Mở hướng làm giàu cho nông dân Tam Đảo

Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Tam Đảo đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu từ nông nghiệp với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nghề nuôi cá tầm đã mở ra hướng làm giàu cho nông dân xã Đạo Trù (Tam Đảo), Ảnh: Chu Kiều

Những thành quả đó là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền và người nông dân, trong đó có sự đóng góp của Trạm Khuyến nông huyện.

Với việc thường xuyên mở các lớp tập huấn, kết hợp với trình diễn, triển khai các mô hình mới tiêu biểu, đơn vị đã trang bị kiến thức cho nông dân để họ đổi mới tư duy, cách làm, áp dụng KHKT vào sản xuất, thay thế những phương pháp sản xuất truyền thống. Nhờ đó, đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân trên địa bàn.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo Bùi Văn Cầu cho biết: Khuyến khích người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đơn vị luôn quan tâm đến công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ cho nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng.

Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn với tổng số quy mô cấp chế phẩm cho gần 1,1 triệu con gà, 8.760 con lợn, 200 con bò thịt, 100 con bò sữa.

Hỗ trợ mô hình xử lý rơm rạ trên 200 ha lúa năm 2021 ở 4 địa phương: Thị trấn Đại Đình, các xã: Hồ Sơn, Tam Quan, Minh Quang.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai mô hình nuôi gà tại xã Minh Quang và thị trấn Đại Đình với 4.500 con gà, có phương án hỗ trợ phù hợp; hướng dẫn các hộ chăm sóc mô hình trồng cây dược liệu.

Hoàn thiện, chỉnh sửa dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 với quy mô trồng mới 210 ha, trong đó có 60 ha diện tích mô hình điểm các loại cây dược liệu, 100 ha diện tích dược liệu trồng thuần, 50 ha dược liệu trồng xen dưới tán rừng với tổng kinh phí trên 126 tỷ đồng.

Dự án phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 với 4.785 con các loại, quy mô chăn nuôi hộ gia đình, bình quân nuôi từ 6- 9 con/hộ, có gần 800 hộ tham gia với tổng kinh phí gần 221 tỷ đồng.

Dự án phát triển chăn nuôi gà an toàn - hướng tới xây dựng thương hiệu "Gà Núi Tam Đảo" giai đoạn 2021- 2025 quy mô 80 nghìn con gà nuôi mô hình, được thực hiện trong 5 năm (hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân dần chuyển đổi phương thức chăn nuôi, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu “Gà Núi Tam Đảo”) với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng…

Được Trạm Khuyến nông Tam Đảo hỗ trợ con giống, nguồn thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông Trần Văn Á, Tổ dân phố Hữu Tài, thị trấn Đại Đình đầu tư nuôi 1.200 con gà Hồ chân to.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ sau 3 tháng, đàn gà của gia đình đạt 2,5 kg/con và xuất bán với giá 55 nghìn đồng/kg. Lứa gà vừa qua, gia đình đã xuất bán trên 800 con, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi trên 25 triệu đồng.

Chia sẻ về “bí kíp”, ông Á cho biết: “Cách nuôi gà Hồ chân to khá đơn giản, khi gà mới nhập về (1 ngày tuổi), bổ sung nước uống, đường Gluco, Permasol 500, Vitamin C.

Sau 2 – 3 giờ đồng hồ đổ thức ăn cho gà con, chú ý nên chọn loại cám được chế biến với khả năng tiêu hóa thức ăn của gà con lúc này, không nên đổ thức ăn dày quá bởi vì gà con vừa ăn vừa bới.

Khi 7 ngày tuổi, nhỏ chủng đậu và nhỏ Lasota; 14 ngày tuổi trộn kháng sinh Neomycin 1g/1kg thức ăn; 21 ngày tuổi hết sức chú ý các yếu tố như: Nhiệt độ, môi trường, thức ăn ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng của đàn gà; mọi vật dụng như máng ăn, máng uống phải giữ gìn vệ sinh, rửa sạch khi cho thức ăn mới, lượng thức ăn vừa đủ, tránh để thức ăn lâu ôi thiu, kém chất lượng.

Khi còn bé, cho gà ăn loại cám phù hợp với độ tuổi; khi gà lớn, cho ăn cám phù hợp độ tuổi, thỉnh thoảng cho ăn kết hợp rau cỏ để bổ sung vitamin và giúp gà dễ tiêu hóa.

Đối với gà nuôi kiểu chăn thả, thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, cám gạo, bèo và rau xanh… Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi thêm khoảng 2 nghìn con nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cùng đi với đoàn cán bộ của Trạm Khuyến nông Tam Đảo, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Trường, thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, một hộ dân đã gắn bó với núi rừng Tam Đảo 45 năm nay để tìm hiểu về mô hình nuôi cá tầm nơi đây.

Sau gần 30 phút chạy xe trên con đường nhiều đèo dốc, trang trại chăn nuôi cá tầm kết hợp với du lịch trải nghiệm của ông Trường hiện ra thật bề thế.

Ông Trường vui vẻ cho biết: Mặc dù “khởi nghiệp” chăn nuôi cá tầm chậm hơn, nhưng gia đình lại có được những điều kiện thuận lợi hơn các hộ khác như nhận được sự trợ giúp của trạm khuyến nông huyện về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống...

Sau nhiều năm tích cóp và vay mượn thêm vốn, gia đình đã quyết định đầu tư 1,8 tỷ đồng để chăn nuôi cá tầm. Hiện tại, trong bể của gia đình có khoảng 4.000 con đang trong thời kỳ có thể xuất bán, mỗi con cá nặng từ 2,5 – 3,5kg. Với giá bán hiện nay là 250 nghìn/kg, gia đình có thu nhập khá.

Với sự trợ giúp của ngành chức năng cùng với ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, người nông dân Tam Đảo đã biết phát huy lợi thế về đất đai, năng động, sáng tạo để làm giàu, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn của huyện Tam Đảo nói riêng, của tỉnh nói chung.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64790/mo-huong-lam-giau-cho-nong-dan-tam-dao.html