Miễn giảm thuế chính là 'khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc'
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần củng cố một bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế và cũng góp phần thực hiện 'khoan thư sức dân' như truyền thống của cha ông và di nguyện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 50 năm trước.
Tích cũ chuyện xưa
Mùa hè năm 1300, cách đây tròn 720 năm, khi biết tin Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lâm bệnh, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi kế sách: “Nếu chẳng may Vương mất, giặc phương bắc lại sang thì làm thế nào?”. Trần Hưng Đạo đã để lại câu nói nổi tiếng: “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Nước lấy dân là gốc, “khoan thư sức dân” chính là bồi bổ cho gốc rễ của nước nhà được tăng thêm sức mạnh, để dân tộc trường tồn, vẻ vang.
“Khoan thư sức dân” là dùng những chính sách nhẹ nhàng làm cho sức dân được phục hồi sau những hư hao, mất mát do binh lửa chiến tranh hoặc thiên tai, dịch dã. “Khoan thư sức dân” chính là yêu cầu phải quan tâm, chăm lo đời sống của dân, phải bồi dưỡng sức dân để từ đó sức mạnh dân tộc được tăng lên. Phương châm chiến lược này đã được nhiều triều đại Việt Nam thực hành và chứng nghiệm tác dụng nhiều lần trong lịch sử.
Không phải chỉ từ Trần Hưng Đạo và thời Trần, ngược dòng lịch sử dân tộc, chúng ta đều thấy thế nước mạnh khi sức dân được tăng cường củng cố. Từ truyền thuyết, các đời vua Hùng đã sớm biết dưỡng dân để kéo dài hưng thịnh triều đại của mình. Vì mở đất, chăm dân, định đô ở địa hình bằng phẳng, rộng lớn, dựa vào địa thế sông núi để bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ dân.
Ngay sau khi lên ngôi và dời đô, vua đầu triều Lý đã hạ chiếu miễn sưu thuế cho dân. Sử còn ghi lại trong gần 18 năm ở ngôi, Lý Thái Tổ đã 3 lần giảm sưu thuế cho dân. Chính vì luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân nên nền độc lập của Đại Việt được khẳng định mạnh mẽ, biên cương vững chắc, quốc thổ thống nhất, võ công, văn hiến phát triển rực rỡ. thế nước vươn cao khiến lân bang phải nể trọng.
Đầu thế kỷ 15, sau khi đánh đuổi quân Minh về nước, Nguyễn Trãi tố cáo tội ác của quân xâm lược qua “Đại cáo bình Ngô” khiến nhân dân đau thương, cực khổ. Ông cũng tâu nhà vua hãy chăm lo cho dân “làm sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”. Mỗi đời vua sáng đều có những chính sách tích cực khuyến nông, an dân để tăng cường, củng cố sức mạnh của đất nước.
Khi nền độc lập dân tộc lâm nguy, lớp lớp con dân đất Việt sẵn sàng ra trận. Nước ta đất không rộng, người không đông, nhân lực, vật lực đều ở thế yếu hơn nhiều lần so với các kẻ thù xâm lược. Mỗi lần bất khuất chống giặc, cả dân tộc cùng phải gồng mình “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhưng khi đã đánh tan kẻ thù, “súng gươm trút bỏ lại hiền như xưa”, những người lính lại trở về với ruộng vườn, cây cỏ. Sau mỗi cuộc kháng chiến thắng lợi, cả dân tộc lại bắt đầu một cuộc chấn hưng đất nước để hàn gắn những vết thương chiến tranh, cho sức mạnh dân tộc được phục hồi và củng cố.
Nghĩ về “khoan thư sức dân” thời nay
Ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, thời nào cũng vậy, đại đa phần những người lính chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc là những người nông dân. Trong “Thời đại Hồ Chí Minh”, quyết bảo vệ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, các miền quê là hậu phương lớn đã dồn hết sức của sức người cho tiền tuyến bằng phương châm: “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn rõ và cảm thông với nỗi cực nhọc của những người nông dân trong và sau thời chiến. Người căn dặn trong bản Di chúc: “… đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Những lời ấm áp đó càng làm sáng rõ chủ trương “khoan thư sức dân” sau ngày thắng lợi.
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện liên tục từ năm 2001, nhiều lần được điều chỉnh và mở rộng đối tượng nhận ưu đãi. Sau 20 năm, chính sách này đã góp phần trợ giúp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
Trong phiên họp ngày 25-5 (kỳ họp thứ 9, khóa XIV) các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và tán thành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm, từ 2021 - 2025. Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kỳ vọng sẽ thiết thực hỗ trợ người nông dân giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn (khoảng 7.500 tỷ đồng/năm) sẽ là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của nhà nông. Chính sách nhân văn này là một trong những biện pháp trực tiếp thực hiện chủ trương lớn xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ người nông dân và khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chính sách đó, chúng ta cũng thực hiện “khoan thư sức dân” như truyền thống của cha ông.
Cần tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp
Trong bối trong bối cảnh dịch bệnh tác động vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thì việc giãn, hoãn, giảm thuế cần tiến thêm một nấc nữa. Cụ thể, thời hạn hoãn và giảm cần nhiều hơn, kéo dài hơn. Với thời gian miễn giảm như hiện nay, việc hỗ trợ chỉ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chứ chưa đủ tạo tiềm lực để doanh nghiệp phát triển. Nhà nước cần chia sẻ nhiều hơn với DN các gánh nặng chi phí, thông qua việc miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài một vài năm. Ngoài ra, cũng nên có những gói hỗ trợ nhất định cho những ngành nghề chịu nhiều thiệt hại lớn như du lịch, hàng không, logistics… Có như vậy doanh nghiệp mới duy trì và bật dậy được. Hiện nay, các chính sách của chúng ta đã hỗ trợ phần nào cho DN nhưng tác động chưa thực sự nhiều. Ví dụ đề xuất giảm thuế, thực tế thì đa phần các DN trong năm 2020 sẽ khó mà làm ăn có lãi để nộp thuế, nếu có, mức nộp là không đáng kể. Theo tôi, cái mà DN cần là môi trường kinh doanh phải ổn định, họ phải được yên tâm sản xuất kinh doanh, không bị sách nhiễu, không nơm nớp lo thanh tra, kiểm tra. Tôi nghĩ cái này Nhà nước phải làm quyết liệt, triệt để, ông nào “thò tay” sách nhiễu DN thì phải “chặt luôn”, như thế mới hiệu quả.
TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM)
Doanh nghiệp làm ăn có lãi thì việc giảm thuế mới có ý nghĩa
Hiện nay, quy mô thu ngân sách là 1,4 triệu tỷ đồng, nên theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thu ngân sách khi giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 15.840 tỷ đồng tôi nghĩ là có thể cân đối được. Tất nhiên, với DN thì họ muốn giảm càng nhiều càng tốt, nhưng giảm bao nhiêu phải đặt trong bối cảnh chung về cân đối thu - chi ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì thu ngân sách sẽ rất khó khăn. Theo tôi thì Bộ Tài chính làm được thế là tốt rồi, đúng phần việc của họ rồi. Nhưng mục đích quan trọng nhất là hỗ trợ DN phục hồi thì cần giải pháp đồng bộ chung giữa chính sách tài khóa với các chính sách hỗ trợ khác. Các giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra đã hỗ trợ cho DN nhưng chưa tháo gỡ những khó khăn mang tính quyết định của họ. Cái khó nhất của DN hiện nay là vận hành lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ, cái này cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành. Khi giúp được DN quay trở lại sản xuất, kinh doanh để có thu nhập nộp thuế thì chính sách giảm thuế mới có ý nghĩa.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế