Một tâm thế khác

Tại Việt Nam, sau nhiều ngày yên ả, những ngày cuối tháng tư tới đem theo mối lo lớn lao bởi dịch Covid-19 có thể bùng phát trên diện rộng.

Việt Nam đã trải qua những đợt phòng, chống dịch Covid-19 khá thành công trong năm 2020, nhưng sẽ phải xác định một tâm thế khác - nghiêm túc hơn nữa trong những ngày tới đây bởi bối cảnh phòng, chống dịch lần này đã có sự khác nhất định. Đầu tiên là tình hình dịch bệnh có chuyển biến rất xấu ở Ấn Độ, một trong hai quốc gia đông dân nhất hành tinh. Hàng trăm nghìn ca mắc mới và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày cùng với sự xuất hiện của biến chủng vi rút mới đặc biệt nguy hiểm. Thứ hai, không như những lần dịch bùng phát trước đây, lần này thì những quốc gia tưởng như “miễn nhiễm” như Lào, Campuchia đều đang "ê ẩm" vì dịch lây lan trong cộng đồng. Nhìn ra toàn Đông Nam Á, tín hiệu tiêu cực còn được thấy ở Thái Lan, Indonesia...

Có thể thấy, Việt Nam đang ở khu vực trung tâm của làn sóng dịch mới, sự xâm nhập của dịch Covid-19 là rất khó tránh. Ngoài những ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, hiện đã xuất hiện thông tin về trường hợp F1 - tiếp xúc với ca bệnh nhập cảnh được cho là chuyển thành F0. Đã có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép bị phát hiện, có người khiến cơ quan chức năng phải truy tìm gắt gao. Tàu biển neo ở Vũng Tàu có trên mười người dương tính với vi rút SARS-CoV-2...

Như vậy, dịch Covid-19 có thể xâm nhập qua cả đường biển, đường không, đường bộ, có thể đem theo chủng vi rút nguy hiểm hàng đầu.

Vấn đề là chúng ta đang ứng xử ra sao trước mối nguy hiện hữu?

Như nhiều lần trước, Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Biên giới được kiểm soát chặt chẽ. Những sự kiện tập trung đông người không cần thiết được yêu cầu dừng tổ chức. Phương án truy vết, khoanh vùng dập dịch, xây dựng bệnh viện dã chiến... đã hình thành. Hà Nội nâng mức cảnh báo lên mức độ cao từ khá sớm, cùng thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng quyết định hủy bỏ việc bắn pháo hoa vào dịp 30-4, 1-5. Thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) thêm một lần được nhấn mạnh. Các di tích, điểm đến du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường biện pháp phòng dịch, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trung tâm thương mại và những nơi tập trung đông người khác được kiểm soát chặt chẽ hơn...

Trong những ngày vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch tại Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan..., qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về sự nguy hiểm, mức độ khó lường của đợt dịch mới cũng như nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng dịch. Tuy nhiên, cũng có thể nhận ra thái độ chủ quan, ảo tưởng, tự buông lỏng, không tuân thủ biện pháp phòng dịch của không ít người trong thời điểm quan trọng này. Sự lơ là còn có thể nhận ra ở nhiều bến xe, trung tâm thương mại, khu vực tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch có nhiều người tham gia khi hiện tượng không đeo khẩu trang, không (thể) giữ khoảng cách an toàn không mang tính đơn lẻ. Một số người thậm chí còn tiếp tay cho hành vi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly... Đó là những hành vi, thái độ có thể phá hỏng kế hoạch hành động lớn của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm, mang tai họa đến cho cộng đồng.

Hãy nhớ lại để không cho phép mình chủ quan: Ấn Độ vốn rất mạnh về khả năng cung ứng vắc xin phòng dịch Covid-19, nhưng nhanh chóng “vỡ trận” mà nguyên nhân đầu tiên được cho là ổ dịch tại một lễ hội có hàng triệu người tham gia. Campuchia, Lào từng là nơi an toàn trong những đợt dịch trước, giờ đã thành điểm đến đầy rủi ro... Một chút liên tưởng là đủ để nhận ra rằng: An toàn hay tai họa phần lớn là do hành động của chúng ta!

Để chống dịch thành công, các cấp, ngành ở Thủ đô cần tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình” như tinh thần Công văn số 112-CV/TU ngày 27-4-2021 của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Công điện số 03/CĐ-CT ngày 27-4-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân để chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và các cấp, ngành chức năng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không lơ là, chủ quan, nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ là trong đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5...

Hoàng Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/997722/mot-tam-the-khac