Mẹ của Inamori Kazuo chỉ trao 1 thứ nhưng giúp con trai trở thành 'thần kinh doanh Nhật Bản'
Từ một đứa trẻ nghịch ngợm, Inamori Kazuo đã sống tự lập và thành công nhờ phương pháp giáo dục đơn giản của người mẹ nội trợ.
Kazuo Inamori, người được mệnh danh là "Thần kinh doanh Nhật Bản” có cuộc đời đầy những trải nghiệm huyền thoại. Ông thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Kyoto ở tuổi 27 và KDDI ở tuổi 52. Cả hai đều lọt vào top 500 thế giới, giúp Kazuo Inamori tạo nên những thành tựu đáng nể.
Học giả nổi tiếng Trung Quốc Ji Xianlin từng ca ngợi Kazuo Inamori là "nhà hiền triết về quản lý", ông vừa là một doanh nhân vừa là một triết gia.
Khi bước vào đô tuổi ngoài 80, Kazuo Inamori thường nhớ lại cuộc sống của mình với mẹ ngày trước, về những ảnh hưởng và lời dạy của mẹ đối với mình với một lòng biết ơn sâu sắc. Đến năm 83 tuổi, ông mới viết cuốn sách “Những lời dạy của mẹ đã thay đổi cuộc đời tôi” để vừa tìm lại cội nguồn trưởng thành tâm hồn, cũng để tưởng nhớ đến mẹ.
Mẹ của Kazuo Inamori là một bà nội trợ Nhật Bản bình thường chỉ học hết tiểu học. Vậy làm thế nào mà một người mẹ tưởng chừng như bình thường ấy lại dùng cách sống và thái độ sống của mình để nuôi dạy một “thần kinh doanh” phi thường, nổi tiếng thế giới?
1. Dạy con cách lạc quan đối mặt với cuộc sống
Đối với giáo dục gia đình, sự dạy dỗ của cha mẹ chính là điều ảnh hưởng và uốn nắn con cái một cách tinh tế. Trong mắt Inamori, mẹ ông - bà Kimi, là một người vui vẻ và dễ gần: Ăn nói giỏi nhưng không cầu kỳ, lạc quan nhưng không phô trương, chân thành nhưng không kén chọn người khác… đặc biệt luôn giữ tinh thần trẻ trung và tích cực.
Gia đình Inamori có 7 anh chị em, cha mẹ ông điều hành một xưởng in nhỏ. Mẹ của Inamori không chỉ đảm đương việc nhà, chăm sóc con cái, mà còn cáng đáng việc phân chia lao động trong xưởng. Sau một ngày bận rộn, thậm chí không có thời gian để ngồi xuống, nhưng bà vẫn cho mọi người thấy khuôn mặt tươi cười mỗi ngày.
Sau chiến tranh, nhà máy bị phá hủy, cả gia đình thất nghiệp. Trong những tháng ngày khó khăn gian khổ ấy, người mẹ vốn sức khỏe không tốt đã kiên cường bước tiếp. Hai năm liền, Inamori vắt vẻo trên những chuyến xe quá tải đi bán hàng ở chợ quê, chính nhờ sự vất vả của mẹ mà cuối cùng cả gia đình không rơi vào cảnh sống lang thang ngoài đường. Những gì mẹ của Inamori đã làm là đối mặt với cuộc sống một cách vui vẻ, lạc quan và thực sự cho bọn trẻ thấy sự chăm chỉ của mình. Bà cũng luôn tử tế và hay giúp đỡ mọi người xung quanh mà không mong cầu sự báo đáp.
Inamori nhìn thấy và nghe thấy những việc làm tốt đẹp của mẹ mình hàng ngày, ông cho rằng: "Chính lòng vị tha đó đã tạo cơ sở để tôi đối nhân xử thế, làm những việc tốt cho xã hội và cho những người khác. Đây là điều mà mẹ tôi đã dạy tôi từng chút một bằng hành động của chính bà khi bà còn sống".
2. Hãy để trẻ cảm nhận được tình yêu của mẹ mọi lúc, mọi nơi
Mẹ Kimi rất bận rộn, nhưng dù mẹ có bận rộn đến đâu thì tình mẫu tử vẫn luôn sâu sắc trong lòng những người con của bà. Ngày còn bé, có lần khi nhìn thấy một cửa hàng bán những chú thỏ nhỏ màu trắng, cậu bé Inamori đã đòi mẹ mua cho. Mẹ lúc đầu phớt lờ yêu cầu này khiến Inamori vừa khóc vừa quấy, vì vậy bà đành phải bình tĩnh thuyết phục Inamori. Mẹ bảo cậu bé phải cho con thỏ nhỏ ăn hàng ngày, nếu làm được thì mẹ sẽ mua và Inamori thề thốt đồng ý.
Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, sự nhiệt tình của Inamori không kéo dài được bao lâu, vài ngày sau cậu đã phớt lờ chú thỏ nhỏ. Kết quả là nhiệm vụ chăm sóc chú thỏ nhỏ lại vào tay người mẹ vốn đã rất bận rộn, mặc dù không hài lòng nhưng bà vẫn thay Inamori chăm sóc.
Khi Inamori học lớp ba tiểu học, cơ thể dần lớn lên và cậu bé trở thành một vị "Vua nhí" trong lớp. Hầu như ngày nào Inamori cũng đưa bốn, năm đứa trẻ đến nhà sau giờ học. Trong ký ức của Inamori, trên chiếc bàn lớn dành cho 8 người ở nhà, dường như lúc nào cũng bày sẵn bốn, năm món ăn nhẹ.
Bà Kimi luôn có thể tranh thủ thời gian trước khi Inamori đi học về để chuẩn bị những món ăn nhẹ này cho cậu và những người bạn của cậu, việc này diễn ra hàng ngày mà không hề bị gián đoạn. Khi còn nhỏ, Inamori coi tất cả những điều này là đương nhiên, khi trưởng thành nhìn lại mới thấy, có thể kiên trì chuẩn bị những thứ này cho bọn trẻ mỗi ngày quả là một điều tuyệt vời.
"Mặc dù mẹ tôi không ở bên tôi mọi lúc, nhưng mẹ luôn quan tâm đến tôi."
Chỉ cần người mẹ luôn quan tâm đến con, yêu thương con, có tấm lòng dịu dàng che chở cho con thì dù không thể ở bên con mọi lúc, con vẫn cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Tình cảm này chắc chắn sẽ có thể hướng dẫn đứa trẻ đi đúng đường trong cuộc sống.
3. Cho trẻ cảm giác an toàn
Trước khi lên tiểu học, Inamori hoàn toàn không phải là một đứa trẻ ngoan. Cậu còn có biệt danh là "đứa trẻ khóc 3 tiếng". Vì một khi bắt đầu khóc, cậu sẽ khóc suốt ba tiếng đồng hồ mới dừng.
Trong hồi ức của Inamori, mẹ Kimi không bao giờ đánh mắng hay khiển trách ông nặng lời. Bà cũng không phải là người nuông chiều con vô nguyên tắc. Đối mặt với một đứa trẻ có thể khóc lóc suốt ba tiếng và lúc nào cũng dỗi hờn, nếu là một người mẹ bình thường có lẽ sẽ nghiêm khắc khiển trách, thậm chí đánh đòn. Nhưng mẹ của Inamori thì không như vậy, "bà ấy chỉ nói rằng 'thật là một đứa trẻ phiền phức' và chấp nhận tính tình này của tôi".
Chính tình yêu vô điều kiện này không chỉ đồng hành cùng Inamori suốt thời thơ ấu với cảm giác an toàn tuyệt đối, mà còn trở thành trụ cột tinh thần của cuộc đời Inamori sau này. Những đứa trẻ có cảm giác an toàn mạnh mẽ sẽ quay trở về khi gặp phải những thất bại và khó khăn trên đường đời, bởi vì họ biết rằng gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất.
4. Trao cho con niềm tin, để con trưởng thành một cách tự lập
Mẹ Kimi đã cho cậu bé Inamori niềm tin vô song. Chỉ cần Inamori tin rằng mình đang làm điều đúng đắn từ tận đáy lòng, thì ngay cả khi gặp rắc rối, mẹ vẫn sẽ vững vàng đứng về phía cậu. Sự tin tưởng này luôn lay động và sưởi ấm Inamori.
Sau khi Inamori lên tiểu học, số lần đánh nhau với bạn bè cũng tăng lên mỗi ngày. Khi Inamori thua, bị thương hoặc khóc lóc về nhà, mẹ chắc chắn sẽ hỏi cậu tại sao. Nếu Inamori trả lời: “Con cảm thấy con đúng nên con đã cãi nhau với bên kia, nhưng cuối cùng con thua”. Mẹ nhất định sẽ bảo: “Con đã cho là mình đúng, sao con lại khóc lóc quay về?”
Thời trung học, Inamori từng mê bóng chày đến mức bỏ bê việc học. Một ngày nọ, sau giờ học, mẹ nói với anh: "Kazuo, con đã phải cãi nhau với bố về việc đi học, con đã được đến trường, nhưng bây giờ con lại đi chơi bóng chày mỗi ngày. Có thể những người bạn cùng chơi với con rất giàu có, nhưng gia đình chúng ta không như vậy, cuộc sống bây giờ khó mà duy trì được. Kazuo, tại sao con ngày nào cũng chỉ biết chơi bóng chày".
Từ đầu đến cuối, mẹ của Inamori không hề to tiếng mà chỉ nói những lời này bằng giọng điệu bình tĩnh và thuyết phục. Mẹ thậm chí không bảo Inamori ngừng chơi bóng chày hay yêu cầu cậu giúp đỡ gia đình. Nhưng chính vì vậy, những lời nói của mẹ anh đã tác động rất lớn đến Inamori và khiến cậu “tỉnh ngộ”. Bà tin rằng Inamori có thể nhận ra và trở về con đường đúng đắn nên không mắng mỏ cậu quá nhiều.
Trên thực tế, có rất nhiều điều trong quá trình trưởng thành của con diễn ra đúng lúc mà bạn không thể nhìn thấy. Điều mà cha mẹ có thể làm trước hết là sự tin tưởng và công nhận, chỉ khi trẻ cảm nhận được sự tin tưởng này thì chúng mới có thể tự chủ được.
Có thể nói, những thành tựu sau này của Kazuo Inamori hoàn toàn không thể tách rời công ơn nuôi dạy của mẹ ông từ khi còn nhỏ. Sự nuôi dưỡng mà ông nhận được từ mẹ đã giúp ông luôn chọn đúng con đường ở những bước ngoặt của cuộc đời mà không lạc lối, trở thành “thần kinh doanh” của Nhật Bản.
Cách giáo dục đơn giản của mẹ Kazuo Inamori cũng đã truyền rất nhiều cảm hứng cho các bậc cha mẹ hay lo lắng ngày nay. Nền tảng của giáo dục gia đình là giáo dục giá trị và nhân cách. Những lời răn dạy và việc làm của cha mẹ, tình yêu thương từ tận đáy lòng, sự chấp nhận và tin tưởng vô điều kiện dành cho con cái là nguồn động viên và hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho con.
Dù cha mẹ có bình thường đến đâu, chỉ cần họ hiểu được chân lý này, thì đều có thể nuôi dạy những đứa con thành tài.
Nguồn: Theo Zhihu