Một cộng tác viên nhiệt huyết của Báo Thanh Hóa

Ông vốn được mọi người nhắc đến là người nghiên cứu văn hóa, biên soạn sách lịch sử Đảng bộ các xã nhưng ngoài gắn bó với ngành văn hóa, vì... yêu nghề báo mà ông thường xuyên cộng tác với các tờ báo trong và ngoài tỉnh. Ông là Lê Khắc Tuế - một người nhiệt huyết trên 'cánh đồng chữ nghĩa'.

Ông Lê Khắc Tuế, cộng tác viên nhiệt huyết của Báo Thanh Hóa.

Ông Lê Khắc Tuế, cộng tác viên nhiệt huyết của Báo Thanh Hóa.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1956, Đài Truyền thanh Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động. Đài Truyền thanh có hệ thống dây và loa lớn đặt tại thị xã Thanh Hóa do Phòng Thông tin của Ủy ban hành chính tỉnh quản lý, có nhiệm vụ tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam và làm chương trình phát thanh tin tức trong tỉnh.

Nhiệm vụ của Thanh Hóa lúc bấy giờ là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường quan hệ sản xuất mới trong đó có thành lập hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp; Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, kiến thiết cơ bản giao thông vận tải, thương nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân và quốc phòng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế... và công tác xây dựng Đảng.

Ông Lê Khắc Tuế nhớ lại: "Năm 1960, tôi đã viết thư gửi về Phòng Thông tin, Ủy ban Hành chính tỉnh xin được cộng tác với Đài truyền thanh tỉnh, chủ yếu là phản ánh tin tức phong trào hợp tác xã và đẩy mạnh sản xuất ở địa phương.

Vừa nói ông vừa đưa cho chúng tôi tờ thư của Phòng Thông tin, Ủy ban Hành chính tỉnh gửi ông năm 1960: "Kính gửi đồng chí Lê Tuế. Chúng tôi đã nhận dược hai tin của đồng chí. Chúng tôi đã trích đưa vào nội dung phát thanh hằng ngày của Đài truyền thanh tỉnh. Đồng chí nên tìm mọi cách nắm vấn đề sâu hơn nữa, ghi lại được những điển hình tốt. Ví như trong số hơn 1.000 dân quân đi đắp bờ, sao lại chả có những đồng chí hội... Muốn tránh tin mang tính chất chung chung, ta cần phải tìm được những số liệu, những sự việc, những hình ảnh nói lên được tinh thần phấn đấu, khắc phục khó khăn của từng cá nhân hay cả đơn vị, cả phong trào”.

Kể từ lá thư này, ông đã tìm tòi cách tiếp cận vấn đề, tính thời sự trong từng tin, bài. Vì thế, ngày 10/10/1960, ông đã nhận được giấy mời tham dự họp bàn về công tác phát động tư tưởng về viết tin trong vụ Đông – Xuân 1960-1961 do Phòng Thông tin tổ chức.

Đến tháng 8/1961, Phòng Thông tin phát hành tờ Gió Đại Phong, 2 trang khổ 26cm x 19cm. Đây là giai đoạn cả nước thực hiện phong trào thi đua, đuổi kịp và vượt Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong của tỉnh Quảng Bình. Nắm bắt được điều đó, các tin bài của ông gửi đến tờ Gió Đại Phong đều được đăng, trích đăng.

Một trong số ít tờ báo Gió Đại Phong còn được ông Lê Khắc Tuế giữ gìn.

Một trong số ít tờ báo Gió Đại Phong còn được ông Lê Khắc Tuế giữ gìn.

Ngày 20/3/1962, Báo Thanh Hóa đổi mới (nay là Báo Thanh Hóa) ra đời. Từ những ngày đầu tiên, ông Lê Khắc Tuế đã có những tin, bài gửi tới tờ báo. Những dòng tin ngắn thời ấy là nguồn động viên giúp ông nỗ lực và có hành trình dài gắn liền với nghề viết. Dù thời gian đã qua đi khá lâu song ông vẫn giữ lá thư: Tòa soạn báo Thanh Hóa đổi mới kính gửi bạn Lê Tuế, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Tòa soạn Báo Thanh Hóa đổi mới đã nhận được bài, tranh, ảnh, thơ ca của bạn. Chúng tôi xin gửi biếu bạn một tháng Báo Thanh Hóa đổi mới, kể từ số 55 ra ngày thứ 3 (25/9/1962). “Họ biếu báo là mong muốn tôi tìm hiểu cách viết tin, muốn các tin bài của tôi đạt chất lượng tốt”, ông Tuế cho biết thêm.

Tòa soạn Báo Thanh Hóa đổi mới gửi thư cho ông Tuế.

Tòa soạn Báo Thanh Hóa đổi mới gửi thư cho ông Tuế.

Sau thời kỳ đó, ông chuyển công tác vào Hà Tĩnh làm ở văn phòng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Anh. Ở đây, ông cộng tác với Báo Hà Tĩnh bằng các bút danh: Lê Khắc Tuế, Lê Thanh Hà, Thanh Hà. Ngoài ra, ông viết tin cộng tác với Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, báo Quân khu 4 và một số tờ báo khác. Đến nay ông vẫn còn nhớ rõ 2 bài viết. Một là bài viết “Bà mẹ quê biển Kỳ Anh” đăng trên Báo Nhân dân ngày 22/11/1968. Nhân vật trong bài viết là mẹ Hà Thị Rường quê xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ xung phong vào trung đội dân quân của thôn Long Sơn Hải (nay là thôn Phú Long), xã Kỳ Phú, để làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác và tham gia giải quyết các vụ việc sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom vào làng. Suốt hơn 3 năm trời, bất kể đêm đông giá lạnh, gió gào biển động, mẹ cùng với anh chị em dân quân canh giữ vùng biển quê hương. Bài báo thứ hai viết về nhân vật Nguyễn Văn Học đăng ở báo Chính Nghĩa (nay là Báo Người công giáo). Là người suốt 15 năm làm vệ sinh viên, y tá viên ở giáo họ Hòa Lộc (nay thuộc phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh), anh luôn chu tất với mọi người, căn dặn mọi người một cách rành mạch, rõ ràng nhất từng loại thuốc. Cả hai bài báo trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và Bác đã tặng Huy hiệu cho 2 nhân vật trên.

Tháng 4/1972, ông chuyển công tác chính thức về Thanh Hóa, làm việc ở Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc. “Từ năm 1972 đến nay, hơn nửa thế kỷ, có giai đoạn tôi viết khá nhiều tin bài cho Báo Thanh Hóa, nhưng cũng có giai đoạn viết được ít, một phần do cơ chế hoạt động của Báo Thanh Hóa từng thời kỳ có thay đổi. Nhưng lúc nào cần có tin, bài... tôi đều sẵn sàng làm ngay. Ngoài cộng tác viết tin, bài thường xuyên cho báo, tôi còn giúp đỡ các phóng viên Báo Thanh Hóa mỗi khi về huyện Vĩnh Lộc công tác, như cung cấp tư liệu, dẫn đi cơ sở, tạo điều kiện tốt để phóng viên hoàn thành nhiệm vụ”.

Một bài thơ của ông Lê Khắc Tuế in trên Báo Thanh Hóa, năm 1972.

Một bài thơ của ông Lê Khắc Tuế in trên Báo Thanh Hóa, năm 1972.

Hơn 80 tuổi, mái tóc ông đã bạc, trong căn phòng làm việc của ông ngoài những sách, tài liệu nghiên cứu, ông dành hẳn một góc riêng để những tờ báo mình cộng tác. Trong đó có nhiều tập Báo Thanh Hóa từ cách đây hơn nửa thế kỷ đến nay được ông sắp xếp ngay ngắn.

Nhiều tờ báo dù sờn, rách nhưng luôn được ông Lê Khắc Tuế trân trọng giữ gìn.

Nhiều tờ báo dù sờn, rách nhưng luôn được ông Lê Khắc Tuế trân trọng giữ gìn.

Nghề báo, không phải chỉ là kỉ niệm với ông Lê Khắc Tuế, đó còn là sự say mê, niềm hạnh phúc lâng lâng của ông. Cảm xúc ấy neo giữ khiến ông trân trọng từng trang báo. “62 năm qua tôi luôn là người bạn nhỏ của báo Thanh Hóa. Có khi chỉ là những dòng tin vắn, có khi là cả bài nghiên cứu văn hóa... song tựu chung lại tôi thủy chung với nghề viết, với các cơ quan báo chí của tỉnh, và hơn hết là vui với từng con chữ", ông Lê Khắc Tuế chia sẻ.

Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mot-cong-tac-vien-nhiet-huyet-cua-bao-thanh-hoa-217191.htm