Một câu chuyện gợi nhiều suy ngẫm về con người và thời cuộc

Trang thơ Người Làm Báo vừa nhận được bài phê bình của nhà phê bình văn học Thanh Nguyễn về bài thơ 'Chuyện thời đáng nhớ' của Nguyễn Hồng Vinh, đăng trên Tạp chí Người Làm Báo. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Trên sông Long Đại năm xưa

Năm xưa qua phà Long Đại

Pháo sáng rơi lửa trên đầu

Máy bay ầm ào gầm rít

Xe, người vẫn cứ qua sông!

Em cùng thanh niên xung phong

Mặc đá cứa chân rớm máu

Nén đau san lấp hố bom

Băng băng chuyển hàng vào trạm…

Chào đời bên dòng Kiến Giang

Sông chảy ngược lên phía núi

Nơi sinh bao tướng tài danh[1]

Tiếp bước cha anh không thẹn!

Có lẽ nét quê yêu ấy

In sâu ký ức đời anh

Mươi năm sau ngày thống nhất

Dịp ghé Quảng Bình thăm em

Trời đã ban cho niềm thương

Gặp em một chiều đầu hạ

Trong căn nhà nhỏ ven sông

Với rau và hoa mát mắt…

Con nuôi của em tíu tít

Nhanh tay bày xếp trái cây

Còn em không lời than thở

Chuyện tình dang dở bấy nay…

Em cầm cây đàn ghi ta

Bài ca mở đường” rộn nhịp

Lời thơ em viết đêm nào

Thông đường, đoàn xe ra trận!

Ngắm thuyền xuôi ngược Kiến Giang

Ai hiểu phận người nghịch cảnh?

Anh nghe thì thầm lời sóng:

Mầm xanh vẫn trải đời em!...

Ngày cuối đông - 2021

Nguyễn Hồng Vinh

Thanh niên xung phong tải đạn

Theo lời giới thiệu của Trang thơ thì tác giả là người đã hai lần vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên quân sự của báo Nhân Dân trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Ngay nội dung bài thơ cũng cho thấy thi phẩm hình thành từ sự trải nghiệm thực tế và sự rung động sâu xa về hình tượng trung tâm là người phụ nữ mà cuộc đời đầy nghịch cảnh vắt ngang qua hai bở thời gian: thời chống Mỹ và thời hòa bình. Không có vốn sống, không có nỗi ưu tư trăn trở về thời thế và nhân thế thì không thể có những tác phẩm như thế này!

Đoàn quân ra trận

Bài thơ có cái tứ đặc sắc: dòng Kiến Giang chảy ngược và phận người nghịch cảnh. Chỉ cái tứ này đủ đỡ một thi phẩm hay, nhưng cái tứ mở rộng ra cả hai chiều thời gian: thời chiến tranh và sau ngày thống nhất 10 năm; không gian: cảnh chiến tranh và cảnh thời hòa bình. Bài thơ có thể có cái tên khác là Nghịch cảnh, xót xa đắng đót hơn, tuy không hay bằng tên Chuyện thời đáng nhớ, nhưng vẫn có thể khái quát được cái không gian rộng lớn, là “hồn vía” bài thơ. Nghịch cảnh là cái bản lề khép mở hai thế giới chiến tranh lửa rơi, máu đổ và cảnh sắc thời hòa bình “Trong căn nhà nhỏ ven sông/ Với rau và hoa mát mắt…”; khép mở hai nửa đời người: một thời xông pha đạn bom và một thời sau đó là “chuyện tình dang dở”; khép mở hai nửa thân phận: sự hy sinh, cống hiến và thành quả được nhận chưa tương xứng; khép mở hai thế giới tâm trạng: cô đơn và lạc quan, chứa chan hy vọng “Mầm xanh vẫn trải đời em!...”. Dư âm cứ ngân lên rồi lắng lại ở người đọc: ăn quả nhớ người trồng cây; cái đáng quý là vượt lên nghịch cảnh; cái đáng trọng là tình nghĩa, là sự hướng về ngày mai, hướng về những điều tốt đẹp, nhân văn, nhân tính...

Ngày vui đại thắng

Phải là người trong cuộc và có năng lực quan sát với tính khái quát cao, cho nên chỉ trong 48 chữ (8 dòng) nhà thơ “vẽ” ra một nghịch cảnh chiến tranh: “Năm xưa qua phà Long Đại/ Pháo sáng rơi lửa trên đầu/ Máy bay ầm ào gầm rít/ Xe, người vẫn cứ qua sông!/ Em cùng thanh niên xung phong/ Mặc đá cứa chân rớm máu/ Nén đau san lấp hố bom/ Băng băng chuyển hàng vào trạm…”. Pháo sáng nhiều và dày đến mức “rơi lửa trên đầu”. Đây là hình ảnh đắt, rất thật, nói rất đúng và gợi lên cái không gian đặc quánh khét nồng mùi bom pháo, mùi nhựa cháy từ đàn máy bay Mỹ gầm rít trên đầu…

Dòng sông qua đồng lúa

Con nuôi của em tíu tít”. Hai chữ “tíu tít” miêu tả trạng thái vui vẻ, hân hoan của người được chủ nhân ngôi nhà chăm bẵm, nuôi dưỡng lớn khôn, nay được đón khách quý từ Hà Nội vô thăm. Tâm trạng ấy rất hợp với cảnh “Em cầm cây đàn ghi ta/ “Bài ca mở đường” rộn nhịp”. Toàn chuyện vui, cảnh vui, người vui. Có lẽ cây đàn ấy luôn là người bạn tâm giao cùng với người con nuôi hồn nhiên, đã xua đi những phút giây trống vắng trong tâm hồn người phụ nữ. Nhưng nét bao trùm ấy, chỉ là cái bên ngoài. Hình như tất cả để che đi cái thẳm sâu bên trong mà ai cũng thấy, không nói ra mà thấm thía: “Ngắm thuyền xuôi ngược Kiến Giang/ Ai hiểu phận người nghịch cảnh?”. Cái logic nghệ thuật là sự liên tưởng tinh tế: những con thuyền xuôi ngược hay dòng đời xuôi ngược? Dòng Kiến giang kia chảy ngược, chẳng khác phận đời em ngược! Bao nỗi ưu tư chất chứa trong dấu hỏi (?) tu từ rất đúng chỗ này! Nhưng cái tình hồn hậu và cái nhìn rất tươi tắn của thi nhân đã làm điểm tựa cho hình tượng mở về phía ánh sáng, sinh sôi: “Anh nghe thì thầm lời sóng/ Mầm xanh vẫn trải đời em!...”.

Đoàn thuyền ra khơi

Bài thơ mang thông điệp sâu xa: có hòa bình và tự do hôm nay, nhiều phận người đã trải qua bao hy sinh, mất mát. Lời nhắn gửi qua nhân vật bài thơ mãi vang lên với mọi lớp người hôm nay: hãy bằng mọi cách ngăn chặn và đẩy lui chiến tranh để có hòa bình bền vững trên đất nước Việt Nam yêu dấu!./.

Thanh Nguyễn

[1] Trong hàng trăm tướng ở tỉnh Quảng Bình, có 2 vị tướng xuất sắc: Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên. Nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên sông Kiến Giang.

Xem thêm:

>>> Chuyện thời đáng nhớ

>>> Thư gửi người lính biên cương

>>> Lời rừng và biển

>>> Chỉ tình người còn đọng

>>> Thao thức dòng thơ bật mầm!

>>> Những cảm nhận từ “Thơ Nguyễn Hồng Vinh – Tuyển chọn”

>>> Một giọng thơ thấm đẫm nhân văn

>>> Hiệu ứng từ những bài viết

>>> Thêm những cảm nhận về con người và tác phẩm

>>> Thắm tình người Việt Nam

>>> Như những ngọn lửa

>>> Hiệu ứng từ bài thơ chống dịch

>>> Hoa hạnh phúc

>>> Các nhà báo, nhà thơ và độc giả với nhiệm vụ chống dịch

>>> Mỗi người dân là một chiến sĩ!

>>> “Âm hưởng từ một bút ký chống dịch”

>>> Lặng lẽ để hồi sinh

>>> Sức lan tỏa qua bài thơ chống dịch

>>> Nghe bài hát "Hoa hạnh phúc" - nhớ về các "chiến sĩ áo trắng"

>>> Âm hưởng bài hát dành tặng các “chiến sĩ áo trắng”

>>> Sức mạnh của âm nhạc

>>> Sức lan tỏa một tác phẩm âm nhạc

>>> Hồi sinh đang tới!

>>> Sang mùa

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/mot-cau-chuyen-goi-nhieu-suy-ngam-ve-con-nguoi-va-thoi-cuoc-n23311.html