Một số hoạt động tổ chức, xây dựng Đảng của đồng chí Trần Quý Kiên với các đồng chí Tổng bí thư của Đảng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965), sinh ra trong gia đình nhà nghèo, nguồn gốc nông dân ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1930 và được Đảng tín nhiệm phân công giữ các chức vụ quan trọng, như Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí hoạt động cách mạng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiền bối tiêu biểu, đặc biệt là 5 Tổng Bí thư của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh và có thời gian ngắn với đồng chí Đỗ Mười sau năm 1945. Đồng chí Trần Quý Kiên đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng và khôi phục lại các tổ chức, cơ sở cách mạng của Đảng ở Bắc Kỳ và Hà Nội trong những năm 30. Đồng chí là chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Với đồng chí Trường Chinh và Lê Duẩn
Với đồng chí Trường Chinh: Trong quá trình hoạt động cách mạng tại Hà Nội, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thành lập, đồng chí Trường Chinh [1] và đồng chí Trần Quý Kiên (hoạt động trong Đội tuyên truyền xung phong của Thành ủy Hà Nội), với nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ sở Đảng và vận động quần chúng công nhân, nông dân và các giới trong thành phố. Đồng chí Đặng Xuân Khu phụ trách sinh viên và binh lính[2].
Tháng 10-1930, đồng chí Trần Quý Kiên bị bắt lúc đang treo cờ đỏ trong cuộc mít tinh công khai trước cửa trường Bách nghệ (nay là phố Lý Thường Kiệt) Hà Nôi. Giữa tháng 11-1930, đồng chí Trường Chinh được tổ chức giao nhiệm vụ đến khu vực chân Cột Cờ (Hà Nội), gặp một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp để nhận một tài liệu tuyên truyền, tới chỗ hẹn đã bị cảnh binh ập đến bắt giải về Sở mật thám. Sau đó, cả hai đồng chí đều bị giam cùng nhau ở nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí Trần Quý Kiên viết: “Khi vào nhà pha tôi đã tham gia tất cả các cuộc tranh đấu. Lúc nào tôi cũng ở trong Chi bộ, trong tổ chức quần chúng… Tôi được đồng chí Thận (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác huấn luyện về giai cấp đấu tranh và chủ nghĩa Mác-Lê”[3].
Tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Trần Quý Kiên đã cùng các đồng chí Trường Chinh, Trần Bảo, Bùi Vũ Trụ... cùng nhau làm báo (Lao tù đỏ sau đổi thành Lao tù tạp chí) bí mật trong tù để tuyên truyền và giữ vững khí phách cách mạng.
Đến tháng 2-1933, đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Trường Chinh cùng bị đưa lên giam ở Nhà tù Sơn La (lần thứ nhất), tại đây đồng chí Trần Quý Kiên và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến... đã bị coi là “cầm đầu” lãnh đạo, đấu tranh trong tù, bị Công sứ Sơn La liệt vào danh sách 22 kẻ cầm đầu, phản loạn, đích thực là cộng sản.
Giữa năm 1935, đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Trường Chinh lại cùng bị giam ở nhà tù Sơn La (lần thứ hai).
Trong nhà tù Sơn La, các đồng chí tù chính trị Cộng sản đã họp nhau lại để thành lập ra một Ủy ban chung để chỉ đạo mọi vấn đề sinh hoạt trong nhà tù, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung trong tù đến ra ngoài đi làm, đối phó với gác ngục và cai lính, giao dịch với đồng bào địa phương, giúp đỡ nhau khi ốm đau... Một ủy ban thống nhất tù chính trị gọi là Hội đồng thống nhất được thành lập[4]. Đồng chí Trường Chinh được phân công làm Chủ tịch, Đinh Xuân Nhạ được bầu là Trưởng ban Hợp tác xã, phó ban là một người của Việt Nam Quốc dân Đảng.
Trong những năm 1936-1939, cả hai đồng chí Trần Quý Kiên và Trường Chinh đều hoạt động trong cùng Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội.
Với đồng chí Lê Duẩn: Đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Lê Duẩn đã cùng bị giam trong tù và cùng đấu tranh với thực dân pháp trong suốt những năm 1931, 1932, 1933, tại các nhà tù Hỏa Lò, Hải Phòng và Sơn La.
Ngày 21-12-1931, tại nhà lao Hải Phòng đồng chí Trần Quý Kiên đã cùng với đồng chí Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến, Lê Thanh Nghị, Vũ Thiện Chân, Trần Bảo... và nhiều tù nhân khác đấu tranh lưu huyết trong tù.
Năm 1933, tại nhà tù Sơn La, đồng chí Trần Quý Kiên cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh lại cùng nhau lãnh đạo tù nhân đấu tranh và bị đưa vào danh sách 22 tù chính trị cộng sản, phản loạn tại nhà tù Sơn La, không được ân xá. Rất nhiều tù nhân đã hy sinh ở nhà tù Sơn La. Hồi ký của đồng chí Đặng Việt Châu viết: “Tôi cũng không quên anh Bùi Vũ Trụ, anh Đinh Xuân Nhạ tức Trần Quý Kiên bị sốt đi đái ra máu, nằm thở, ruồi bâu không buồn đuổi. Ấy thế mà khi khỏi sốt các anh lại tích cực tham gia Ban chép tài liệu và Ban cấp cứu nhà tù. Cả hai anh em bị phát vãng đi Sơn La lần thứ 2”[5].
Với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh
Với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Đồng chí Trần Quý Kiên đã hoạt động cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong hoạt động tổ chức và xây dựng đảng vào những năm 1936-1939. Ngay sau khi vừa ra khỏi nhà tù vào năm 1936 đồng chí Trần Quý Kiên đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Nguyễn Văn Minh tổ chức một cuộc họp tại gần sân bay Gia Lâm. Tại cuộc họp này ba ông đã phân tích tình hình, bàn bạc và quyết định thành lập “Ủy ban sáng kiến” có chức năng như một Ban Cán sự tạm thời, làm nhiệm vụ của Xứ ủy Bắc Kỳ trong lúc chưa đủ điều kiện để thành lập Xứ ủy. Ủy ban sáng kiến phân công đồng chí Tô Hiệu về công tác tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ về các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc và phân công Nguyễn Văn Cừ cùng với Nguyễn Văn Minh, Trần Quý Kiên phụ trách công tác móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoạt động cùng nhau trong Ủy ban sáng kiến (khi ấy đồng chí Nguyễn Văn Linh mới ra tù và được phân công giúp việc cho các đồng chí trong Ủy ban sáng kiến và sau đó là Xứ ủy Bắc Kỳ).
Tháng 3-1937, sau khi tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Hoàng Quốc Việt là hai Ủy viên Xứ ủy được Xứ ủy cử xuống trực tiếp tăng cường cho công tác khôi phục tổ chức đảng ở Hải Phòng. Nên đồng chí Trần Quý Kiên đã cùng với Đồng Chí Nguyễn Văn Linh xây dựng hàng loạt các tổ chức đảng tại Hải Phòng như nhà máy xi măng, nhà máy tơ...
Tháng 4-1937, tại một gia đình cơ sở cách mạng tại nhà đồng chí Dư, ở Ngõ Đá, phố Cát Dài, cuộc họp thành lập lại Thành ủy Hải Phòng đã được tiến hành. Hội nghị gồm có các đồng chí Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Cúc, Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Vượng, Hoàng Văn Trành, Tư Thành... Các đồng chí dự Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí Nguyễn Văn Túc được cử làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng[6].
Sau này đồng chí Trần Quý Kiên và đồng chí Đỗ Mười có hoạt động cùng nhau một thời gian ngắn ở Liên khu ủy Khu III. Theo sự chỉ định của Trung ương, Liên khu ủy III gồm các đồng chí: “Nguyễn Văn Trân, Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, Lê Thanh Nghị, Phó Bí thư và các đồng chí Đỗ Mười, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Lộc, Trần Quý Kiên (tức Đinh Xuân Nhạ), Vũ Oanh, Dị, Đặng Tính, Lê Quang Đạo, Hoàng Sâm, Lê Quang Hòa”[7].
Theo sách Hà Sơn Bình - lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) năm 1948 để đối phó lại với âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp “Liên khu đã cử đồng chí Trần Quý Kiên, Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy tới kiểm tra, đôn đốc trực tiếp giúp đỡ tỉnh Hòa Bình”[8] đấu tranh phá âm mưu giặc…
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thanh niên yêu nước của dân tộc ta đã tham gia hoạt động cách mạng, trở thành những cán bộ lãnh đạo tận tụy, tài năng - những đảng viên trung kiên lớp đầu tiên của Đảng, những người đã trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong số những con người ưu tú đó có các đồng chí như nói ở trên: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Linh… Đây là những người cộng sản kiên trung, bất khuất, những nhà lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu của Đảng ta, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và trọn đời hy sinh cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân.
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
_____
[1] Hoạt động trong Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr.54.
[3] Lý lịch tự khaicủa đồng chí Trần Quý Kiên tại Ban Tổ chức Trung ương ngày 15-8-1952, tr.8.
[4] Có ý kiến cho rằng từ năm 1935 đã có Chi bộ Nhà tù Sơn La, và dẫn theo căn cứ trong cuốn hồi ký “Trường học cuộc đời” của đồng chí Đặng Việt Châu viết: “... một Ủy ban thống nhấttù chính trị gọi là Hội đồng thống nhất được thành lập. Hội đồng này họp hàng tuần, một đại diện Quốc dân Đảng và một đại diện Cộng sảnluân phiên làm đồng Chủ tịch, có chung một Tổng Thư ký. Hội đồng có điều lệ hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm hẳn hoi, có các ban, các tổ phụ trách công tác chuyên môn. Đây là một hình thức tổ chức Mặt trận sáng tạo ra trong hoàn cảnh nhà tù Sơn La. Chi bộ chủ trương không hoạt động công khai, không ra sách báo như ở Hỏa Lò, Hà Nội”, theo Hồi ký Trường học cuộc đời, Sđd, tr.252. Đa số các ý kiến cho rằng Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập vào tháng 12-1939. Vì thực tế Chi bộ Đảng của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), không thể cùng sinh hoạt với Việt Nam Quốc dân Đảng, phải là đảng viên Cộng sản, giữ bí mật được tín nhiệm mới cùng sinh hoạt trong Chi bộ Cộng sản. Có thể đây là một tổ chức mang tính chất tổ chức chỉ đạo, anh em tù cho thống nhất có trật tự, để đấu tranh với kẻ tù khi chưa có Chi bộ Cộng sản của Nhà tù Sơn La…
[5] Đặng Việt Châu, Trường học cuộc đời (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.221.
[6] Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng, Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I (1925-1955), Nxb Hải Phòng, 1991, tr.137.
[7] Lịch sử kháng chiến chống Pháp khu tả ngạn sông Hồng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.142.
[8] Hà Sơn Bình - lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 156.