Mẫu nước và khí ở giếng khoan tự phun tại huyện Chư Prông là bình thường

Theo kết quả ban đầu từ việc kiểm nghiệm mẫu nước lấy từ giếng khoan tự phun ở xã Ia Kly (huyện Chư Prông) từ Liên đoàn quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền trung cho thấy chất lượng nước và khí tại giếng khoang tự phun tại huyện Chư Prông là bình thường.

Theo đó, sau khi có hiện tượng lạ, vào ngày 30-7, tại gia đình anh Đàm Xuân Hòa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) xuất hiện hiện tượng lỗ khoan tự phun hỗn hợp khí và nước lên trên mặt đất khi khoan đến độ sâu gần 200m, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cử đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại hiện trường nhằm thu được những thông tin chính xác hơn về hiện tượng này.

Giếng khoan cũ tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông) tự phun trào. Ảnh CTV

Giếng khoan cũ tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông) tự phun trào. Ảnh CTV

Kết quả bước đầu cho thấy, hiện tượng hỗn hợp nước-khí tự phun tại giếng khoan xảy ra ở thời điểm khá lâu (2 ngày) sau thời điểm xảy ra các trận động đất ở Kon Tum và rất ít có khả năng liên hệ với nhau.

Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bổ của một túi khí (độ sâu 186m trở xuống). Nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu. Nước trong hỗn hợp khí-nước có thể là đồng hành trong mỏ (chiều sâu 186m trở xuống) hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí. Chất lượng nước và khí chưa ghi nhận các chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, mùi, vị) của các thành phần nguy hại đến sức khỏe người dân. Nước có chất lượng tốt với các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm. Nước thuộc loại khoáng hóa thấp, các chỉ tiêu còn lại nằm dưới giới hạn được định danh nước khoáng. Có thể nhận định nước trong lỗ khoan có nguồn gốc cung cấp từ nước mưa, thông qua quá trình cung cấp ngấm trực tiếp từ trên mặt đất, qua các tầng đất đá thấm nước/thấm nước yếu, ít có khả năng là nước chôn vùi (đồng hành) trong các mỏ ở các cấu trúc nằm sâu bên dưới lòng đất hoặc các nguồn gốc nội sinh khác.

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cử đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại giếng khoan tự phun. Ảnh: Lê Nam

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cử đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại giếng khoan tự phun. Ảnh: Lê Nam

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đây chỉ là các nhận định ban đầu, dựa vào kết quả khảo sát nhanh. Các kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác được tiến hành trên cơ sở các nhận định được rút ra từ đợt khảo sát nhanh này.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mau-nuoc-va-khi-o-gieng-khoan-tu-phun-tai-huyen-chu-prong-la-binh-thuong-post290032.html