đồng trong khi thực tế giao dịch là 10 tỉ đồng. Mức chênh lệch giá khai nộp thuế và giá bán thực tế lên đến 7 tỉ đồng, tính ra số tiền trốn thuế là 140 triệu đồng. Ở mức này thì ông A sẽ bị khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, ông Xoa cho rằng không nên hình sự hóa những vấn đề thuộc về dân sự. Cơ quan thuế cần phải có đủ cơ sở mới chuyển hồ sơ. Trường hợp chuyển hồ sơ nhưng cơ quan công an điều tra, kết luận không khởi tố hình sự, người dân chịu thiệt hại như bị người mua hủy giao dịch, ảnh hưởng đến uy tín thì cần có quy định xử lý trách nhiệm cơ quan thuế.
Một số chuyên gia cho rằng các địa phương cần xây dựng ngay bảng giá tính thuế cho BĐS để công khai, minh bạch chứ không thể dựa vào sự trung thực của người kê khai. Cơ quan thuế cũng không thể ngồi dò hồ sơ, so sánh giá để thẩm định đúng sai, dẫn đến tình trạng hồ sơ bị dồn ở các chi cục thuế, quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, giá thị trường hiện rất khó xác định chính xác, nếu chỉ dựa trên xem xét của cán bộ thuế thì dễ nảy sinh tiêu cực, lạm quyền, nhũng nhiễu… “Vì vậy, theo tôi, cần phải sửa đổi quy định của luật sao cho thống nhất, tất cả phải tuân thủ theo văn bản quy phạm pháp luật chứ không thể theo văn bản hành chính. Trong trường hợp cơ quan thuế trả lại hồ sơ khai thuế chuyển nhượng BĐS nhưng thực tế người dân bán nhà theo đúng giá thị trường, khai thuế đúng quy định thì phải xử lý trách nhiệm của cán bộ thuế. Hoặc trường hợp hồ sơ khai thuế của người dân được cơ quan thuế chuyển cho cơ quan công an điều tra nhưng thực tế hồ sơ khai thuế đúng, không trốn thuế, hay mức kê khai không đủ cơ sở có yếu tố hình sự thì cũng cần phải xử lý trách nhiệm cơ quan thuế”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng trong thời gian chờ cơ quan điều tra rà soát các hồ sơ thì cơ quan thuế vẫn phải giải quyết thủ tục cho người dân để đảm bảo quyền lợi cho họ. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định xử lý cả bên mua, môi giới, công chứng viên với vai trò đồng phạm nếu biết hoặc tư vấn cho các bên khai giá thấp để trốn thuế.•
TP.HCM đang nghiên cứu xác định giá tính thuế
mua bán nhà đất
Cục Thuế TP.HCM đã báo cáo UBND TP giao cho Sở Tài chính nghiên cứu đề án về việc xác định giá để tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS. Ví dụ như giá bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân thực tế 10 đồng, trong khi theo bảng giá đất của TP chỉ có 2 đồng thì có thể xem xét điều chỉnh hệ số nhân 5.
Tuy nhiên, TP cũng không thể xác định chung được mức giá thị trường khu vực đó là 10 đồng và quy định người dân mua bán khai thuế dựa trên mức giá đó. Vì vậy, trước mắt cơ quan thuế vẫn tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân khai đúng giá bán nhà đất để bảo đảm quyền lợi của chính họ.
Cục Thuế TP cũng đã làm thư ngỏ gửi đến các phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, các chi cục thuế… để người dân tiếp cận, nắm bắt. Hiện đa số người dân đã khai đúng giá bán BĐS thực tế chứ không khai giá quá thấp như trước đây. Thời gian tới, cơ quan thuế vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát những hồ sơ khai thuế chuyển nhượng nhà đất với giá bán quá thấp so với giá thực tế thị trường ở khu vực đó.
Ông THÁI MINH GIAO, Cục phó Cục Thuế TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/mua-ban-nha-dat-2-gia-chuyen-ho-so-sang-cong-an-post677762.html