Một số tỉnh miền Trung thiệt hại nặng do bão số 9
Quảng Nam có 3 người chết và mất tích, 5 người bị thương còn các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên có hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, cây đổ hàng loạt, mất điện diện rộng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng bão số 9, từ 10-16 giờ ngày 28.10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió giật cấp 8-10, lượng mưa bình quân từ 150-300mm gây ngập lụt, sạt lở và làm đổ sập nhiều công trình trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, bão số 9 đã làm chết, mất tích 3 người, bị thương 5 người và làm 13 nhà bị sạt lở, vùi lấp tại huyện Phước Sơn; 30 nhà ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My bị tốc mái.
Một số trường học, công trình công cộng, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng bị tốc mái.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, bão số 9 đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam ước khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại Bình Định đã có 2 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị sập, gần 2.000 ngôi nhà bị tốc mái cùng 122 sự cố lưới điện.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút ngày 28.10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 01 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.
Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
Để giúp người dân an toàn trong lúc bão số 9 đổ bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều xe bọc thép đến khách sạn Sông Trà hỗ trợ đưa một trường hợp đang lưu trú tại khách sạn Sông Trà (TP Quảng Ngãi) bị huyết áp cao, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có gió và mưa to, dù đã giảm nhẹ nhiều so với cuối giờ sáng, nước ở các sông đang dâng cao. Trên địa bàn TP Quảng Ngãi mưa lũ làm gãy đổ nhiều cây lớn, gió cũng xé rách nhiều bảng hiệu, pano. Nhiều người dân vẫn tạm thời tránh trú tại các nơi an toàn do tỉnh bố trí.
Tại thị xã Sông Cầu, đến 10 giờ sáng 28.10, mưa to, kèm theo gió giật khiến 31 nhà dân bị tốc mái, thiệt hại nặng nhất tại xã Xuân Lộc 29 nhà, Xuân Cảnh 1 nhà, Xuân Hải 1 nhà. Gió mạnh cũng khiến trụ sở xã đội của xã Xuân Bình bị tốc mái, 2 ghe công suất nhỏ của ngư dân bị sóng nhấn chìm; hàng chục dìa tôm, cá của người dân bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Trung Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện trên địa bàn gió giật rất mạnh, toàn xã bị mất điện.
Mưa lớn cũng khiến tuyến đường Phú Yên - Gia Lai đoạn qua xã Phú Mỡ bị sạt lở, đất đá bồi lấp 2/3 mặt đường khiến giao thông qua lại khu vực gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Đồng Xuân đã cắt cử lực lượng ứng trực, ngăn không cho người dân qua lại khu vực sạt lở, nơi ngập úng.
Đến 10 giờ ngày 28.10, Phú Yên có 51 xã, phường, thị trấn bị mất điện, nhiều nhất tại thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và TP Tuy Hòa. Tại thị xã Đông Hòa, nhiều trụ điện đã bị gió quật ngã, đổ. Điện lực Phú Yên đang tập trung khắc phục sự cố mất điện, đảm bảo an toàn, sớm cấp điện lại cho người dân.
Tại Quảng Nam: Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam: Tỉnh có 3.048 tàu thuyền với 13.585 lao động, trong đó, hiện nay còn 58 tàu thuyền với 2.285 lao động đang hoạt động trên khu vực biển Trường Sa, hiện các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão. Bên cạnh đó, Quảng Nam có 250 lồng bè đang nuôi trồng thủy hải sản và đã được các lực lượng và địa phương hướng dẫn gia cố, bảo vệ. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến hành di dời, sơ tán được gần 29.400 hộ gia đình với 88.431 nhân khẩu ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét… đến nơi tránh trú an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, bão số 9 đã làm một số nhà dân bị tốc mái, một số xã bị mất điện, hàng loạt cây xanh các địa phương trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ…
Sẵn sàng điều máy bay tìm kiếm 2 tàu cá gặp nạn trên biển
Trưa 28.10, bão số 9 đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cuộc họp các thành viên Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 tại Đà Nẵng. Theo đó, lực lượng chức năng khẩn trương chuẩn bị máy bay để ngay khi thời tiết thuận lợi sẽ tìm kiếm các thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định gặp nạn trên biển.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần xây dựng phương án, chương trình tìm kiếm cứu nạn bằng máy bay để áp dụng trong các đợt tìm kiếm cứu nạn sau này.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến 12 giờ ngày 28.10, bão số 9 đã gây ra gió bão rất lớn tại Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Hiện lực lượng chức năng đang giữ gìn, đảm bảo an toàn cho trên 45.000 tàu thuyền neo đậu, 188.000 lồng cá. Các địa phương cố gắng đảm bảo không rủi ro về người.
Hiện, 6 tỉnh của khu vực trọng điểm đã tổ chức sơ tán cho hơn 98.000 hộ với khoảng 400.000 nhân khẩu; đang tập trung giữ gìn an ninh, đảm bảo an toàn cho người dân trên mọi phương diện. Tất cả các công trình trọng điểm, đặc biệt là các hồ chứa đều đang được đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các tỉnh chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khoa học nhất, không để xảy ra sự cố.
Chiều 28.10, các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục có gió to kèm mưa lớn, Bộ trưởng đề nghị chính quyền và nhân dân khu vực này cảnh giác trước sạt lở, lũ quét tại các vùng núi và ngập lụt ở các vùng trũng, các hồ chứa và bảo vệ tài sản của nhân dân trước ảnh hưởng của thiên tai.
Về vấn đề tìm kiếm cứu nạn các tàu thuyền gặp nạn trên biển, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: “Hiện nay, có 2 tàu cá Bình Định bị chìm trên biển, chúng tôi đang tìm kiếm với hy vọng các ngư dân có áo phao và vẫn còn trôi dạt trên biển. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã liên lạc được với một tàu Bình Định bị hỏng máy, đang thả trôi trên biển sáng nay, 12 ngư dân trên tàu có sức khỏe ổn định.
Lúc 1 giờ sáng 28.10, Bộ Quốc phòng điều động 2 tàu Kiểm ngư xuất phát từ cảng Cam Ranh và dự kiến đến 20 giờ tối nay sẽ tiếp cận được tàu đang thả trôi này. Sau buổi họp sáng nay, Bộ Quốc phòng đã điều động thêm 1 tàu kiểm ngư tiếp tục ra khu vực tàu BĐ-96338 bị chìm vào trưa hôm qua. Ngoài ra, Quân đội cũng sẵn sàng dùng máy bay tìm kiếm, thả áo phao và thông báo cho các tàu thuyền ứng cứu tàu gặp nạn trên biển”.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bão đã đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn, gió to tại Bình Sơn, Quảng Ngãi và làm tốc mái nhiều nhà cấp 4, gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão này sẽ tiếp tục đi vào đất liền trong những giờ tới và lưu lại rất lâu nên ảnh hưởng lớn, nếu không tiếp tục ứng phó sẽ rất nguy hiểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng tập trung bảo vệ tính mạng của người dân. Ban Chỉ đạo tại Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 thường xuyên liên lạc với các địa phương, kịp thời chỉ đạo và dùng mọi biện pháp tại chỗ để ứng phó trong bão và sau bão.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các điểm không an toàn để sơ tán người dân. Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ hệ thống truyền tải điện, đảm bảo an toàn cho các đường dây lớn, không để ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ.
Bộ Giao thông vận tải, các lực lượng vũ trang khẩn trương triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nhất là với các tàu đang gặp nạn trên biển. Cùng với đó, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng xung kích khác phải sẵn sàng về lực lượng, phương tiện nhận nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo chung của Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 tại Đà Nẵng.
Bão số 9 suy yếu thành áp thấp, lũ đặc biệt lớn trên sông ở Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 28.10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16 giờ ngày 28.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Từ 16 giờ ngày 28.10 đến 4 giờ ngày 29.10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Do ảnh hưởng của bão số 9, Bình Châu và Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Hoài Nhơn ở tỉnh Bình Định có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Trà My của tỉnh Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
TP Huế của Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng có gió giật cấp 10; Sân bay Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. An Khê ở tỉnh Gia Lai có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Các nơi khác khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8. Từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-400mm, có nơi trên 400mm.
Chiều tối và tối 28.10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-4 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực đất liền các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 và có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm. Từ ngày 29.10, mưa giảm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Từ đêm 28.10 đến ngày 31.10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt. Riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm. Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Vũ Đức Long cho biết hiện nay, lũ trên sông Vu Gia đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ trên sông Vu Gia tại Trạm Ái Nghĩa là 7,75m, dưới báo động 2 là 0,25m.
Hiện, lưu lượng Thủy điện Đăk Mi 4 đang xả tràn lần 2 xuống hạ du là 5.100 m3/giây, trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 10,3m, trên báo động 3 là 1,3m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m).
Nguy cơ rất cao gây ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại thành phố Đà Nẵng và các huyện, thành phố: Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam. Rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là cấp 4.
Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ đêm 28.10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Trị.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 2 - báo động 3, sông nhỏ lên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả lên mức báo động 1-báo động 2.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên các sông là cấp 3.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 28.10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa rào, trời chuyển lạnh.
Dự báo các khu vực đêm 28.10: Phía Tây Bắc Bộ đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Đêm trời lạnh. Nhiệt độ từ 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Đêm và trời lạnh. Nhiệt độ từ 20-23 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C.