Một thời không quên qua bộ sưu tập hơn 500 phiếu đi chợ
Những phiếu đi chợ mua hàng hóa, thực phẩm mang giá trị lịch sử. Một năm mới 2022 đã đến, khi nhìn vào phiếu đi chợ sẽ thấy chúng ta may mắn còn tồn tại. Qua cơn đại dịch, con người cần trân trọng hơn cuộc sống này.
Ngày 29/7/2021, chị Quỳnh Trang - chủ một nhà trọ gồm 10 phòng khép kín tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) - đặt tập phiếu đi chợ ở kệ giầy tầng trệt. Sau đó, chị nhắn tin thông báo trên nhóm chat cho các thành viên thuê trọ, mỗi phòng chỉ được lấy 1 phiếu và đi chợ theo ngày ấn định.
6h30 ngày 30/7, Thanh Cường, nhân viên văn phòng đang trọ tại đây, xuống lấy phiếu và nhanh chóng đi siêu thị gần nhà. Đây là lần đầu tiên Cường dậy sớm như vậy để mua thực phẩm, vì phiếu chỉ có giá trị 2 tiếng trong ngày.
Dù cảm thấy bất tiện hay không thì Thanh Cường là một trong hàng triệu người từng trải qua cảm giác cầm trên tay tờ phiếu đi chợ thời Covid-19. Tuy nhiên, không nhiều người lưu lại kỷ vật lịch sử đặc biệt này. Bởi, sau khi dùng phiếu đi chợ xong, hết hạn sẽ bỏ đi. Thậm chí, người dân còn có tâm lý không dám giữ những vật dụng chuyền tay nhiều thời cao điểm dịch.
Anh Huỳnh Minh Hiệp - chủ quán Cà phê Lúa Sài Gòn (quận Phú Nhuận) - lại đi ngược dòng thời gian, lùng tìm và đã sưu tập hơn 500 tờ phiếu đi chợ của quận, huyện tại TP.HCM và đủ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Hành trình đi xin phiếu đi chợ
Anh Hiệp bắt đầu nghĩ đến việc lưu giữ phiếu đi chợ khi cuộc sống tại TP.HCM đã dần trở lại bình thường, không còn giãn cách nên rất khó để có được những tờ phiếu sót lại.
Là người từng tham gia tuyến đầu chống dịch, vận chuyển thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế nên anh Hiệp có cơ hội tới các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM và nhiều địa phương nên anh liên lạc và hỏi xin.
Ít người dân còn giữ lại phiếu nên anh cũng phải nhờ tìm kiếm qua bạn bè, các nhà sưu tập. Trong đó, có những phiếu đi chợ phải gian nan mới sở hữu được.
Cụ thể, khi đủ bộ sưu tập phiếu đi chợ ở các quận, huyện thuộc TP.HCM, nhưng sót huyện Cần Giờ. Anh Hiệp phải xuống tận nơi tìm, hỏi nhiều người nhưng không ai còn giữ. Nhà sưu tập này hỏi từ sáng đến tối tại quán ăn, khách sạn, quán cà phê đều không có. May mắn, đến lúc về, anh Hiệp vô tình hỏi một người phụ nữ bán kem trên đường thì bà còn lưu giữ. Anh cũng phải chờ đến khi thùng kem được bán hết mới có thể về tận nhà xin phiếu đi chợ.
Một tờ phiếu đi chợ khác cũng rất đặc biệt, đó là phiếu đi chợ ở phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc, An Giang). Khi mới phát hành thì phiếu này đã bị chính quyền thu hồi lại ngay. Lý do, trong văn bản in phiếu ghi “mỗi nóc gia được phát 06 thẻ/18 ngày”. Chữ “nóc gia” chỉ hộ gia đình ở Nam bộ ngày xưa, không còn phù hợp nên phiếu đi chợ bị thu hồi.
“Trong quá trình thu thập, tôi không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào mà chỉ mất công khi xin nhượng lại. Có người biết tôi sưu tập thì gửi tặng. Từ Hà Nội, từ miền Tây hay những người bạn ở miền Trung, Tây Nguyên gửi về”, chủ nhân bộ sưu tập nói.
Ký ức lịch sử
Đối với những tỉnh, thành không áp dụng giãn cách xã hội và không dùng phiếu đi chợ như Huế, Quảng Bình thì anh Hiệp sưu tập những giấy tờ liên quan như giấy đi đường; giấy mời tiêm hay giấy tiêm vắc xin đã đóng dấu mộc.
Ngoài hơn 500 tờ phiếu đi chợ, anh Hiệp còn thu thập giấy tờ liên quan trong giãn cách xã hội như các thẻ tình nguyện viên đi chợ giúp dân; thẻ công vụ; vỏ bao gạo của Chính phủ tặng người dân quận 3; túi hàng hóa của Bộ Quốc phòng tặng nhân dân; giấy phạt hành chính...
Với bộ sưu tập này, anh Hiệp mong muốn giữ lại ký ức có thể nói là trăm năm mới xảy ra một lần. Ký ức đó có mất mát, có buồn đau và những nỗ lực vươn lên, chiến thắng dịch bệnh. Bộ sưu tập được giúp cho thế hệ sau thấy được cơn đại dịch Covid-19 đã xuất hiện khủng khiếp như thế nào.
“Đây là mảng ký ức đáng sợ nhưng cần được biết đến. Những phiếu đi chợ mua hàng hóa, thực phẩm này mang giá trị lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Năm mới 2022 đã đến, khi nhìn vào phiếu đi chợ sẽ thấy chúng ta đã may mắn còn tồn tại. Qua cơn đại dịch, con người cần trân trọng hơn cuộc sống này”, anh chia sẻ.