Mô hình kinh tế ban đêm: Gà chưa đẻ trứng vàng!

Ngày 16-11, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ V năm 2022 với chủ đề: 'Nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương'. Đây là sự kiện trong chuỗi Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2022 do Sở Công thương TPHCM tổ chức.

Trăm hoa đua nở

Hầu hết ý kiến nêu ra tại hội nghị cho rằng, KTBĐ xuất hiện tại Việt Nam khá lâu, đặc biệt ở các thành phố lớn. Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, tại TPHCM, mô hình khu phố ẩm thực hoạt động từ 15 giờ đến 2 giờ sáng ngày hôm sau tại khá nhiều quận huyện, thu hút được lượng khách trong và ngoài nước; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm để góp phần phát triển du lịch thành phố. Nhiều khu chợ đêm hình thành và tạo hiệu ứng tốt như phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Bùi Viện (quận 1); chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)…

Khách du lịch trên du thuyền tại bến Bạch Đằng ngắm TPHCM về đêm

Khách du lịch trên du thuyền tại bến Bạch Đằng ngắm TPHCM về đêm

Việc hoạt động của các khu phố ẩm thực, khu chợ đêm nhìn chung đã có những hiệu quả nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân, tạo thêm điểm giải trí lành mạnh cho khách du lịch trong việc trải nghiệm, thưởng thức các món ăn và giữ gìn truyền thống. Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách và người dân mua sắm cũng được thực hiện tốt. Đúc kết phát triển KTBĐ tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, giải trí và hoạt động về đêm là nhóm sản phẩm du lịch được tất cả các phân khúc khách ưa chuộng.

Một điểm bán tò he phục vụ khách du lịch về đêm tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một điểm bán tò he phục vụ khách du lịch về đêm tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tương tự, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, tận dụng thế mạnh, bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến với hơn 5.000 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có một số di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những năm qua Hà Nội tập trung chỉ đạo phát triển KTBĐ và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Ví dụ, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức triển khai mở rộng thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng cho 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ kết hợp cùng nhiều tuyến phố được quy hoạch và các vùng phụ cận, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Phố đi bộ còn là nơi diễn ra hàng trăm sự kiện văn hóa lớn nhỏ, thu hút sự tham gia của rất nhiều người, đặc biệt là khách du lịch.

Cần giải pháp tổng thể
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, đại diện các địa phương chia sẻ KTBĐ vẫn còn manh mún, chưa thực sự đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Nguyên Phương thẳng thắn nhận định, đầu tư phát triển KTBĐ tại TPHCM chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP; từ phát triển về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến đầu tư, bố trí mạng lưới giao thông phục vụ, hình thành các khu phố đi bộ… Đặc biệt, chưa có khung pháp lý hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTBĐ và kiểm soát rủi ro; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, trong đó có lồng ghép nội dung phát triển KTBĐ chưa được ban hành; chưa có mô hình quản lý nhà nước thống nhất đối với các loại hình hoạt động của KTBĐ.

“Tại Hà Nội, một số tồn tại cần khắc phục để có thể tận dụng và phát huy tốt hơn nữa trong tương lai như quy mô hoạt động KTBĐ còn rất nhỏ, các hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu với hiệu quả kinh tế chưa rõ nét”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ. Đối với Đà Nẵng, theo Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phát triển KTBĐ của TP cũng còn nhiều khó khăn. Cụ thể, Đà Nẵng hiện chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển KTBĐ, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sở Công thương Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển KTBĐ, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố có căn cứ thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, PSG-TS Nguyễn Quyết Thắng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, phát triển KTBĐ là “gà đẻ trứng vàng”. Dẫn chứng từ các quốc gia có hoạt động KTBĐ mang lại hiệu quả cao trên thế giới năm 2020: Anh đạt 70 tỷ bảng Anh, Nhật 400 tỷ yên... Còn KTBĐ ở nước ta chưa phát triển là do nhận thức hoạt động về đêm là những lĩnh vực “nhạy cảm”.

Thực trạng khó khăn, thách thức hiện nay của hoạt động KTBĐ còn chậm, đơn điệu, thiếu điểm nhấn; hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ còn nhiều khó khăn; công tác quản lý cho phát triển bền vững, an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường cần được nâng cao; đội ngũ cán bộ quản lý và công tác tuyên truyền người dân, doanh nghiệp còn yếu. “Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức từ lãnh đạo quản lý đến người dân mới mong KTBĐ phát triển lớn mạnh, từ đó đóng góp vào nguồn lực kinh tế địa phương cũng như cả nước”, PSG-TS Nguyễn Quyết Thắng nói.

LẠC PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//mo-hinh-kinh-te-ban-dem-ga-chua-de-trung-vang-856893.html