Một số cách chế biến ngó sen có lợi cho sức khỏe
Mùa thu thời tiết khá khô hanh, từ góc độ Đông y đây là lúc nên chú ý dưỡng âm, bổ phế, và ngó sen tươi là phương thuốc tuyệt vời giúp dưỡng âm, thanh nhiệt, làm ẩm, giảm khát.
1. Ngó sen - món ăn bổ dưỡng hàng đầu
Ngó sen từ lâu đã được chứng minh là một món ăn - vị thuốc có nhiều lợi ích với sức khỏe dưới cả góc độ y học cổ truyền và y học hiện đại.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong ngó sen có chứa nhiều tinh bột, vitamin C, A, B, PP, asparagine, arginine, trigonelline, tyrosine glucose… Đây là loại thực phẩm có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như chống oxy hóa, chống viêm; giúp hạ đường huyết; kiểm soát cân nặng; làm sạch đường hô hấp; kích thích tuần hóa máu, làm tăng lưu thông máu...
Bên cạnh đó, ngó sen cũng có tác dụng tốt với quá trình tạo máu của cơ thể; điều hòa nhịp tim, ổn định huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim mạch; tốt cho hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng; thúc đẩy phát triển trí não; tăng cường sức khỏe của da, mắt, tóc…
Theo y học cổ truyền, ngó sen thường được gọi với tên liên ngẫu. Thuốc có vị ngọt, đi vào kinh tâm, tỳ, vị. Ngó sen tươi có tính lạnh, tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, tán huyết, cầm máu, rất tốt cho việc giải nhiệt và làm mát cơ thể trong những ngày hanh khô.
Ngó sen sau khi nấu chín có tính ấm, tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị, bổ huyết, thích hợp cho những người có tỳ hư và huyết hư.
Từ hơn 2000 năm trước, trong cuốn Thần Nông bản thảo kinh đã có ghi chép về ngó sen với công dụng bổ huyết, dưỡng tỳ, chữa chứng khát: "Ngó sen có vị ngọt, bình, không độc, ngó sen rỗng, các sợi tơ ẩn sâu bên trong, có thể trị bệnh huyết, giảm khát và bổ huyết dưỡng tỳ, là loại thực phẩm quý trong các loại rau củ".
2. Một số cách chế biến ngó sen
2.1 Nước ép lê - ngó sen
Nguyên liệu: Lê 80 -100g, củ năng 50g, ngó sen tươi 50g, rễ lau tươi (lô căn) 50g, mạch môn tươi 10g.
Cách làm: Rửa sạch rễ lau, gọt vỏ và bỏ hạt lê, gọt vỏ củ năng, bỏ đầu ngó sen, cắt nhỏ hoặc băm mạch môn tươi. Tất cả nguyên liệu ép lấy nước. Nếu không tìm được đủ các nguyên liệu tươi có thể lấy các nguyên liệu khô nấu nước uống hoặc dùng 2-3 loại trong số 5 loại nguyên liệu trên ép nước uống cũng có tác dụng tương tự.
Cách dùng: Có thể uống lạnh hoặc ấm, uống vài lần mỗi ngày; thích hợp để điều trị các triệu chứng do cảm nhiệt bên ngoài như khát nước, khô họng, nôn mửa do nhiệt.
Công dụng: Món này thích hợp cho những người có nhiệt trong phế và vị gây khát nước, nôn mửa.
2.2 Ngó sen hầm nếp
Nguyên liệu: Gạo nếp, ngó sen, đường.
Cách làm: Dùng đũa nhồi gạo nếp đã ngâm vào các lỗ ngó sen đã rửa sạch, nhồi đầy khoảng 8-9 phần. Dùng tăm cố định đầu ngó sen, sau đó cho vào nồi áp suất, thêm nước ngập ngó sen, thêm đường, đun khoảng 30 phút sau khi nổi hơi, cắt thành miếng và bày ra đĩa.
Lưu ý: Ngó sen và gạo nếp là hai thành phần chính, đường có thể chọn đường phèn, đường cát, đường đỏ, mật ong, hoặc thêm táo đỏ, kỷ tử, hoa quế để tăng thêm công dụng bổ dưỡng.
2.3 Canh ngó sen nấu sườn
Nguyên liệu: Ngó sen 500g, ngọc trúc 20g, sườn 500g, gừng tươi 5g.
Cách làm: Rửa sạch ngó sen, cắt thành khúc, sườn rửa sạch và chần qua nước sôi, gừng thái lát; cho tất cả nguyên liệu vào nồi đất, thêm 1000ml nước, đun sôi, sau đó hạ nhỏ lửa, ninh nhừ trong 40-60 phút, nêm muối vừa ăn.
Công dụng: Kiện Tỳ, dưỡng Vị, dưỡng âm, làm ẩm, thích hợp cho người có Tỳ Vị hư nhược, âm hư, các triệu chứng mệt mỏi, khô họng, lưỡi nhợt, rêu lưỡi ít, mạch yếu.
2.4 Canh ngó sen nấu vịt
Nguyên liệu: Ngó sen 500g, thịt vịt 300g, sa sâm 20g, bách hợp 15g, gừng lát, hành đoạn, muối và gia vị khác vừa đủ.
Cách làm: Rửa sạch ngó sen, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn; thịt vịt cắt miếng, rửa sạch, chần qua nước sôi; sa sâm, bách hợp ngâm nước, thay nước hai lần; cho tất cả nguyên liệu vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, đun đến khi thịt chín, nêm muối.
Công dụng: Món này có mùi thơm dễ chịu, khai vị, dưỡng âm, nhuận phổi; thích hợp cho những người âm hư, viêm họng mạn tính, ho khan ít đờm, người bị đái tháo đường hoặc thường xuyên thức khuya.
Mời bạn xem tiếp video: