Một lịch sử thú vị về xe đạp

Xe đạp là phương tiện giao thông có một không hai trong lịch sử phát minh của nhân loại. Nó là đồ vật ít biến đổi nhất từ khi ra đời, giúp xóa nhòa nhiều khoảng cách về mặt xã hội và đặc biệt nhất là đang hồi sinh trong ngày hiện tại. 'Qua Biên niên sử xe đạp' (Huy Hoàng và NXB Thanh Niên ấn hành, Hyo dịch), tác giả Robert Penn sẽ kể ta nghe những câu chuyện thú vị về phương tiện này.

Bên cạnh là một tác giả viết sách nổi tiếng người Anh, Robert Penn cũng có niềm đam mê mãnh liệt với xe đạp. Vào cuối những năm 1980, ông từng bỏ việc để đạp xe vòng quanh thế giới trong gần 3 năm. Năm 2013, ông đã đạp xe 1.200 cây số xuyên rừng mưa Amazon để thực hiện bộ phim tài liệu Flintoff's road to nowhere. Vì vậy có thể nói Biên niên sử xe đạp vừa được viết ra bằng những lần tìm lịch sử, bằng những kết nối cơ học nhưng cũng đồng thời là qua trải nghiệm của chính tác giả, giúp cuốn sách không chỉ đầy đủ thông tin mà còn sống động và đầy chân thật.

Robert Penn (trái) trong hành trình đạp xe xuyên rừng Amazon vào năm 2013. Ảnh Website tác giả.

Robert Penn (trái) trong hành trình đạp xe xuyên rừng Amazon vào năm 2013. Ảnh Website tác giả.

Về mặt cấu trúc, cuốn sách bám theo lịch sử hình thành các bộ phận xe, từ “linh hồn hình thoi” là khung xe, hệ thống lái, hệ thống truyền động… cho đến bánh xe, yên xe, nan hoa… Ở từng mục nhỏ, ông đã tiến hành đi thực địa để phỏng vấn những cá nhân/doanh nghiệp giỏi nhất trong việc sản xuất từng cấu phần một trên khắp thế giới, nhằm mang đến cái nhìn toàn diện và chính xác nhất đến cho người đọc. Qua đó lịch sử hình thành và biến đổi của chiến xe đạp cũng đã hiện ra, dần dần hiển hình nên một phương tiện vô cùng thú vị mà ta thường không nhìn thấy những mặt ẩn tàng.

Chẳng hạn về các vận động xã hội, Robert Penn đã cho thấy xe đạp có thể độc đáo đến như thế nào. Theo ông, từ những năm 1890, xe đạp đã là món đồ bình dân, phổ thông và không phân biệt tuổi tác, ngoại hình, giới tính, giai cấp… ra sao. Ở giai đoạn này, nhiều mẫu xe đạp đã được sáng tạo, kết hợp với sự ra đời của thị trường second-hand, thì ai cũng có thể mua cho mình một chiếc.

Có thể nói xe đạp đã mang theo một nền dân chủ mà các thể chế xã hội không thể cưỡng lại. Nữ giới và tầng lớp dưới tìm thấy ở đây việc phá vỡ các rào cản giới tính và giai cấp cứng nhắc đã tồn tại lâu đời, bởi khi ta đạp một chiếc xe đạp, thì trang phục, các câu lạc bộ, quy tắc, cách cư xử và đạo đức… mà xã hội đã đặt ra để củng cố hệ thống giai cấp hiện hữu đơn giản là không hiện diện.

Xe đạp bánh cao (xe Kangaroo) ra đời trước mẫu Rover Safety từng khiến không ít người dùng gặp khó khăn. Ảnh: Powerhouse Collection

Còn về vai trò của nó trong dòng lịch sử, Penn đã đánh giá: “Xe đạp là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại - ngang hàng với máy in, động cơ điện thoại, penicillin và World Wide Web”. Nói thế không hẳn không có lý do, bởi với việc phát minh ra nhiều cấu phần như ổ trục quay, ổ bi hoặc hệ thống truyền động bằng xích, xe đạp đã tạo tiền đề cho việc ra đời của vô số phương tiện khác, gồm cả máy bay cũng như ô tô...

Với việc hình dáng không hề thay đổi 2 thế kỷ qua, và trong ngày hiện tại văn hóa bảo vệ môi trường và lối sống xanh đang được đề cao, thói quen đi xe đạp cũng dần quay trở lại. Vị thế của nó đã được giữ vững trong suốt chiều dài lịch sử, và đặc biệt, ở mặt nào đó, chính trong lúc này, nó cũng tác động đến thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị, chính sách giao thông, các mối quan tâm về môi trường, qua đó cho thấy sức sống vô cùng vững bền.

Trong tác phẩm này, Penn cũng làm rõ lịch sử biến đổi của chiếc xe đạp. Trong khi ngày nay các chiếc xe ngày càng nhẹ hơn, thanh thoát hơn và hiện đại hơn với khung sườn làm bằng sợi carbon và các thiết bị điện tử kèm theo, thì với tác giả, những gì là “xe đạp” nhất vẫn là nguyên thủy như buổi ban đầu. Do đó xuyên suốt cuốn sách, ông đã đưa ta đến với các nghệ nhân thiết kế thủ công, từ đó làm rõ “nghệ thuật” của một chiếc xe đạp, góp phần lý giải cho sức sống trường tồn của nó. Qua đó ta hiểu khác với công nghiệp sản xuất hàng loạt, xe đạp đã từng được thiết kế đảm bảo về công thái học ra sao, để việc đặt tay, chân và lưng của người lái vào vị trí nào để có thể đạt được tối đa hiệu suất, sự kiểm soát và sự thoải mái tối đa…

Mẫu xe Rover Safety được John Kemp chế tạo vào năm 1885 là nguyên mẫu của thiết kế xe đạp kéo dài cho đến ngày nay. Ảnh: Science Museum Group Collection

Mẫu xe Rover Safety được John Kemp chế tạo vào năm 1885 là nguyên mẫu của thiết kế xe đạp kéo dài cho đến ngày nay. Ảnh: Science Museum Group Collection

Cuốn sách cũng góp phần giải đáp những điểm đặc biệt mà ta không thường chú ý, như vì sao yên xe đạp leo núi lại thường xẻ rảnh, vì sao xe đạp lại là phương tiện chạy bằng sức người hiệu quả đến vậy hay môn đua xe đạp đã thay đổi cấu tạo của chiếc xe ra sao? Ở những nơi khác, tác giả cũng cho ta thấy những “nghịch lý” và “thuyết âm mưu” trong ngành sản xuất xe đạp, rằng bởi việc đổ tiền vào quảng cáo mà hình ảnh chiếc xe đạp từng được thiết kế riêng cho mỗi người giờ bị đóng khung dưới dạng những chiếc “siêu hạng” mà các cua-rơ đang đi, dẫn đến thay vì hiểu rõ chiếc xe phù hợp ra sao với từng cá nhân, người ta lại chuộng những chiếc được đóng gói sẵn, sản xuất hàng loạt….

Nói về hiện tại, tác giả đã cung cấp nhiều hình mẫu thành phố xanh và không phát thải rất đáng học hỏi. Những trải nghiệm tương tự trên hành trình vòng quanh thế giới với nhiều khó khăn, thách thức cũng được Penn tường thuật một cách sống động. Ngoài ra, do đồng thời là một nhà văn do đó trong tác phẩm này, ta cũng bắt gặp rất nhiều suy ngẫm của những nhà văn đương thời về phương tiện này, như: H.G.Wells, Flann O’Brien, Ernest Hemingway… từ đó giúp cho cuốn sách trở nên thú vị, không bị đóng khung bởi các nghiên cứu lịch sử khô khan.

Bìa sách Biên niên sử xe đạp. Ảnh: Huy Hoàng

Có thể nói qua Biên niên sử xe đạp, tác giả Robert Penn đã dựng nên một lịch sử hình thành và biến đổi thú vị của loại phương tiện đầy độc đáo này, từ đó đưa độc giả đến với những điều chưa biết và vai trò quan trọng của nó. Không chỉ nghiêng về quá khứ, những phân tích, dự đoán và việc đưa ra các hình mẫu tương lai cũng giúp tác phẩm trở nên thời sự, không bị cũ kỹ hay quá xa rời đời sống hiện đại. Đây là một tác phẩm được viết bằng sự tìm tòi, yêu thích khám phá, nhưng cũng đồng thời là một tình yêu vô cùng mãnh liệt dành cho xe đạp.

Robert Penn sinh năm 1967 là nhà văn, nhà báo, phát thanh viên người Anh chuyên viết về du lịch, ẩm thực, môi trường, và đặc biệt là về niềm đam mê xe đạp. Ông là cây viết chuyên mục quen thuộc của các tờ báo lớn như The Guardian, Observer...

Ông hiện sống cùng gia đình ở xứ Wales, đi làm hằng ngày bằng xe đạp.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-lich-su-thu-vi-ve-xe-dap-44365.html