Một Hàn Quốc phóng khoáng và tự do qua lăng kính hội họa

36 tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm 'Hàn Quốc, phóng khoáng và tự do' chứa đựng phong cảnh, nét tươi vui và tình cảm của đất nước, con người Hàn Quốc.

Ngày 3/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm "Hàn Quốc, phóng khoáng và tự do". Sự kiện do Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju (Hàn Quốc) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng 36 tác phẩm mỹ thuật của 7 họa sĩ tới từ Gwangju - thành phố văn hóa tiêu biểu của Hàn Quốc và có truyền thống lâu đời về nghệ thuật.

 Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: HNM

Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: HNM

Các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại, chất liệu khác nhau, chứa đựng phong cảnh, nét tươi vui và tình cảm của đất nước, con người Hàn Quốc.

Họa sĩ Lee Hyungwoo thể hiện hình ảnh cuộc sống của con người thông qua những màu sắc đa dạng và nét vẽ táo bạo. Những tình huống ẩn dụ thể hiện sự vui vẻ lại vừa chứa đựng sự dí dỏm của tác giả sẽ mang đến tiếng cười cho khách tham quan.

Họa sĩ Yoon Namwoong thể hiện tình cảm con người qua những tác phẩm chân thật và hài hước. Họa sĩ đã khơi dậy niềm vui và tình yêu cuộc sống bằng cách ghi lại dấu mốc cuộc đời bằng góc nhìn hài hước, sự tự do trong nghệ thuật và hình ảnh nông thôn bình dị.

Tranh của họa sĩ Lee Insung là bức tranh phản chiếu hình ảnh cuộc sống con người giống như một đoạn trong cuốn tiểu thuyết nào đó. Ông đã kể lại câu chuyện trong cuộc sống mà có thể xảy ra với bất cứ ai và nhấn mạnh ý nghĩa của nó thông qua các biểu hiện ẩn dụ.

 Một màn trình diễn nghệ thuật hấp dẫn của nghệ sĩ Hàn Quốc. Ảnh: HNM

Một màn trình diễn nghệ thuật hấp dẫn của nghệ sĩ Hàn Quốc. Ảnh: HNM

Tranh của họa sĩ Kim Sungnam chứa đựng sự tồn tại nguyên thủy của tự nhiên và con người. Ông đã nắm bắt và thể hiện thiên nhiên đầy năng lượng thô sơ chứ không phải phong cảnh tự nhiên quen thuộc, yên bình và đẹp đẽ từ quan điểm thông thường của con người.

Họa sĩ Pyo Inbu sáng tác các tác phẩm bằng kỹ thuật gắn giấy Hanji. Các tác phẩm được tô màu bởi các mảnh giấy Hanji uốn lượn. Ông đặt tên cho tác phẩm của mình là "Ký ức của gió" là hình ảnh phản chiếu từ những ký ức trong cuộc sống.

Trong khi đó, họa sĩ Kim Changduk sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như thạch anh, bột đá, màu tự nhiên để tạo ra bức tranh gốm độc đáo. Các tác phẩm của ông thể hiện sâu sắc tinh thần và những phong tục của Hàn Quốc.

Họa sĩ Kim Byoungtaeg là người đã sử dụng lặp đi lặp lại màu đỏ hoặc xanh cho hình của nước, biển và núi vốn được xem như là nguồn gốc của sự sống. Đối với ông, tự nhiên mang nhiều ý nghĩa biểu tượng quan trọng, giống như thông điệp của hy vọng và sự chữa lành trong cuộc sống.

Theo Phó Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Đức Kiên, triển lãm “Hàn Quốc, phóng khoáng và tự do” đánh dấu lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Gwangju tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Dưới những phương thức tạo hình độc đáo và lăng kính khác nhau của 7 họa sĩ, thế giới nghệ thuật của triển lãm mở ra sự bình dị nguyên sơ, chân thực mà tươi vui, sâu sắc và ấn tượng.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Tại triển lãm, bên cạnh những tác phẩm tranh, tượng, sắp đặt, các nghệ sĩ Hàn Quốc còn mang đến những màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong khuôn khổ triển lãm, sáng 4/11 sẽ diễn ra sự kiện Art Talk - giao lưu giữa các họa sĩ Hàn Quốc với khán giả.

Triển lãm “Hàn Quốc, phóng khoáng và tự do” sẽ mở cửa đến hết ngày 30/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-han-quoc-phong-khoang-va-tu-do-qua-lang-kinh-hoi-hoa-post271034.html