Mặt tối xã hội Hàn Quốc trong 'Squid Game 3'

Hơn 10 ngày kể từ thời điểm phát hành, 'Squid Game 3' vẫn là một trong những bộ phim truyền hình ăn khách và được thảo luận nhiều nhất. Người khen, kẻ chê nhưng hầu hết đều đồng ý phim phần nào phản ánh được hiện thực xã hội ở Hàn Quốc.

Bộ phim phản ánh đời thực

Kể từ thời điểm ra mắt vào ngày 27/6, Squid Game 3 (Trò chơi con mực 3) lập tức trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu. Bằng chứng rõ ràng nhất là phim đạt được vị trí số 1 xem nhiều tại tất cả 93 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng dịch vụ của Netflix, đồng thời duy trì thứ hạng đó mỗi ngày trong suốt hơn 10 ngày qua.

Đi đôi với lượng người xem kỷ lục là cuộc tranh cãi không ngừng về cái kết của phim. Một phe chỉ trích biên kịch khi không để cho nhân vật chính sống sót, cũng không tiêu diệt thế lực đứng sau trò chơi sinh tử. Phe còn lại nhận định Squid Game 3 đã có một kết thúc hợp lý.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là dù thái độ khác nhau, hầu hết người xem đều đồng tình bộ phim thực sự phản ánh được hiện thực xã hội ở Hàn Quốc.

Đối với nhiều người, kết thúc có hậu trên phim đại diện cho lòng mong mỏi của họ vào một xã hội mà bất công không còn và mọi áp lực cuộc sống đều có hướng giải quyết. Họ không thích phải đối mặt với thực tế tàn khốc ngay cả trong thế giới mộng mơ trên màn ảnh.

Khán giả công nhận Squid Game là bộ phim phản ánh mặt tối trong xã hội Hàn Quốc.

Khán giả công nhận Squid Game là bộ phim phản ánh mặt tối trong xã hội Hàn Quốc.

Cư dân mạng bình luận: “Tôi không thích cái kết vì cuối cùng nhóm VIP giàu có chiến thắng và sẽ tiếp tục bóc lột người nghèo”, "Bộ phim có thể là hư cấu, nhưng nó có vẻ thực tế hơn cả thực tế", "Lao động bấp bênh, thất nghiệp ở thanh niên, gia đình tan vỡ – đây không chỉ là tình tiết làm gia tăng kịch tính trong phim, mà còn là những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày", "Mặc dù rất muốn thấy Gi Hun (Lee Jung Jae) chiến thắng, giết chết thủ lĩnh và VIP, rồi kết thúc hoàn toàn trò chơi, nhưng đó không phải là thế giới chúng ta đang sống và chắc chắn không phải là thế giới mà Gi Hun đã sống"...

Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, đạo diễn Hwang Dong Hyuk liên tục nhấn mạnh về mục tiêu phản ánh hiện thực xã hội trong tác phẩm của mình.

“Ban đầu, tôi mơ hồ nghĩ đến một cốt truyện mà Gi Hun sống sót cùng một vài thí sinh khác và đến Mỹ gặp con gái. Nhưng tôi đã xem xét câu chuyện mà tôi thực sự muốn kể qua dự án này và cảm thấy hành trình của Gi Hun nên kết thúc ở đây. Bởi vì cuối cùng, dự án này là về thế giới chúng ta đang sống. Bất bình đẳng kinh tế trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tôi thực hiện phần 1. Cuộc sống của những người bình thường trở nên khó khăn hơn và chiến tranh không có dấu hiệu kết thúc. Mọi người dường như thiếu khả năng hoặc ý chí để khắc phục tình trạng này. Có vẻ như tương lai thực sự ảm đạm hơn đang đến và tôi nghĩ mình cần phải kể câu chuyện đó”, ông nói với The Korea Times.

Những con số đáng báo động

Một số cho rằng đạo diễn Hwang cố tình tồi tệ hóa xã hội Hàn Quốc hiện đại. Tuy nhiên, những con số không nói dối.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc vào đầu năm, chênh lệch thu nhập giữa 10% hộ gia đình giàu và nghèo nhất vượt quá 200 triệu won (136.000 USD). Thu nhập trung bình hàng năm của nhóm giàu nhất là 210,51 triệu won (gần 154.000 USD), trong khi 10% hộ gia đình nghèo nhất chỉ kiếm được 13,04 triệu won (hơn 9.500 USD). Đây là lần đầu tiên khoảng cách này lớn đến thế tính từ lần thống kê đầu tiên vào năm 2017.

Sự chênh lệch này không chỉ giới hạn ở thu nhập cá nhân, mà còn mở rộng sang tài sản. Khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất đã tăng vọt lên 1,5 tỷ won (1,1 triệu USD), càng làm nổi bật cách biệt về mức sống và an ninh tài chính.

Bất bình đẳng kinh tế nghiêm trọng cũng được phản ánh qua hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn tiếp tục phát triển mạnh, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải vật lộn để tồn tại.

Vào năm 2023, chỉ số sản xuất của các công ty lớn tăng 5,2% so với năm trước và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2015. Ngược lại, chỉ số của SME giảm 0,9%.

Sự chênh lệch này không chỉ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập, mà còn làm suy yếu sự ổn định tài chính của người lao động phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhỏ này để kiếm sống.

Khoảng cách ngày càng lớn này tác động không tốt về mặt xã hội và kinh tế ở xứ sở kim chi.

Khi tập đoàn lớn tích lũy nhiều của cải và quyền lực hơn, các doanh nghiệp và người lao động yếu thế hơn hơn phải chịu thu nhập trì trệ hoặc thậm chí giảm sút. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, trong đó những đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội (cá nhân tự kinh doanh, chủ doanh nghiệp nhỏ và người lao động thu nhập thấp) bị bỏ lại phía sau. Nếu không được giải quyết, khoảng cách ngày càng tăng này có thể gây ra thiệt hại không thể đảo ngược cho cấu trúc xã hội của Hàn Quốc, làm gia tăng căng thẳng giữa các tầng lớp khác nhau và làm suy yếu sự gắn kết xã hội.

Chênh lệch giàu - nghèo ở Hàn Quốc đang trong tình trạng đáng báo động.

Chênh lệch giàu - nghèo ở Hàn Quốc đang trong tình trạng đáng báo động.

Điều đáng quan ngại hơn là vẫn chưa có nhiều tiến triển đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách này. Các chính sách chính trị và kinh tế của quốc gia phần lớn không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự phân cực ngày càng gia tăng này.

Chưa dừng lại ở đó, trong báo cáo công bố ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết tính đến quý 3/2024, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP (tổng sản phẩm quốc nội) là 90,7% - cao thứ 5 trong số 44 quốc gia được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khảo sát. Con số đó vượt qua Mỹ (70,5%), Nhật Bản (65%) và mức trung bình của G20 (61,2%).

Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc vào khoảng 1.927,3 tỷ USD (1.340 tỷ USD). Tỷ lệ nợ/thu nhập (DSR) của các hộ gia đình là 11% - mức cao so với lịch sử. Con số này phản ánh áp lực tài chính lớn đối với người này. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, khả năng trả nợ càng khó khăn.

Trong tháng 5, vay tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, đạt mức gần 6.000 tỷ won (4,4 tỷ USD). Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 7 tháng. Khoản vay tiêu dùng không thế chấp (vay tín dụng và thẻ tín dụng) tăng khoảng 1.000 tỷ won (731 triệu USD) chỉ trong tháng đó.

Thực tế không chỉ ở Hàn Quốc

Thực trạng này góp phần thúc đẩy sự gia tăng của trầm cảm, lo âu và tự tử. Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm các nước phát triển, với hơn 12.000 trường hợp/năm. Trong đó, nhiều vụ tự tử liên quan đến nợ nần cá nhân, nhất là vay tiêu dùng và tín dụng đen.

Tỷ lệ người trẻ (20-39 tuổi) nợ thẻ tín dụng và vay cá nhân tăng nhanh, kéo theo gia tăng trường hợp vỡ nợ khi còn chưa lập gia đình hoặc mua nhà. Vì không đủ khả năng tài chính, người trẻ chọn từ bỏ tình yêu, hôn nhân, sinh con... (gọi chung là Generation N-po).

Nợ nần kéo theo vấn nạn vay nặng lãi, tín dụng đen, cờ bạc online, đầu tư tiền ảo... bùng phát trong giới trẻ và người thu nhập thấp. Lừa đảo tài chính, cho vay lãi cắt cổ... cũng từ đó mà phát triển.

Những điều này được phản ánh rõ rệt qua từng người chơi của Squid Game. Nam chính Seong Gi Hun ban đầu là kẻ thất nghiệp, nghiện cá cược, sống ăn bám vào mẹ già và không thể chu cấp cho con gái. Myung Gi/Người chơi 333 (Yim Si Wan) đại diện cho thế hệ trẻ đâm đầu vào tiền ảo với hy vọng đổi đời, nhưng cuối cùng lại ngập trong nợ nần, không thể lo cho bạn gái mang thai. Người chơi 100 (Song Young Chang) vay nợ tín dụng lên đến 10 tỷ won...

Đối lập với họ là nhóm khách VIP. Họ dùng tiền bạc và quyền lực thao túng phe yếu thế trong xã hội, biến những người đó thành thú tiêu khiển. Họ cũng là hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp lớn "cắn nuốt" doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế.

Khi mà Squid Game trở thành series toàn cầu, đạo diễn Hwang cũng không giới hạn phạm vi phản ánh thực tế trong lãnh thổ Hàn Quốc, mà còn cả ở nước Mỹ.

Trong cuộc trò chuyện với tạp chí Time vào tháng 6, nhà làm phim sinh năm 1971 chia sẻ: "Nước Mỹ nổi tiếng với nền dân chủ tự do. Chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc mà các cuộc bầu cử, bỏ phiếu và quan điểm chính trị có thể gây ra cho mọi người... thành thật mà nói, tôi bị sốc. Vì vậy, đó cũng là một phần của cuộc sống hiện tại đã truyền cảm hứng cho tôi".

Ông cũng liên hệ nhân vật VIP trong phim với tỷ phú Elon Musk, không chỉ nổi tiếng với tài kinh doanh mà còn can thiệp vào cả chính trị khi từng tham gia vào nội các của Tổng thống Donald Trump.

Theo đạo diễn Hwang, dù nhân vật do ông tạo ra không lấy cảm hứng từ người thật, nhưng một số VIP vẻ giống Elon Musk.

Theo đạo diễn Hwang, dù nhân vật do ông tạo ra không lấy cảm hứng từ người thật, nhưng một số VIP vẻ giống Elon Musk.

Theo đạo diễn Hwang, việc để khách VIP lộ diện trong phim cũng được truyền cảm hứng từ sự chia rẽ ở Mỹ, cả về chính trị và kinh tế xã hội.

"Trước đây, những người thực sự kiểm soát hệ thống và duy trì quyền lực thường ẩn sau bức màn, gần như vô hình. Tuy nhiên, giờ thì không còn như vậy nữa, đặc biệt là ở Mỹ... Họ sẵn sàng tháo mặt nạ của mình ra, như để tuyên bố, 'Chúng tôi là những người điều hành mọi thứ. Chúng tôi là những người kiểm soát'", ông Hwang nói.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Joongang Ilbo (Hàn Quốc), đạo diễn Hwang cũng đề cập đến tỷ phú Mỹ khác để làm sâu sắc thêm tính chân thực trong câu chuyện ông muốn truyền tải.

“Khi tiếp tục viết, tôi bắt đầu cảm thấy việc tồn tại trong thế giới này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bất bình đẳng đang gia tăng, mối đe dọa chiến tranh ngày càng lớn, khủng hoảng khí hậu hiện diện rõ ràng nhưng vẫn chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Trong thế giới mà chủ nghĩa vị kỷ quốc gia ngày một nghiêm trọng, thế hệ tương lai sẽ sống như thế nào? Tôi nghe nói Jeff Bezos chi hơn 70 tỷ won (51,7 triệu USD) cho đám cưới của mình. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng sự giàu có tập trung trong tay một số ít người”, ông phân tích.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mat-toi-xa-hoi-han-quoc-trong-squid-game-3-post1758270.tpo