Máy bay hình viên đạn: Cuộc cách mạng hàng không

Máy bay Otto Celera 500L của hãng Otto Aviation (Mỹ) có hình dáng khác lạ. Người thì cho rằng nó giống một quả trứng, người lại bảo giống hình một viên đạn hay một viên thuốc…

Celera 500L (phải) và chiếc Piper PA-31, một loại máy bay phản lực cánh quạt phổ biến được sử dụng bởi các hãng hàng không nhỏ hơn và hàng không tư nhân.

Cho dù giống với vật gì thì máy bay này có hình dạng rất bắt mắt và điều khác biệt nhất là đặc điểm khí động học rất độc đáo. Theo nhà sản xuất Otto Aviation, máy bay này vượt trội về hiệu suất và tiết kiệm chi phí.

Di chuyển mượt, hiệu suất cao

Otto Celera 500L - chở được 6 hành khách, tốc độ 740km/h và tầm bay hơn 7.200km - được thiết kế nhằm giảm đáng kể lực cản bằng cách cho phép không khí lưu thông rất êm trên bề mặt máy bay. Điều đó làm cho máy bay tiêu tốn ít điện hơn, đồng nghĩa với việc nó đốt cháy ít nhiên liệu hơn.

Theo ông William Otto Jr. - Giám đốc điều hành của Otto Aviation, Otto Celera 500L có hiệu suất cao gấp 4-5 lần so với các máy bay có động cơ tuốc bin cánh quạt khác và cao hơn 7- 8 lần hiệu suất của máy bay phản lực.

Chi phí cho một giờ vận hành của chiếc máy bay này là khoảng 7,4 triệu đồng/giờ bay, so với hơn 47 triệu đồng của máy bay thông thường.

Celera 500L là sản phẩm của ông William Otto Sr. – một cựu binh hàng không vũ trụ, từng tham gia nhiều chương trình từ tên lửa Minuteman của Mỹ cho tới máy bay ném bom B-1. Dự án chế tạo Celera 500L bắt đầu từ một ý tưởng mang tính thử nghiệm khi ông tự hỏi, liệu có thể thiết kế một máy bay thương mại có mức chi phí thấp hơn đáng kể so với các lựa chọn hiện tại hay không?

Chỉ cần một động cơ diesel

Celera 500L ban đầu sẽ dùng động cơ diesel, nhưng Otto Aviation đang xem xét các lựa chọn chạy bằng điện và hydro.

Do dòng chảy tầng khiến máy bay cần ít năng lượng hơn, Celera 500L chỉ cần một động cơ diesel V12 do nhà sản xuất RED của Đức thiết kế ở phía sau. Ông Otto cho biết, đây là động cơ máy bay hiệu quả nhất mà hãng tìm được phù hợp với thân máy bay có khí động học như Celera 500L.

Trong tương lai gần, động cơ diesel này có thể được thay thế bằng động cơ điện hoặc hydro để máy bay không phát khí thải. Ông Otto khẳng định, hiện tại Celera 500L đã giảm 80% lượng khí thải carbon so với các đối thủ cạnh tranh. Tính trên tỷ lệ mỗi hành khách, hãng hoạt động hiệu quả hơn so với các hãng máy bay khác, đáp ứng được các tiêu chuẩn mới về khí thải.

Celera 500L bay lần đầu tiên vào năm 2018 và kể từ đó đã hoàn thành khoảng 50 chuyến bay thử nghiệm. Cho đến nay, nó chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 404 km/h và ở độ cao gần 5.200m, nhưng một phiên bản động cơ mạnh hơn sắp được lắp đặt sẽ cho phép nó đạt tốc độ lớn hơn và bay ở độ cao khoảng 12.000m.

Tại một số thiết kế mới, các cửa sổ sẽ được thêm vào thân máy bay (hiện nó không có cửa sổ nào). Ông Otto dự đoán máy bay này sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2025. Vào thời điểm này, Otto Aviation đã gặp các đối tác, nhà khai thác tiềm năng toàn cầu và nhận được sự quan tâm từ khắp nơi về Celera 500L. Ước tính lượng khách hàng sẽ lớn hơn 100 lần so với thị trường hàng không tư nhân hiện nay.

Những mẫu máy bay lớn hơn

Celera L500 được thiết kế để chở 6 hành khách.

Do hình dáng của máy bay với cabin rộng rãi hơn so với các máy bay tương đương như Pilatus PC-12 hoặc Beechcraft King Air, Celera 500L có cabin đủ cao để hành khách có thể đi bộ và có một nhà vệ sinh đứng. Ông chủ của Otto Aviation cho rằng nó thực sự ngang hàng với một máy bay thương mại cỡ trung.

Ban đầu, máy bay này sẽ được bán cho khách hàng tư nhân với mức giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, hãng có kế hoạch cho ra 2 mẫu lớn hơn có thể chứa tối đa 19 và 40 hành khách tương ứng, khiến chúng trở nên cạnh tranh với các máy bay phản lực trong khu vực. Ông Otto cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra với các hãng hàng không lớn.

Tuy nhiên, Celera L500 còn cả một chặng đường dài phía trước, bao gồm nhiều năm bay thử nghiệm và chứng nhận đầy đủ về máy bay. Quan trọng nhất, nó phải thực hiện được một loạt lời hứa ấn tượng.

Theo nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia: “Tất cả nghe có vẻ đặc biệt hứa hẹn, nhưng có lẽ quá hứa hẹn”. Ông cho rằng với sự kết hợp của phạm vi, tốc độ, công suất và động cơ tốn ít nhiên liệu đi kèm với tất cả các chỉ số đã nêu, Otto Aviation cần chứng minh máy bay này hoạt động hiệu quả.

Nếu họ thực sự có thể đạt được những gì đã nói thì quy mô có thể được mở rộng thêm. Theo ông Richard Aboulafia, tốt nhất nên có một cái nhìn thận trọng và chờ xem liệu điều đó có thể được chứng minh trên những chiếc máy bay đầu tiên của họ hay không.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/may-bay-hinh-vien-dan-cuoc-cach-mang-hang-khong-Rf21L7t7g.html