'Mẫu Tự Du Ký' Điềm Phùng Thị - Tác phẩm của người nghệ sĩ bậc thầy

Triển lãm đầu tiên tại Hà Nội tập trung khảo sát và trưng bày các tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, 'Mẫu Tự Du Ký' (The Curious Adventure of the Modules) tìm hiểu quá trình phát triển ngôn ngữ điêu khắc mô-đun (module) của người nghệ sĩ quá cố. Con đường sáng tạo của Bà Điềm Phùng Thị không thể chỉ nói đến thế giới ngôn ngữ 7 mẫu tự mà còn nhiều hơn thế đã làm nên sự khác biệt giữa bà với ngôn ngữ tạo hình.

Tương quan của dòng chảy điêu khắc

Tương quan của dòng chảy điêu khắc

“Tôi là người Việt Nam và là một nhà điêu khắc. Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Tôi trao lại cho các bạn, hoặc đúng hơn, nói theo cách của Buissìere, tôi trao tôi cho các bạn.”Điềm Phùng Thị (Paris, 1967)

“Lần đầu tiên, không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng – trong số biết bao nhiêu nhà tạc tượng khác từ Viễn Đông đến Paris – giành được chỗ đứng cho châu Á ngay ở trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris. Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo... Tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy và tác phẩm tiên tri.” — Mady Ménier (Giáo sư Ưu tú, Đại học Paris I – Sorbonne, tháng 01/1997)

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Trung tâm nghệ thuật The Outpost trân trọng giới thiệu“Mẫu Tự Du Ký” - một triển lãm khảo cứu về quá trình phát triển ngôn ngữ điêu khắc bằng mẫu tự mô-đun (module) của cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Triển lãm kết hợp trưng bày các tác phẩm nguyên bản của Điềm Phùng Thị cùng một sắp đặt video mới được thực hiện bởi những nghệ sĩ sinh sau bà hơn nửa thế kỷ, với mong muốn mở ra những đối thoại giàu liên tưởng và xuyên thế hệ xung quanh ngôn ngữ nghệ thuật của nhà điêu khắc quá cố.

Trong mối quan tâm đó, The Outpost sẽ đem tới công chúng thủ đô những điêu khắc hiếm thấy, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1960 - 1980 của Điềm Phùng Thị. Bên cạnh sắp đặt video được hình dung như một bài tiểu luận thị giác của các nghệ sĩ Lê Thuận Uyên, Hachul Lệ Đổ, Ngô Đình Bảo Châu, Đỗ Thanh Lãng và Nguyễn Hữu Hải Duy, “Mẫu Tự Du Ký” cũng chia sẻ nhiều tư liệu lưu trữ thu thập trong suốt 5 năm nghiên cứu của các nghệ sĩ, giám tuyển từ Việt Nam và Singapore, cho thấy sự điêu luyện của Điềm Phùng Thị trong việc kết hợp các mô-đun để đối thoại với nhiều dạng thức không gian khác nhau.

Triển lãm cũng tiếp nối suy tư về “tính đồng sự”, chủ đề năm 2024 của The Outpost, khi quy tụ các tác phẩm trong Bộ sưu tập The Outpost và nhiều bộ sưu tập tư nhân kín tiếng. The Outpost mong muốn cùng chung tay tạo ra một mường tượng về quá trình “tiến hóa” của các mô-đun Điềm Phùng Thị. Đó là sự diễn dịch của các nghệ sĩ hậu thế và cũng là một lá thư giản dị gửi đến bà Điềm Phùng Thị - một nhà tạc tượng tài ba trong hàng ngũ những điêu khắc gia chân chính của thời đại.

Người nghệ sĩ tài hoa

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Điềm Phùng Thị (tên thật là Phùng Thị Cúc, 1920 - 2002) là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, từng được ghi danh trong “Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ 20”; một họa gia trong giới điêu khắc; và là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu. Bà được biết đến rộng rãi với việc sáng tạo ra hệ thống 7 mô-đun rất tài tình, có thể phóng to thu nhỏ, thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau, tạo nên vô vàn các hình thái. Điềm Phùng Thị chủ yếu thực hành điêu khắc, nhưng đồng thời cũng sáng tác nhiều tác phẩm tranh giấy, tranh vải, và ký họa.

Cái độc đáo riêng biệt của Điềm Phùng Thị là việc bà sáng tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự. Còn giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc. 7 chữ cái ấy tiền thân là những mẩu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Từ trong đống những mẩu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Từ hình người chắp tay, thêm vào mấy mô-đun thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa... Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàng hình tượng.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Một thế giới có tiếng nói riêng, có mẫu tự riêng được tạo dựng giữa lòng châu Âu thế kỷ XX và trong cảm thức trân trọng sâu lắng của người Việt Nam thật khó có thể phác thảo tổng quan và cụ thể chỉ qua một vài đặc điểm. Trên đây chỉ là những lát cắt từ các hình khối đơn nhất và đa phức hợp của Điềm Phùng Thị, nhất là từ các mẫu alphabet vẫn thường được người xem “cảm” nhiều hơn là tìm hiểu, để ký thác lại tiếng nói những trò chơi hình học và các hình thể đã làm nên thế giới ấy.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Thời điểm đó, hàng chục cuộc triển lãm quy mô của Điềm Phùng Thị được tổ chức khắp nước Pháp và Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ... 36 tượng đài của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi của Điềm Phùng Thị đã nổi danh khắp châu Âu. Tuy vậy, ngoài hàng trăm tác phẩm điêu khắc được bà hiến tặng cho Thành phố Huế, sáng tác của Điềm Phùng Thị chưa được công chúng trong nước biết đến rộng rãi, do sự thiếu vắng các nghiên cứu chuyên sâu có khả năng neo đậu thực hành của bà trong dòng chảy lớn hơn của lịch sử nghệ thuật, đặc biệt là nền điêu khắc ở Việt Nam trong cùng giai đoạn.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Năm 1991, bà cùng với Ziao Wou Ki - họa sĩ trừu tượng nổi tiếng người Trung Quốc, là 2 nghệ sĩ được đứng vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse. Năm 1992, Điềm Phùng Thị được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu.

Những năm cuối đời, bà về nước nhiều lần và tổ chức các cuộc triển lãm tại thủ đô Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 02/1994, nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (với 175 tác phẩm) đã khánh thành tại biệt thự số 1 Phan Bội Châu, Huế. Giới văn nghệ sĩ trong nước đã xem đó là một sự kiện trọng đại của nghệ thuật Việt Nam. Những mẩu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang... ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của Điềm Phùng Thị. Một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông. Bà hiện diện như một người phụ nữ tài hoa, mạnh mẽ và hết mực yêu nước.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Tác phẩm của Bà Điềm Phùng Thị được trưng bày tại triển lãm Mẫu Tự Du Ký.

Những tác phẩm mô-đun (module) của Bà Điềm Phùng Thị được phác họa lại.

Những tác phẩm mô-đun (module) của Bà Điềm Phùng Thị được phác họa lại.

Thông tin triển lãm
Thời gian diễn ra: 22/09 – 24/11/2024
Khung giờ mở cửa: 10h - 20h, Thứ Ba - Chủ Nhật (đóng cửa Thứ Hai)
Địa điểm: Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Roman Plaza Tháp B1 (Tầng 2), Tố Hữu, Hà NôịSĐT: 024.222.66888

Ngọc Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mau-tu-du-ky-diem-phung-thi-tac-pham-cua-nguoi-nghe-si-bac-thay-10293322.html