Mỗi độ thu về
Có một dịp tình cờ khi tôi vừa hoàn thành quyển ký sự Ngọn nến chỉ dầy hơn 170 trang (khổ 10cm x 18cm) thì nhạc sĩ Phú Quang đến thăm tôi. Anh từ Hà Nội mới bay vào, chuẩn bị tổ chức mấy đêm nhạc tại Nhà hát TPHCM, mời tôi tham dự. Nghe vậy, tôi rất vui và ngỏ ý mua ủng hộ anh một số vé để chia sẻ. Vào 18 năm trước đó, khi làm xong bộ phim Nước mắt giang hồ (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của tôi), đạo diễn Vinh Sơn đã mời Phú Quang sáng tác phần nhạc đệm và bản nhạc này tôi được nghe lại trong một chương trình tác giả và tác phẩm của anh.
Chuyện vãn một lúc, Phú Quang lấy ra tờ giấy phôtô một bản nhạc, ký tên tặng tôi. Bản nhạc mang tên Ngọn nến, trùng ý tưởng với quyển ký sự mà tôi vừa làm xong. Ngẫu nhiên đến thấm đượm ân tình. Tôi liếc qua mấy dòng đầu:
Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa
Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã
Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu
Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu...
Những dòng nhạc chứa đầy tâm trạng, khác hẳn những lời tình tự với mùa thu sâu lắng, lãng mạn mà tôi thường nghe. Tôi nhìn anh, vầng trán có quá nhiều nếp nhăn, tóc không còn xanh nữa, đôi mắt thiếu những tia tinh anh như thuở nào, anh ít chưng diện, nhưng bộ quần áo mang phong thái "cây cơm nguội vàng" đã "lặng" đi một cách đáng buồn. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra bởi vì tâm trạng, sắc thái con người thường biểu hiện một điều gì đó nặng nề, bất an trong cuộc sống mà anh đang cố dồn nén tâm tư, chịu đựng một cách lặng lẽ. Tôi ngại ngùng không dám hỏi.
Anh quan tâm đến tờ báo mà tôi đang làm, anh luôn hỏi về những chuyến đi cứu trợ ở vùng sâu, vùng xa, về phong cách trẻ trung, nghệ sĩ của tôi không thay đổi theo thời gian qua những lần gặp. Anh đã đọc tiểu thuyết hình sự quốc tế Kế hoạch J.96 của tôi hai lần vì anh rất thích một tình cảm loáng thoáng, nảy nở giữa chàng sĩ quan Interpol Việt Nam Lê Bình và cô gái Thái xinh đẹp tên Atami, đối tượng mà anh nghi vấn phải sang Bangkok (Thái Lan) điều tra (tiểu thuyết được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng văn học năm 1999). Anh thích những chuyện tình thoang thoảng "mùi hoa sữa" ấy và định sáng tác một bản nhạc về... nhịp đập vượt biên giới của hai con tim. Anh nói truyện hình sự của tôi không có... súng, chỉ có hoa hồng và kết thúc luôn nhẹ nhàng như những chiếc lá thu rơi.
Tôi xin phép anh được in bài Ngọn nến vào quyển ký sự cùng tên để lưu dấu một kỷ niệm êm đềm của nhau, anh cười vui với ánh mắt buồn. Không ngờ quyển sách nhỏ viết về những chuyến đi thiện nguyện của bạn bè và tôi sau đó được Hội đồng văn học trao giải 3 văn chương. Bản nhạc Ngọn nến của Phú Quang có thể đã thổi thêm giai điệu du dương vào câu chuyện đầy tình người này - tôi nghĩ như vậy. Anh lại ra về, cuộc chia tay lần này không cười vui như những lần trước, tiễn anh xuống cầu thang mà tôi cảm thấy có điều gì đó xốn xang len lén trong lòng.
*
* *
Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn, đi cũng được nhiều nơi nên cũng có thể đưa ra những cảm nhận của riêng mình. Những bản nhạc nói về thành phố phồn hoa này luôn hứng khởi, vui tươi, trẻ trung như chính những hình ảnh, âm thanh diễn ra hàng ngày của nó (như bản Sài Gòn đẹp lắm của nhạc sĩ Y Vân), thỉnh thoảng cũng có một chút lãng mạn, bay bổng bâng quơ của tâm hồn (Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông... - giai điệu phổ thơ của hai người tài danh, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và thi nhân Nguyên Sa). Nhưng Hà Nội mới chính là thành phố của... Tình yêu và nỗi nhớ. Ở đâu đó trên mặt đất này, ta có thể nhìn thấy những thành phố nguy nga, cổ kính hơn, những tòa nhà tráng lệ, kiêu kỳ hơn, những con đường thênh thang, sắc màu nhảy múa cả ngày lẫn đêm... nhưng không nơi nào có chất thấm đậm thi ca, ở càng lâu càng xâm chiếm tâm hồn như biểu tượng ngàn năm văn vật của nó. Người ta không lấy làm lạ khi nhiều con người tài danh đã chọn cái nơi "bên trong sông Hồng" này để gởi gắm cuộc đời, nơi mà rất nhiều "tao nhân mặc khách" bị níu kéo bước chân, nơi mà rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn chương nói về mùa thu - một khoảnh khắc thiên nhiên huyền diệu, dù qua bao mùa lá đổ vẫn như một bí tích mà xúc cảm cũng như tài năng của con người vẫn chưa thể nói hết.
Cuộc sống là một sự vận động sinh học, cái sau thường phủ định cái trước, cái tốt rồi người ta vẫn đi tìm cái tốt hơn, cái hay rồi người ta vẫn luôn tìm cái ưu việt hơn. Vì vậy những giá trị về vật chất luôn luôn biến đổi theo thời gian, chỉ có những di sản về tinh thần mới đọng lại trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Ngày nay, Hà Nội đã không còn nghèo, vất vả như xưa nữa, thế nhưng cho dù có mọc lên bao cao ốc, những công trình diễm lệ khuynh đảo không gian thì người ta vẫn nhớ "Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu..." (Trịnh Công Sơn); dù có những tàu điện hoa mỹ uốn lượn trên không trung, người ta vẫn nhớ tiếng còi u uẩn lan trong sương đêm của những chiếc xe lửa già nua, những cuộc chia tay trên khoảnh sân buồn ở ga Hàng Cỏ mà cả hai bên đều muốn thời gian chậm lại. Dù có vượt đại dương, thưởng ngoạn những ngày "đế vương" trên chiếc du thuyền Victoria kỳ vĩ hay tắm mình trong mưa tuyết ở Mạc Tư Khoa tĩnh lặng, người ta vẫn không quên "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh" (Trương Quý Hải)...
Với Phú Quang, mùa thu là một hình ảnh không bao giờ lịm tắt trong ngọn nến sáng tác, Hà Nội là một tình yêu vô bờ, thấm vào từng làn da, thớ thịt. Chính tình yêu và lòng thủy chung với cảnh vật, con người, anh đã để lại một di sản quý giá và vĩnh cửu về Hà Nội, về mùa thu: Nỗi nhớ mùa đông, Mùa thu giấu em, Cho một người tình xa, Đâu phải bởi mùa thu, Dòng sông không trở lại...
*
* *
Lần đầu tôi đến Hà Nội là năm 1993, dự cuộc họp về chuyên môn báo chí, năm ấy tôi vừa được đề bạt làm Phó Tổng biên tập Báo Công an TPHCM, tờ báo có chỉ số phát hành cao nhất nước nên được nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ, tiếp đãi ân cần. Lúc ấy Hà Nội còn nghèo, dư âm của cuộc chiến vệ quốc khốc liệt vẫn còn lắng đọng trong tâm khảm nhiều người, vẫn còn nhìn thấy những chiếc huy chương trên ngực áo của các cựu chiến binh. Hàng chục năm bị cấm vận càng khoét sâu thêm vết thương xã hội, kinh tế vốn đã từng đẩy cuộc sống người dân vào cảnh khó khăn, kiệt quệ. Thế nhưng người Hà Nội không bi quan, đi đâu cũng nhìn thấy tiếng cười nói rộn ràng, vẫn có nhiều đôi tình nhân nắm tay, âu yếm theo từng bước chân đặt nhẹ bên Hồ Gươm, vẫn có những trận bóng đá đầy ắp khán giả trên sân Hàng Đẫy, vẫn có buổi hòa nhạc đỉnh cao tại Nhà hát Lớn, vẫn thoang thoảng mùi hoa sữa trong những chiều lất phất mưa bay...
Dù cuộc sống thế nào, người Hà Nội vẫn giữ phong cách lịch sự, ân cần trong giao tiếp, không chỉ tinh tế mà nhiều người còn tử tế. Dù mới quen nhau, họ cứ mời tôi đi tham quan chỗ này, chỗ kia, đãi những món ăn dân dã nhưng lạ lẫm, thấm đượm hương vị ngàn năm. Sau này, khi Bộ Công an điều động tôi giữ chức Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân kiêm Trưởng cơ quan đại diện tại TPHCM, tôi lại có thêm điều kiện quan hệ, tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, giới làm văn hóa - nghệ thuật (trong đó có những người lừng danh như nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Đình Thi, tác giả Lá đổ muôn chiều Đoàn Chuẩn), tài năng của họ đã giúp cho tôi có thêm niềm cảm hứng sáng tác, phấn đấu nghề nghiệp. Tiểu thuyết hình sự quốc tế Kế hoạch J.96 (được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải 2 văn học, dựng thành bộ phim Đô la Trắng dài 14 tập) đã ra đời sau những lần tôi ngồi trò chuyện với các sĩ quan Interpol tại Tổng cục Cảnh sát.
*
* *
Và, Phú Quang là người đã mang đến cho tôi cái se lạnh của hồ Gươm vào những ngày chớm đông, cái nồng ấm, dạt dào của những cành hoa đào khi tiết xuân len lén chiếm ngự tâm hồn của muôn người... Ở anh, tôi cảm thấy được truyền thêm những đam mê sáng tạo, một tình yêu vô bờ với mảnh đất đã nuôi nấng mình nên người. Sài Gòn không có mùa thu nhưng những chiếc lá me bay bay trong mưa vẫn gợi trong lòng người giai điệu buồn của một bản nhạc, gợi trong ký ức một kỷ niệm xa xưa nào đó. Lần cuối cùng anh gặp tôi đã để lại một bầu trời thương nhớ vì sau đó anh không còn thả nhẹ những bước chân bên hàng liễu rũ dưới trời thu nữa. Tôi thảng thốt như tiếc nuối cái gì đó vừa đánh mất trong cuộc đời, không thể khóc bạn như Nguyễn Khuyến nhớ Dương Khuê, trong đêm u tịch, tôi tìm lại quyển ký sự Ngọn nến và nuốt từng giai điệu của bản nhạc vào trong đôi mắt:
Sao tình yêu còn dâng trong mắt em
Cho ta nhớ một thời trai trẻ
Sao mùa thu còn vương trong mắt em
Cho ta tiếc một thời xa đến thế...
Vâng, một thời xa đến thế!
Bất cứ ai dù hiện tại đã đạt được những điều theo ý nguyện nhưng vẫn hoài niệm về những tháng ngày xanh tươi nhất của đời người, nhớ tiếng trống tan trường, nhớ mối tình đầu dang dở, nhớ những điệu ru vi vu theo làn gió...
Dẫu một mai tình xa trong đắng cay
Sẽ còn mãi những phút giây này...
Trong tôi vẫn còn mãi một Hà Nội tình yêu và nỗi nhớ!
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/moi-do-thu-ve_166741.html