Mong muốn bà con kiều bào tiếp tục là cầu nối đưa nông sản Việt vươn xa

Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT mong muốn bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tối 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối doanh nhân, kiều bào thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp.

Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đây là diễn đàn được Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Hình ảnh tại Diễn đàn kết nối doanh nhân, kiều bào thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp (Ảnh: B.T)

Theothống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hàng hóa, nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn đạt xuất siêu và ngày càng tăng kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.

Hiện, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản mà trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để kết nối các hộ nông dân nhỏ, hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), thời điểm hiện tại là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam. Bởi lợi thế mà 15 Hiệp định thương mại tự do mang lại, cánh cửa thị trường đã rộng mở đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đây là điều kiện rất tốt để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

“Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm với quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Tại diễn đàn, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã có những trao đổi kinh nghiệm đối với việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu. Theo ông Tỷ, tuy thị trường Bắc Âu không quá lớn nhưng số lượng hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ không hề nhỏ. Thị trường Bắc Âu đòi hỏi điều kiện rất cao về cả mẫu mã, chất lượng và bao bì. Bên cạnh đó, ông Tỷ cho biết, các nhà đầu tư rất cần những thông tin cụ thể về từng vùng nguyên liệu trồng gì, nuôi gì, ở đâu, sản lượng bao nhiêu và chất lượng như thế nào?.

TS. Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: B.T)

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, TS. Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho rằng, Việt Nam có nguồn các mặt hàng nông lâm thủy sản đa dạng, có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước, ngoài việc bán hàng cho các doanh nghiệp tại nước sở tại thì cần tự chinh phục các thị trường này thông qua việc tự tìm hiểu về tiềm năng, luật pháp, thuần phong mỹ tục…

Về phía Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu sẵn sàng cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp ở trong nước, sẵn sàng là cầu nối để các doanh nghiệp trong nước vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, TS. Hoàng Mạnh Huê cũng chỉ ra rằng, việc liên hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp ở châu Âu và doanh nghiệp ở trong nước còn đang lỏng lẻo, phân tán, tự phát.

“Chúng tôi tìm nguồn hàng thông qua bạn bè, người quen nên chúng ta mất nhiều cơ hội kinh doanh. Tôi đi nhiều địa phương trong nước, có nhiều đặc sản xuất khẩu được nhưng chúng tôi không biết và người sản xuất cũng không biết được vì mối liên hệ lỏng lẻo” – TS. Hoàng Mạnh Huê dẫn chứng.

Do đó, TS. Hoàng Mạnh Huê cho rằng, cần khắc phục vấn đề này thông qua việc tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong nước với các tổ chức, doanh nghiệp ở các nước châu Âu thông qua các hội thảo, gặp gỡ, trao đổi , kết nối với nhau. Bên cạnh đó, cần xây dựng trung tâm dữ liệu để doanh nghiệp trong nước có thể truy cập, kết nối với doanh nghiệp tại châu Âu để có được các thông tin cần thiết. Về vấn đề này, cần có sự hợp tác thêm với một số cơ quan liên quan.

Cùng với đó, cần tận dụng tiềm năng của các trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, sử dụng các trung tâm thương mại này như các trung tâm xúc tiến thương mại, từ đó, có thể tổ chức các lễ hội văn hóa để quảng bá đặc sản của Việt Nam tại các nước sở tại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: B.T)

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những hỗ trợ tích cực từ bà con kiều bào. Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

“Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia. Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam. Đây là sản phẩm có tiềm năng, có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn Việt Nam. Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến…” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho biết, những năm gần đây, những kiến thức, tri thức, kinh nghiệm từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong đó, nhiều kiều bào đã về nước, phát triển kinh doanh, góp phần tăng năng suất, tạo việc làm cho người dân tại địa phương, đóng góp bảo tồn những nông sản quý, phát triển các loại cây cho năng suất cao.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tin rằng, với sự quyết tâm của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN&PTNT, cùng với những kinh nghiệm, nguồn lực, sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực triển khai tốt công tác ngoại giao về kinh tế, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan trong nước để xuất khẩu nông sản ra các thị trường; đồng thời, phát huy vai trò đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản tại các thị trường trọng điểm.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn mỗi kiều bào sẽ là một “đại sứ” nông nghiệp Việt Nam tại nước sở tại để các nước biết nhiều hơn đến Việt Nam thông qua các mặt hàng nông sản.

“Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, chú trọng thị trường xuất khẩu nông sản, do đó, mong rằng bà con kiều bào sẽ là người hỗ trợ giúp cho Bộ NN&PTNT, giúp cho hàng chục triệu hộ nông dân kết nối giao thương nông sản bền vững, thị trường luôn rộng mở” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/mong-muon-ba-con-kieu-bao-tiep-tuc-la-cau-noi-dua-nong-san-viet-vuon-xa-604016.html